3.2.1.1. Đa dạng hóa dịch vụ sản phẩm
Đa dạng hóa sản phẩm là điểm mạnh và mũi nhọn để phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Trong đó, tập trung vào những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có đặc điểm nổi trội trên thị trường, nhằm tạo sự khác biệt trong cạnh tranh.
Đa dạng hóa sản phẩm được xác định là thế mạnh và mũi nhọn để phát triển dịch vụ ngân hàng cá nhân, cần tập trung vào những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có đặc điểm nổi trội so với các sản phẩm trên thị trường, nhằm tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh. Khả năng cung cấp được nhiều sản phẩm, nhất là sản phẩm mới, thông qua sự đa dạng về sản phẩm và kênh phân phối sẽ giúp AGRIBANK Hà Nội tranh thủ cơ hội phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Đa dạng hóa và nâng cấp chất lượng sản phẩm, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, đa kênh phân phối, mở rộng mạng lưới để tiếp cận, giao dịch, giới thiệu
sản phẩm, dễ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Triển khai rộng rãi các dịch vụ thanh toán điện tử và các hệ thống giao dịch điện tử, tự động. Đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công cụ thanh toán mới theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm tiền điện tử, thẻ thanh toán nội địa, thẻ thanh toán quốc tế, thẻ đa năng, thẻ thông minh và séc. Tập trung đẩy mạnh các dịch vụ tài khoản, trước hết là các tài khoản cá nhân với các thủ tục thuận lợi, an toàn và các tiện ích kèm theo, góp phần phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Để đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, AGRIBANK Hà Nội đã có những chính sách cụ thể như:
+Thứ nhất, Phát triển sản phẩm tiết kiệm linh hoạt
Bên cạnh các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng, hiện nay trên thị trường tài chính còn nhiều loại sản phẩm thay thế như các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm tiết kiệm bưu điện. Khách hàng có thể gửi hàng tháng một khoản tiền nhất định để đến hạn được nhận một số tiền như cam kết ban đầu. Đây là một trong những sản phẩm được khách hàng ưa thích.
AGRIBANK Hà Nội cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ Corebanking hiện có để cung cấp cho khách hàng những sản phẩm có cơ chế lãi suất linh hoạt, hay cơ chế gửi tiền linh hoạt mà không phải phụ thuộc vào ngày đáo hạn hay kỳ hạn gửi vì những sản phẩm này phù hợp với nhu cầu khách hàng. Cụ thể là, nên phát triển sản phẩm mới theo hướng:
- Sản phẩm tiết kiệm bậc thang về lãi suất theo thời gian thực gửi của khách hàng. Giả định, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, nhưng muốn rút tiền trước ngày đáo hạn, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất của kỳ hạn thực gửi.
- Sản phẩm tiết kiệm gửi góp. Khách hàng có nhu cầu gửi tiết kiệm có kỳ hạn, nhưng định kỳ muốn gửi góp một số tiền nhất định. Sản phẩm tiết kiệm này là một thoả thuận giữa ngân hàng với khách hàng về một khoản tiền trong tương lai mà khách hàng sẽ nhận được, với một mức lãi suất thoả thuận trước, định kỳ hàng tháng khách hàng sẽ phải gửi vào ngân hàng một số tiền nhất định theo thoả thuận.
- Sản phẩm tiết kiệm gửi càng nhiều lãi suất càng cao: Neu khách hàng đảm bảo số dư lớn trong tài khoản tiền gửi thanh toán, với mỗi mức ngân hàng sẽ trả mức lãi suất tương ứng cao hơn lãi suất không kỳ hạn. Số tiền càng lớn, lãi suất càng cao.
+Thứ hai, Phát triển sản phẩm tín dụng tiêu dùng, cho vay tín chấp, phát hành thẻ tín dụng tín chấp
Thị trường tín dụng tiêu dùng, cho vay tín chấp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất sơ khai. Nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân ngày càng gia tăng, do mức thu nhập và trình độ dân trí đang ngày một phát triển. Do đó, nhu cầu về vay vốn ngân hàng phục vụ cho mục đích tiêu dùng rất lớn. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng mới chỉ cung cấp các dịch vụ cho vay có tài sản đảm bảo, cầm cố, thế chấp. Để phát triển việc cung cấp sản phẩm tín dụng tiêu dùng đến với khách hàng, AGRIBANK Hà Nội cần mạnh dạn mở rộng sang các sản phẩm cho vay tín chấp, cho vay tiêu dùng trả góp theo mức lương.
Hiện nay, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán lương qua tài khoản của AGRIBANK tương đối lớn. Nếu áp dụng chính sách linh hoạt cho vay cán bộ nhận lương qua tài khoản tại AGRIBANK Hà Nội, hạn mức vay căn cứ theo mức lương hiện hưởng của mỗi cán bộ, thì sẽ phát triển tốt sản phẩm cho vay bán lẻ, đồng thời thu hút một lượng lớn khách hàng doanh nghiệp, các đơn vị hưởng lương Ngân sách Nhà nước thực hiện thanh toán lương qua tài khoản, tăng các cơ hội bán chéo sản phẩm.
Thẻ tín dụng cũng là một hình thức cấp tín dụng cho khách hàng. AGRIBANK Hà Nội, tuy không phải là ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực này, nhưng với lợi thế là ngân hàng đi sau, rút kinh nghiệm của các ngân hàng đi trước, nên thẻ tín dụng do AGRIBANK phát hành được khách hàng rất ưa chuộng, do mức phí thường niên cạnh tranh, thẻ áp dụng công nghệ chip là công nghệ làm thẻ hiện đại, tính an toàn và bảo mật cao. Mặt khác, thủ tục làm thuận tiện cũng là một lợi thế. AGRIBANK đã biết phân đoạn khách hàng, cung cấp nhiều loại thẻ với nhiều hạn mức tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng và cũng giúp hạn chế rủi ro
cho ngân hàng. Tuy nhiên, việc phát hành thẻ tín dụng phần lớn vẫn dựa trên cơ sở cầm cố, thế chấp bằng sổ tiết kiệm hoặc tài khoản tiền gửi. Điều này cũng hạn chế sự phát triển sản phẩm thẻ tín dụng đến với khách hàng. Để phát triển dịch vụ phát hành và thanh toán thẻ tín dụng, AGRIBANK Hà Nội cần mở rộng các đối tượng khách hàng, nới lỏng điều kiện phát hành như giảm tỷ lệ cầm cố, thế chấp, thậm chí mở rộng phát hành thẻ trên cơ sở tín chấp.
Phát triển sản phẩm tín dụng tiêu dùng, cho vay tín chấp là một hướng đi tất yếu của các ngân hàng cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ, đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập WTO, khi các ngân hàng nước ngoài cũng đang nhắm tới thị trường này.
+ Thứ ba, Gia tăng tiện ích sản phẩm thẻ
Sản phẩm thẻ là một trong những sản phẩm ngân hàng bán lẻ, thể hiện hàm lượng ứng dụng công nghệ cao và là một trong những sản phẩm thể hiện thế mạnh cạnh tranh của các ngân hàng bán lẻ. Tiện ích của thẻ, chất lượng dịch vụ thẻ, được coi là một tiêu chí đánh giá về chất lượng dịch vụ bán lẻ, đồng thời cũng thể hiện trình độ ứng dụng công nghệ hiện đại của mỗi ngân hàng hiện nay.
Kinh doanh thẻ là một trong những thế mạnh của Ngân hàng ngoại thương trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, do tác động của thói quen thanh toán tiền mặt, nên thẻ chủ yếu được sử dụng như một công cụ rút tiền mặt tại các máy ATM, các giao dịch thanh toán chuyển khoản giữa các tài khoản trong nội bộ hệ thống Ngân hàng ngoại thương chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng trị giá giao dịch thực hiện tại máy ATM, các giao dịch thanh toán hóa đơn cước sử dụng điện thoại, hóa đơn sử dụng nước còn hạn chế phạm vi sử dụng. Các giao dịch thanh toán hóa đơn hiện chỉ áp dụng ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Còn đại bộ phận ở các tỉnh, thành phố khác, thẻ chỉ được sử dụng như công cụ rút tiền mặt.
Trong thời gian tới, AGRIBANK Hà Nội cần nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ nhằm gia tăng tiện ích của thẻ như: tiện ích thanh toán, phát triển sản phẩm thẻ như một phương tiện thanh toán, đặc biệt là thanh toán, chi tiêu qua mạng phục vụ cho các giao dịch thanh toán online, hướng tới các khách hàng trong
lĩnh vực Thương mại điện tử, mua bán hàng qua mạng. Mở rộng tiện ích thanh toán hoá đơn điện nước, hoá đơn dịch vụ viễn thông trên toàn quốc.
Để phát triển và mở rộng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phát huy hiệu quả và tính năng kỹ thuật của công nghệ mới, góp phần hạn chế giao dịch tiền mặt, AGRIBANK Hà Nội cần đẩy mạnh hợp tác sâu rộng với các đối tác, nhằm triển khai các dịch vụ thanh toán hóa đơn tự động bằng thẻ qua mạng lưới máy ATM trên toàn quốc. Bên cạnh đó là hợp tác với những đối tác cung cấp dịch vụ, hàng hoá qua mạng (thương mại điện tử), nhằm mở rộng cung cấp phương tiện thanh toán là sản phẩm thẻ trong thương mại điện tử tới khách hàng.
+ Thứ tư, Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử
Hoàn thiện quy trình các dịch vụ Internet banking, E-Mobile Banking, đảm bảo an toàn cho khách hàng và ngân hàng, giúp khách hàng yên tâm khi sử dụng dịch vụ. Nghiên cứu để phát triển dịch vụ thanh toán qua kênh Internet banking, cung cấp các tiện ích thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử. Cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Cung cấp đầy đủ các sản phẩm ngân hàng điện tử:
- Sản phẩm Internet Banking: Gia tăng tiện ích thanh toán qua mạng Internet như chuyển khoản, trả nợ vay, gửi tiết kiệm.
- Sản phẩm Mobile Banking: Gia tăng tiện ích thanh toán qua tài khoản thông qua kênh điện thoại di động.
- Sản phẩm E-Mobile Banking: Triển khai sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua điện thoại. Với sản phẩm Phone Banking, khách hàng có thể truy vấn các thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng trên điện thoại,
- Sản phẩm máy ATM CMS: Triển khai dịch vụ ngân hàng tại cây ATM thông minh dành cho khách hàng cá nhân. Với sản phẩm này khách hàng có thể giao dịch gửi tiền/rút tiền thông qua máy ATM CMS của AGRIBANK, từ đó giúp khách hàng rút ngắn thời gian trực tiếp đến giao dịch tại quầy của ngân hàng. Khi sử dụng dịch vụ này, khách hàng có thể thực hiện giao dịch gửi tiền 24/24 giờ trong ngày, kể cả ngày nghỉ.
+ Thứ năm, Mở rộng dịch vụ kiều hối
Phát triển các dịch vụ thanh toán kiều hối mới như chuyển tiền nhanh thông qua việc làm đại lý thanh toán cho các công ty chuyển tiền quốc tế. Tiếp tục duy trì, mở rộng dịch vụ kiều hối truyền thống như chuyển tiền từ nước ngoài về qua hệ thống ngân hàng đại lý.
Tăng cường thu hút nguồn kiều hối, trên cơ sở phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động, các công ty dịch vụ kiều hối, tổ chức chuyển tiền ở nước ngoài, các ngân hàng đại lý nước ngoài. Có chính sách khai thác và tạo điều kiện thuận lợi phát triển dịch vụ chuyển tiền kiều hối qua hệ thống ngân hàng như tặng quà khách hàng khi chuyển tiền kiều hối qua AGRIBANK Hà Nội, ưu đãi về phí nhận tiền kiều hối, triển khai dịch vụ chuyển tiền kiều hối tới tận nhà khách hàng.
Một chính sách hiệu quả nhất để có thể thu hút nguồn kiều hối là, hợp tác trực tiếp với các công ty chuyên về hoạt động xuất khẩu lao động đi nước ngoài. Ngân hàng tổ chức những buổi giới thiệu, tư vấn và hướng dẫn trực tiếp cho những người đi lao động về các hình thức chuyển tiền, thủ tục chuyển tiền, cách thức liên hệ với hệ thống ngân hàng tại nước ngoài, thủ tục nhận tiền của người hưởng tại Việt nam. Cung cấp thông tin về dịch vụ và thủ tục sử dụng dịch vụ là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng, đặc biệt là dịch vụ chuyển tiền kiều hối, khi đối tượng khách hàng là lao động Việt nam đi làm việc tại nước ngoài theo hình thức xuất khẩu lao động.
+ Thứ sáu, Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới
Bên cạnh việc phát triển các dịch vụ truyền thống, cần triển khai cung cấp các dịch vụ mới, nhằm hướng tới đối tượng khách hàng hiện đại, năng động như dịch vụ uỷ thác đầu tư dành cho khách hàng cá nhân, dịch vụ quản lý kế hoạch hưu trí, dịch vụ cho thuê két sắt...
Các dịch vụ bảo hiểm: tăng cường bán chéo sản phẩm dịch vụ giữa ngân hàng và bảo hiểm, vì có tới 50% khách hàng sử dụng một sản phẩm duy nhất là tài khoản nhận lương.
Gói sản phẩm dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: Gói sản phẩm dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm các dịch vụ cho vay, dịch vụ thanh toán, dịch vụ
thanh toán lương, dịch vụ ngân quỹ, kết hợp các sản phẩm dành cho cán bộ thuộc khối doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thanh toán lương của ngân hàng như cho vay tiêu dùng, sản phẩm đầu tư tự động. Hàng tháng, sau khi nhận lương, ngân hàng sẽ tự động trích nợ từ tài khoản nhận lương sang tài khoản tiết kiệm theo yêu cầu ấn định của khách hàng. Sản phẩm này cho phép tiết kiệm được thời gian, giảm thiểu được thủ tục giao dịch của khách hàng, đồng thời ngân hàng cung cấp dịch vụ cũng triển khai được các hoạt động mua bán chéo sản phẩm dịch vụ giữa khách hàng là doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.
3.2.1.2. Phát triển thị trường và phương pháp bán sản phẩm
Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ được xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của AGRIBANK Hà Nội, bắt đầu từ sự nắm bắt các cơ hội có được từ thị trường, từ việc áp dụng công nghệ và sử dụng hệ thống tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, phương thức phân phối hiệu quả, tăng cường mối quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng.
Theo xu thế chung của các NHTM, AGRIBANK Hà Nội cần tăng qui mô vốn để đảm bảo nền tảng cho phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ theo hướng đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm thông qua mạng lưới các chi nhánh hiện hành, AGRIBANK Hà Nội cần thiết lập các hệ thống phân phối trên cơ sở sử dụng công nghệ thông tin hiện đại.