2.3. Pháp luật giải quyết tranh chấp tiêu dùng
2.3.2. Pháp luật về giải quyết tranh chấp tiêu dùng
Trước hết, pháp luật về giải quyết tranh chấp tiêu dùng được xây dựng trên cơ sở hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một hệ thống thiết chế thực thi pháp luật ở các cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia. Thực tế, hai hệ thống này tồn tại song song, trong đó pháp luật là cơ sở hình thành và hoạt động của các thiết chế, và thiết chế là điều kiện cần để áp dụng và thực thi pháp luật. Trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, hệ thống này đã được xây dựng, mở rộng và củng cố trong nhiều năm qua nhằm đạt được những mục tiêu.
Ở cấp độ quốc tế, có nhiều chuẩn mực và yêu cầu đối với pháp luật quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được hình thành trên nền tảng của các văn bản ở nhiều lĩnh vực khác nhau cụ thể có thể kể tới như:
- Lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng: Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Bảo vệ người tiêu dùng.
- Lĩnh vực giải quyết tranh chấp: Quy tắc hòa giải mẫu của UNCITRAL 2002; Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài; Công ước LaHaye năm 1971 về công nhận và thi hành bản án dân sự và thương mại của nước ngoài (cùng các Nghị định thư).
Trong đó, Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Bảo vệ người tiêu dùng tuy không phải là văn bản có giá trị áp dụng bắt buộc nhưng là cơ sở quan trọng để xây dựng chính sách và pháp luật tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới. Đối với các công ước quốc tế trong hoạt động giải quyết tranh chấp, sẽ chỉ có giá trị ràng buộc đối với các quốc gia thành viên hoặc các quốc gia tự nguyện ràng buộc với nội dung điều ước quốc tế. Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là cơ quan có trách nhiệm giám sát nghĩa vụ các quốc gia bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ có vai trò hỗ trợ quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mạng lưới quốc tế về Bảo vệ và Hỗ trợ Người tiêu dùng (International Consumer Protection and Enforcement Network - ICPEN) quy tụ cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại 40 quốc gia được thành lập với các mục tiêu như: (i) bảo vệ lợi ích kinh tế của người tiêu dùng trên khắp thế giới; (ii) chia sẻ thông tin về các hoạt động thương mại xuyên biên giới có thể ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và (iii) khuyến khích hợp tác toàn cầu đối với các cơ quan thi hành pháp luật tiêu dùng ở các quốc gia [125]. Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương đã là cơ quan thành viên của ICPEN từ năm 2011.
Ở cấp độ khu vực, ASEAN là một thể chế liên kết của các quốc gia Đông Nam Á tuy không đưa ra một văn kiện mang tính chính thức nào liên quan tới bảo
vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên ASEAN cũng xây dựng cho mình một thiết chế trong hoạt động này. Ủy ban Bảo vệ người tiêu ASEAN (ASEAN Committee on Consumer Protection - ACCP) được thành lập tháng 8/2007 được coi là lĩnh vực mới trong quan hệ hợp tác khu vực [121]. ACCP thành lập 03 Nhóm công tác gồm: Nhóm Bảo vệ người tiêu dùng xuyên biên giới (do Malaysia làm trưởng nhóm); Nhóm công tác về Hệ thống cảnh báo sớm và trao đổi thông tin (do Indonesia làm trưởng nhóm) và Nhóm tuyên truyền và đào tạo (do Việt Nam làm trưởng Nhóm). Với mục tiêu thực hiện những mục tiêu và cam kết theo Bản Kế hoạch AEC, ACCP ra đời hướng tới việc xây dựng một cơ chế đòi bồi thường tiêu dùng xuyên biên giới vào năm 2015. Hỗ trợ ACCP là hệ thống cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xây dựng ở tất cả các quốc gia Đông Nam Á nhằm liên kết giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng khi có phát sinh tranh chấp.
Bảng 2.2. Cơ quan quản lý hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong ASEAN
STT Quốc gia Cơ quan quản lý bảo vệ quyền lợingười tiêu dùng quốc gia [112] Logo
1 Myanmar Bộ Thương mại
2 Thái Lan Phòng Bảo vệ người tiêu dùng
3 Campuchia Cục Hạn chế Gian lận và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Thương mại
4 Singapore
5 Indonesia Bộ Thương mại
6 Malaysia Ban Hợp tác xã và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Thương mại nội địa
7 Brunei Ban Kế hoạch và Phát triển kinh tế - Văn phòng Thủ tướng
8 Philippines Bộ Thương mại và Công nghiệp
9 Lào
Phân ban Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng - Cục Thương mại nội địa - Bộ Công nghiệp và Thương mại
Khu vực Châu Âu cũng xây dựng một cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gọi là Mạng lưới Trung tâm về Người tiêu dùng Châu Âu (European Consumer Centres Network - ECC Net) [126]. Mạng lưới này hoạt động trên phạm vi toàn Châu Âu với sự hỗ trợ từ Ủy bản Châu Âu, các quốc gia thành viên, Nauy và Ai xơ len. Mục tiêu của mạng lưới là hỗ trợ người tiêu dùng thông qua các hoạt động: (i) cung cấp thông tin về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ tại thị trường nội địa; (ii) đáp ứng các yêu cầu về thông tin từ người tiêu dùng; (iii) hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận với nhà sản xuất khi có khiếu nại và (iv) hỗ trợ người tiêu dùng trong các vụ tranh chấp. Hiện tại, hệ thống này đã xây dựng được 29 trung tâm tại 27 quốc gia thành viên cùng Nauy và Ai xơ len. Trên bình diện song phương, các hiệp định giữa các nhóm nước trong lĩnh vực chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khoảng 10 năm trở lại đây cũng được chú ý. Cụ thể, gần đây nhất phải kể tới Hiệp định đa phương giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số quốc gia liên quan trong hoạt động này, tiến hành đàm phán từ năm 2008 và ký kết năm 2011.
Ở cấp độ quốc gia, nhiều quốc gia xây dựng cho mình một đạo luật duy nhất điều chỉnh hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như đối với LB Nga, cụ thể là Luật bảo về quyền người tiêu dùng Liên bang Nga. Đối với các quốc gia có truyền thống luật Anh Mỹ (common law), pháp luật bảo vệ người tiêu dùng được được hình thành theo hệ thống trên cơ sở phán quyết của tòa án được nâng lên thành luật. Như ở Hoa Kỳ, hiện tại hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của nước này bao gồm: Luật Bảo vệ người tiêu dùng (còn gọi là Luật về Trách nhiệm đối với sản phẩm - Products Liability law); Luật An toàn sản phẩm tiêu dùng (Consumer Product Safety Act); Luật liên bang về các chất nguy hiểm (Federal Hazardous Substances Act); Luật về vải dễ cháy (Flammable Fabrics Act); Luật về an toàn tủ lạnh gia đình (Household refrigerator safety Act); Luật về đóng gói phòng ngộ độc (Poison Prevention Packaging Act)…
Ở Việt Nam, pháp luật về giải quyết tranh chấp giữa thương nhân và người tiêu dùng có thể được khái quát hành hệ thống như sau:
- Hiến pháp Việt Nam năm 1992, sửa đổi năm 2001;
- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các văn bản hướng dẫn; - Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trong hoạt động giải quyết tranh chấp: + Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, Luật Trọng tài thương mại năm 2010;
+ Các Nghị quyết hướng dẫn hoạt động tố tụng của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh chất lượng hàng hóa, dịch vụ: + Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010 và các văn bản hướng dẫn;
+ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006.
- Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tội phạm trong lĩnh vực tiêu dùng: + Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009.
Dựa trên khung pháp lý kể trên, các tranh chấp tiêu dùng đa phần được giải quyết theo cơ chế tự thỏa thuận (thương lượng hoặc hòa giải) thông qua con đường khiếu nại là chủ yếu. Đối với các cơ chế giải quyết tranh chấp khác như trọng tài, tòa án, người tiêu dùng và cả thương nhân đều có xu hướng né tránh. Xét đối với yếu tố tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, phương thức khiếu nại được xem là nhanh gọn, ít tốn kém và phiền hà nhất. Lợi ích bị xâm phạm sẽ được xem xét trên cơ sở chứng cứ mà người tiêu dùng hoặc tổ chức/cá nhân đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cung cấp được. Các đơn vị, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ hỗ trợ người tiêu dùng trong quá trình khiếu nại thông qua việc nộp đơn, hướng dẫn trình tự và đại diện ủy quyền (nếu cần). Trường hợp việc khiếu nại không đạt kết quả, trên cơ sở đề nghị của bên bị thiệt hại, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ can thiệp thông qua các hình thức kiểm tra, thanh tra và kiểm định chất lượng, hoặc giải quyết tranh chấp thông qua vụ kiện về quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định việc giải quyết tranh chấp tại Việt Nam hiện nay đa phần đều được giải quyết dứt điểm tại khâu khiếu nại và thương lượng, thay vì đưa ra tòa án hay trọng tài (xem thêm Hộp 6 phụ lục).
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Nhìn nhận tổng thể các vấn đề lí luận liên quan tới giải quyết tranh chấp trong tiêu dùng có thể thấy, quan hệ pháp luật tiêu dùng là một phạm trù pháp lý rộng, bao quát nhiều đối tượng chủ thể, có nội dung điều chỉnh phong phú. Trong tổng thể rộng lớn đó, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng được hình thành và phát triển dựa trên nhu cầu cần được bảo vệ trước những hành vi xâm phạm quyền lợi chính đáng của chủ thể thụ hưởng hàng hóa, dịch vụ. Pháp luật tiêu dùng nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam ghi nhận những quyền năng đặc biệt cho phép người tiêu dùng có được “sự cân bằng” so với thương nhân trong quá trình giải quyết tranh chấp. Những đặc quyền đó được được thể hiện ở tất cả các công đoạn và được áp dụng cụ thể trong từng phương thức giải quyết tranh chấp tiêu dùng được pháp luật đề cập tới như: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Nếu như trong quan hệ trao đổi hàng hóa, người tiêu dùng chỉ đóng vai trò người thụ hưởng thụ động những hàng hóa, dịch vụ do thương nhân cung cấp thì khi có phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng được chủ động trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, các quyền ưu tiên và thụ hưởng sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong từng phương thức giải quyết tranh chấp.
Thực tiễn xây dựng pháp luật trên thế giới cho thấy, các quy tắc giải quyết tranh chấp đã trở thành thông lệ đã được các quốc gia nội luật hóa và được đảm bảo thực thi bởi một hệ thống tương đối gắn kết giữa các thiết chế quốc tế, khu vực và quốc gia. Đối với Việt Nam, sự ra đời của Luật BVQLNTD có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến rõ ràng để hình thành một lĩnh vực pháp luật mới, mà ở đó, người tiêu dùng có được những công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi chính đang của mình. Tuy nhiên, thực tế áp dụng pháp luật tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế do vấn đề nhận thức, trình độ phát triển và tính hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật. Chính những rào cản này đã khiến hoạt động giải quyết tranh chấp tiêu dùng vẫn chưa phản ánh đúng thực tế người tiêu dùng bị xâm hại lớn hơn rất nhiều.
Chương 3
THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
GIỮA NGƯỜI TIÊU DÙNG VỚI THƯƠNG NHÂN TẠI VIỆT NAM