Tình hình ảnh hưởng của kinh tế xã hội trong và ngoài nước

Một phần của tài liệu HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN KINH DOANH TẠI CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN PIAGGIO VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 99 - 101)

Kinh tế - xã hội nước ta năm 2019 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung và vấn đề địa chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu. Sự biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, giá dầu diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2018, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng cũng phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi diễn ra tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2019 ước tính tăng 6,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,62%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,92% và khu vực dịch vụ tăng 8,09%. Trên góc độ sử dụng GDP quý IV/2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,29% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 8,28%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%.

GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02% (Quý I tăng 6,82%, quý II tăng 6,73%; quý III tăng 7,48%; quý IV tăng 6,97%), vượt

mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6% - 6,8%, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực thực hiện để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011- 2017. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.

- Thuận lợi:

CPI quý I/2020 so với cuối năm 2019 tăng 0,34%, là quý I có chỉ số CPI thấp nhất 5 năm. Ngoài giá dầu đã giảm rất sâu, giá thịt lợn nhiều khả năng cũng sẽ giảm nhờ dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế. Thực phẩm và nhiên liệu là 2 nhóm hàng hóa có tác động lớn đến CPI, nên CPI năm 2020 chắc chắn sẽ tăng thấp.

Trước khi nổ ra dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế của thế giới và Việt Nam đều đang trên đà tích cực. Các chính sách điều hành kinh tế lớn của Việt Nam đa phần đều đi đúng hướng. Điều này rất khác so với giai đoạn 2009 và 2012 khi những sai lầm trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa thời gian trước đó đã dẫn đến khủng hoảng và hao tổn rất lớn nguồn lực, cũng như sức chống đỡ cho nền kinh tế.

Trong 5 năm trở lại đây, cùng với sự vươn lên của khối FDI và tư nhân, Việt Nam đã xuất siêu với giá trị xuất siêu tăng dần. Xuất siêu mang đến một lượng lớn ngoại tệ, giúp gia tăng cung tiền và ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng. Nhờ xuất siêu mà dự trữ ngoại hối hiện tại đã đạt 85 tỷ USD, bằng 4 tháng nhập khẩu, trong khi vào cuối năm 2008 và 2012, dự trữ ngoại hối là 24 tỷ và 26 tỷ USD, tương đương 3,6 và 2,7 tháng nhập khẩu.

81

Mặt khác, vốn đầu tư công giải ngân chậm trong năm 2018 và 2019 vô hình trung đã để lại số dư tiền lớn trong ngân sách, ước tính xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng, bằng 8% GDP. Với lượng tiền này, dù thu ngân sách 2020 có giảm mạnh, nguồn vốn cho hệ thống y tế cũng như các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ không bị ảnh hưởng.

Một thuận lợi mà Việt Nam có được là dịch bệnh có thể kiểm soát được trước hoặc trong mùa hè (trong kịch bản cơ sở). Trong khi đó, dịch bệnh đang lan truyền sang các quốc gia với độ trễ khác nhau nhưng tất cả những nước lớn đều đã bị ảnh hưởng nặng. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngặt nghèo đã được áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc sau 2 tháng kể từ khi phong tỏa Vũ Hán (tháng 1/2020) đã gần quay trở lại bình thường.

- Khó khăn:

Bên cạnh những điểm thuận lợi, một trong những khó khăn lớn mà Việt Nam gặp phải trong giai đoạn này là độ mở kinh tế lớn.

Theo đó, năm 2019 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam bằng 2 lần GDP, trong khi năm 2009 tỷ lệ này là 1,2 lần. Cú sốc suy thoái từ bên ngoài sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đến Việt Nam trong năm nay so với năm 2009.

Mặc dù kịch bản cơ sở là dịch bệnh sẽ kết thúc vào mùa hè, nhưng không thể chắc chắn về điều này. Khi dịch bệnh kéo dài, nguy cơ suy thoái, đổ vỡ hệ thống tài chính ngân hàng sẽ tăng cao, kéo theo những hệ lụy lâu dài. Khác với năm 2009, dư địa giảm lãi suất của ngân hàng trung ương các nước phát triển trong năm nay không lớn.

Một phần của tài liệu HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN KINH DOANH TẠI CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN PIAGGIO VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 99 - 101)