Ở TỈNH BÌNH ĐỊNH HIỆN NAY 2.1 Khái quát chung về Bình Định
2.1.3. Điều kiện văn hóa
Bình Định có một mạch nguồn văn hóa rất xa xưa, nếu nói phía Bắc có nền văn hóa Đông Sơn, phía Nam có nền văn hóa Óc Eo thì Bình Định, trung điểm của khu vực miền Trung có nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn hóa Chămpa nổi tiếng. Thừa hưởng một mạch nguồn văn hóa phải nói là hết sức đồ sộ và cổ xưa, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước văn hóa Bình Định vừa lan tỏa vừa tiếp thu những giá trị của các nền văn hóa khác để bồi đắp, làm phong phú cho mình.
Người Bình Định rất đỗi tự hào và luôn có ý thức bảo tồn, lưu giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống của ông cha để lại, làm giàu cho cuộc sống hôm nay. Ai đã một lần đến Bình Định chắc không bao giờ quên những ngọn Tháp Chămpa cổ kính, xây dựng cách đây hàng mấy trăm năm nhưng vẫn ngạo nghễ, đẹp đến ngây ngất bởi lối kiến trúc tinh xảo và chứa đựng nhiều huyền bí. Và trong cái nền của văn hóa – văn minh cổ xưa ấy, đất Bình Định luôn luôn là nơi phát tích những dòng, những trào lưu văn hóa hết sức độc đáo. Có nhiều ý kiến cho rằng nghệ thuật tuồng đạt đến trình độ cổ điển, là vốn quý của dân tộc đã phát triển rực rỡ trên mảnh đất Bình Định gắn với tên tuổi nhà soạn tuồng xuất sắc Đào Tấn.
Những nét chấm phá của văn hóa Bình Định đã qua là như vậy nhưng những gì của văn hóa Bình Định cho hôm nay và ngày mai là hết sức quan trọng, cần phải
được định ra cho văn hóa một hướng đi phù hợp với quy luật phát triển xã hội, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Bởi vì nói đến văn hóa tuy là động lực phát triển kinh tế – xã hội nhưng văn hóa lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, cho nên đặt vấn đề văn hóa Bình Định với cái nhìn tương lai thì văn hóa Bình Định cũng chịu sự ảnh hưởng của nền kinh tế của tỉnh; vì vậy nhận định văn hóa Bình Định đi tới đâu, diện mạo như thế nào trong tương lai là hết sức cần thiết. Thực ra, những vấn đề về văn hóa của Bình Định mang tính chất chung nhất đã được định hướng trong các Nghị quyết về văn hóa – văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà gần nhất, cụ thể nhất là Nghị quyết Hội nghị lần 5 của Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cụ thể hóa của Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành Đề án chiến lược phát triển văn hóa thông tin đến năm 2010 và hàng loạt đề án khác nhằm thúc đẩy, cởi trói cho văn hóa – nghệ thuật phát triển. Có thể nói hàng loạt các Chính sách, Đề án mới về văn hóa – nghệ thuật được ban hành đã khuyến khích rất nhiều cho văn hóa Bình Định phát triển; đó là những cái gậy để các nhà làm văn hóa đề ra cho mình một hướng đi cụ thể, thiết thực theo hướng bảo đảm cho văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Nhìn một cách tổng quan thì văn hóa Bình Định không nằm ngoài định hướng chung của văn hóa Việt Nam hoạt động trong cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi đặt vấn đề cụ thể của hướng đi nào để văn hóa Bình Định đi tới tương lai chắc chắn phải dựa vào đặc điểm của vùng miền và thế mạnh Bình Định có. Văn hóa Bình Định muốn có một cuộc bứt phá ngoạn mục thì phải bám sát vào cội rễ của văn hóa truyền thống vốn rất phong phú và đa dạng, bởi đây là cái nền vững chắc nhất. Phát triển văn hóa Bình Định, trước hết có lẽ phải đi từ hệ thống di tích lịch sử văn hóa. Nghĩa là phải biết phát huy thế mạnh của các di tích này để khai thác, giới thiệu những giá trị của chúng ra bên ngoài. Theo thống kê chưa đầy đủ, Bình Định hiện nay có 260 điểm di tích và danh thắng đang được quy hoạch. Trong số này, đến nay có trên 30 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng, khoảng trên 50 di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận, còn lại đang được khảo sát, xây dựng hồ sơ để xác
định mức độ giá trị của từng di tích, ứng với cấp nào thì cấp đó công nhận. Các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định chứa đựng tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân Bình Định, phổ biến nhất là các nhóm: di tích về văn hóa Chămpa xưa, di tích về Tây Sơn – Nguyễn Huệ, di tích về kháng Pháp và Cách mạng, di tích kháng chiến chống Mỹ và di tích danh lam – thắng cảnh.
Dòng văn hóa phi vật thể ở Bình Định vô cùng phong phú như: Hoạt động lễ hội, hát bội (tuồng), nhạc võ Tây Sơn, ca kịch bài chòi, múa hát bá trạo của cư dân miền biển… là những món ăn tinh thần đặc sắc không những đối với nhân dân Bình Định mà nó còn là đặc sản để giới thiệu ra ngoài tỉnh và khách quốc tế. Các lễ hội mang tính chất truyền thống và đậm chất dân gian nếu được duy trì, phát huy cũng sẽ là bộ mặt văn hóa tương lai của Bình Định như: Lễ hội chiến thắng Đống Đa (Tây Sơn), Lễ hội cầu ngư (các xã ven biển), Lễ hội chợ Gò (Tuy Phước), Lễ hội văn hóa – thể thao miền núi, Lễ hội văn hóa – thể thao miền biển… và vô số các lễ hội mang tính chất tín ngưỡng và giàu tính nhân văn của ba dân tộc thiểu số miền núi: Bana, Chăm, H’re sống trên đất Bình Định là mạch nguồn bồi đắp nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Và dĩ nhiên các loại hình văn hóa kể trên phải được nâng cao, cải biên cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ mới.
Để có một vùng văn hóa phát triển, Bình Định cũng đang gặp nhiều khó khăn thử thách. Đó là những mặt trái của cơ chế thị trường, một khi phải hạn chế những tư tưởng đề cao đồng tiền và danh lợi hoặc thương mại hóa văn hóa. Những khó khăn thử thách này, thực tế những năm vừa qua, Bình Định cũng đã gặp phải và đang cố gắng hạn chế không để chúng làm cản trở trong sự phát triển chung của văn hóa Bình Định.
Ngày nay với các chính sách chiêu hiền đãi sĩ của Ủy ban nhân dân tỉnh, tầng lớp trí thức, đội ngũ làm công tác văn hóa – nghệ thuật ở Bình Định ngày một trưởng thành. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng để tạo nên vóc dáng văn hóa Bình Định trong tương lai. Đó sẽ là động lực thúc đẩy một cách trực tiếp cùng cả nước tiến tới xây dựng một nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.