Nguồn hình thành vốn kinh doanh trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN KINH DOANH TẠI CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN PIAGGIO VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 26 - 30)

Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, một vấn đề mà các nhà quản lý đều quan tâm hiện nay là làm sao luôn tổ chức đảm bảo vốn một cách đầy đủ kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời phải luôn lựa chọn hình thức và phương pháp huy động vốn tích cực, phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Trên thực tế hiện nay, vốn kinh doanh của doanh nghiệp có thể được hình thành từ rất nhiều nguồn khác nhau và mỗi nguồn hình thành nên vốn kinh doanh này đều có những ưu/nhược điểm nhất định và một trong những biện pháp nhằm tổ chức quản lý và sử dụng vốn sản xuất kinh doanh có hiệu quả là phải nghiên cứu các nguồn vốn để có định hướng huy động hợp lý. Theo đó, vốn kinh doanh được phân chia thành các loại theo các tiêu thức chủ yếu sau:

• Căn cứ vào mối quan hệ sở hữu vốn, vốn kinh doanh của doanh nghiệp được chia thành hai nguồn: vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.

- Vốn chủ sở hữu:

Vốn chủ sở hữu (VCSH) là phần vốn thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp, bao gồm vốn chủ sở hữu bỏ ra và phần bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh.

Khi doanh nghiệp mới được thành lập, vốn chủ sở hữu hình thành nên vốn điều lệ. Khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, ngoài vốn điều lệ còn một số nguồn khác cũng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu như: lợi nhuận không chia, quỹ đầu tư phát triển, chênh lệch tỷ giá, chênh lệch đánh giá lại tài sản,... và vốn tài trợ của Nhà nước (nếu có). Như vậy, vốn chủ sỡ hữu là phần còn lại

trong tổng tài sản của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi toàn bộ nợ phải trả.

Vốn chủ sở hữu có ưu điểm là nguồn vốn dài hạn, có thể cho phép doanh nghiệp dùng nguồn này đầu tư vào các dự án mạo hiểm với tỷ suất sinh lời cao, thêm vào đó doanh nghiệp không phải hoàn trả vốn gốc theo kỳ hạn cố định giúp doanh nghiệp có thể sử dụng vốn linh hoạt trong kinh doanh mà không phải chịu áp lực nợ nần. Tuy nhiên việc sử dụng vốn chủ sở hữu lại có chi phí sử dụng vốn cao do các nhà đầu tư đòi hỏi tỷ suất sinh lời lớn, ngoài ra việc huy động thêm vốn chủ sở hữu đồng nghĩa với việc các cổ đông hiện hành phải phân chia quyền quản lý, kiểm soát, phân chia lợi nhuận cao cho các cổ đông mới.

- Nợ phải trả:

Nợ phải trả (NPT) là tất cả các khoản nợ phát sinh trong quá trình kinh doanh mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải thanh toán cho các tác nhân kinh tế, bao gồm: Nợ vay, các khoản phải trả cho người bán, các khoản phải nộp cho Ngân sách Nhà nước, các khoản phải trả cho người lao động...

Nợ phải trả của doanh nghiệp gồm: Nợ ngắn hạn và Nợ dài hạn.

+ Nợ ngắn hạn là khoản tiền mà doanh nghiệp có trách nhiệm trả trong vòng một năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh bình thường. Nợ ngắn hạn gồm các khoản:Vay ngắn hạn; Khoản nợ dài hạn đến hạn trả; Các khoản tiền phải trả cho người bán, người cung cấp, người nhận thầu; Thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước; Tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng phải trả cho người lao động; Các khoản chi phí phải trả; Các khoản nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn; Các khoản phải trả ngắn hạn khác.

+ Nợ dài hạn là các khoản nợ mà thời gian trả nợ trên một năm. Nợ dài hạn gồm các khoản: vay dài hạn cho đầu tư phát triển; Nợ dài hạn phải trả; Trái phiếu phát hành; Các khoản nhận ký quỹ dài hạn; Thuế thu nhập hoãn lại phải trả; Quỹ dự phòng trợ cấp thất nghiệp; Dự phòng phải trả.

19

Một trong những ưu điểm của việc tài trợ bằng nợ phải trả là chi phí lãi vay tạo ra lợi ích từ tấm lá chắn thuế cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc sử dụng nợ giúp nhà quản trị thận trọng hơn trong việc đầu tư, tránh đầu tư vào những dự án không hiệu quả. Ngược lại, nhược điểm của việc tăng tỷ trọng nợ là doanh nghiệp phải chịu sự giám sát, quản lý tăng cường của các nhà đầu tư, chủ thể cho vay và thị trường. Doanh nghiệp mất dần tính tự chủ về tài chính cũng như điều hành. Mặt khác, áp lực trả nợ có thể dẫn đến kiệt quệ tài chính và mất thanh khoản.

• Căn cứ vào thời gian huy động và sử dụng vốn thì nguồn vốn được chia thành nguồn vốn thường xuyên và nguồn vốn tạm thời.

- Nguồn vốn thường xuyên: là nguồn vốn mà doanh nghiệp sử dụng để tài trợ cho toàn bộ tài sản cố định của mình. Nguồn vốn này bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ dài hạn của doanh nghiệp. Trong đó, nợ dài hạn là các khoản nợ dài hơn một năm hoặc phải trả sau một kỳ kinh doanh, không phân biệt đối tượng cho vay và mục đích vay.

- Nguồn vốn tạm thời: là nguồn vốn có tính chất ngắn hạn (dưới một năm) dùng để tài trợ cho tài sản lưu động tạm thời của doanh nghiệp. Nguồn vốn này bao gồm: vay ngân hàng, tạm ứng, người mua vừa trả tiền,...

• Căn cứ vào phạm vi huy động vốn của doanh nghiệp có thể chia thành nguồn vốn bên trong và nguồn vốn bên ngoài.

- Nguồn vốn bên trong doanh nghiệp: là nguồn vốn có thể huy động từ bản thân doanh nghiệp, bao gồm thu thanh lý nhượng bán TSCĐ, vốn tự bổ sung từ lợi nhuận sau thuế, các khoản dự trữ, dự phòng, tiền khấu hao TSCĐ, quỹ đầu tư phát triển kinh doanh. Nguồn vốn bên trong có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, một mặt nó phát huy được tính chủ động trong việc sử dụng vốn, mặt khác làm gia tăng mức độ độc lập về tài chính của doanh nghiệp.

- Nguồn vốn bên ngoài doanh nghiệp: là nguồn vốn doanh nghiệp có thể huy động được từ bên ngoài để đáp ứng cho nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn bên ngoài bao gồm: vốn vay của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, nợ nhà cung cấp, phát hành trái phiếu, góp vốn liên doanh liên kết,... Huy động nguồn vốn bên ngoài tạo cho doanh nghiệp một cơ cấu tài chính linh hoạt hơn, mặt khác có thể làm gia tăng doanh lợi vốn chủ sở hữu rất nhanh nếu mức doanh lợi đạt được cao hơn chi phí sử dụng vốn và ngược lại.

Từ các cách phân loại trên có thể thấy vốn kinh doanh trong doanh nghiệp được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Mỗi nguồn vốn huy động đều có những ưu điểm và hạn chế riêng đòi hỏi nhà quản lý phải có sự hiểu biết cần thiết mới có thể mang lại hiệu quả sử dụng vốn cao nhất. Các doanh nghiệp luôn phải chủ động đưa ra các biện pháp trong việc khai thác các nguồn vốn khác nhau để tiến trình sản xuất kinh doanh diễn ra thường xuyên và liên tục.

Một phần của tài liệu HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN KINH DOANH TẠI CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN PIAGGIO VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(131 trang)
w