6. Kết cấu luận văn
1.1.2. Vai trò của tổ chức tài chính vi mô
1.1.2.1. Vai trò xã hội của tổ chức tài chính vi mô
Về khía cạnh xã hội, các TCTCVM bán chính thức tạo ra cơ hội cho người dân ở nông thôn, nhất là người nghèo tiếp cận được với dịch vụ tài chính, tăng cường sự tham gia của họ vào cuộc sống cộng đồng nói chung, tăng cường năng lực xã hội của họ. Khi một hộ gia đình rơi vào nghèo, đòi hỏi các thành viên phải lao động nhiều hơn mức bình thường, phải làm nhiều công việc nguy hiểm để đảm bảo nguồn lương thực. Do đó nghèo có tác động
mạnh đến hai đối tượng là phụ nữ và trẻ em. Trẻ em trong các hộ nghèo thường phải nghỉ học sớm để tham gia lao động phụ giúp gia đình, có thể sẽ phải rời vùng quê lên các thành thị để kiếm sống, từ đó trẻ em dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội. Một vòng xoáy nghèo đói mới có thể sẽ được hình thành. Chính vì phụ nữ và trẻ em bị tác động nhiều của nghèo, đây đối tượng của nhiều tổ chức cung cấp tín dụng hướng tới để cải thiện đời sống. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, đối với các khoản vay nhỏ thì hộ có phụ nữ là chủ hộ sẽ sử dụng một cách hiệu quả hơn là những hộ chủ hộ là nam giới. Ngoài những tác động đến thu nhập, thì Nallari và Griffith (2011) lập luận rằng “TCVM trao quyền cho phụ nữ. Trao quyền này biểu hiện dưới hình thức tăng khả năng thu và kiểm soát tài sản của hộ gia đình, dẫn đến quyền tự chủ và ra quyết định lớn trong gia đình”.
Tiếp cận TCVM sẽ làm tăng thu nhập của hộ nghèo, hộ nghèo sẽ có nguồn để trang chải chi phí y tế và giáo dục cho trẻ em của hộ. Pitt và Khandker (2003) nghiên cứu ở Bangladesh đã cho thấy tác dụng của TCVM ngoài việc được tiếp cận giáo dục thì trẻ em của các hộ nghèo còn được cải thiện tình hình sức khỏe và cải thiện chế độ dinh dưỡng của trẻ em, thời gian phân bổ cho lao động của trẻ em sẽ được cắt giảm, đặc biệt là trẻ em nữ.
1.1.2.2. Vai trò kinh tế của tổ chức tài chính vi mô
Về khía cạnh tài chính, thông qua quá trình cung cấp các dịch vụ tài chính, các TCTCVM bán chính thức thực hiện các chức năng quan trọng là (i) huy động tiết kiệm; (ii) tái phân bổ tiết kiệm cho đầu tư, và (iii) tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ, trở thành một công cụ đắc lực để giảm nghèo đói, tăng thu nhập.
Vốn là đầu vào quan trọng cho quá trình sản xuất, chính vì vậy thiếu vốn là một trong những nguyên nhân rơi vào nghèo, làm cho thu nhập và chi tiêu của người nghèo bị hạn chế. Có vốn để sản xuất là một biện pháp giúp
người nghèo tiếp cận được các nguồn lực, tạo cơ hội tăng thu nhập và nâng cao mức sống. Tác động của tín dụng vi mô đến giảm nghèo thể hiện trong mối quan hệ với phúc lợi của hộ nghèo gồm thu nhập của hộ, chi tiêu cho thực phẩm, phi thực phẩm, chi đầu tư giáo dục. Đây cũng chính là hướng nghiên cứu chính của những đề tài đánh giá tác động của tín dụng vi mô đến giảm nghèo.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiếp cận tín dụng là điều kiện quan trọng để người nghèo tăng cường đầu tư cho sản xuất, y tế và giáo dục của con cái...Nhờ đó, nâng cao thu nhập và có cơ hội thoát nghèo bền vững. Ngân hàng thế giới (1995) đã chỉ ra rằng cải thiện thị trường tín dụng vi mô là một chính sách quan trọng để giảm nghèo đói ở Việt Nam.
Một số nghiên cứu ở châu Phi, châu Á đã cho thấy vai trò quan trọng của việc cấp tín dụng với những điều kiện ưu đãi cho người nghèo, đó là phương tiện để giúp họ thoát nghèo. Vai trò của hoạt động tín dụng cho người nghèo thể hiện qua sự đóng góp của nó vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm tác động của sự bất ổn kinh tế và tăng tính tự chủ cho các hộ nghèo. Tín dụng vi mô cũng được nhiều nghiên cứu khẳng định có vai trò tích cực trong việc giảm nghèo, đặc biệt ở nông thôn. Jonathan Morduch (2005) khẳng định rằng tài chính vi mô giúp giảm nghèo đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ tổn thương nhất thông qua việc cung cấp tín dụng để họ dễ dàng kết hợp với hướng dẫn về cách sử dụng. Nhờ đó giúp người nghèo tăng cường được vị thế trong xã hội, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ, kể cả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập và giảm khả năng dễ bị tổn thương.
Một số nghiên cứu khác cũng khẳng định rằng tín dụng vi mô và tiếp cận tín dụng vi mô là điều kiện quan trọng quyết định đến khả năng nâng cao mức sống và thoát khỏi đói nghèo của các hộ nghèo. Tín dụng vi mô giữ vai trò như một cơ chế quan trọng giúp hộ vượt qua những cú sốc về thu nhập.