Tăng cường xã hội hóa cơ chế bảo vệ

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân ở Việt Nam hiện nay (Trang 145 - 147)

4.4. Giải pháp hỗ trợ nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng vớ

4.4.1.Tăng cường xã hội hóa cơ chế bảo vệ

- Đề cao vai trò và đa dạng hóa tổ chức hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được nhìn nhận là một trong những giải pháp trọng tâm. Như đã đề cập ở trên, các tổ chức hội của Việt Nam hiện nay đa phần thụ động hoạt động trên cơ sở đóng góp kinh phí của các hội viên. Đặc biệt đối với tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nguồn kinh phí hoạt động rất hạn hẹp do không có cơ chế tự chủ tài chính và phụ thuộc khá lớn vào nguồn kinh phí Nhà nước. Ở những nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật…, có rất nhiều cơ quan của nhà nước và các tổ chức phi chính phủ tham gia bảo vệ người tiêu dùng, được hỗ trợ bởi nguồn kinh phí dồi dào, có tiếng nói

quyết định trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi đó, tại Việt Nam, hoạt động của hội bảo vệ người tiêu dùng đều đang gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế vì không có kinh phí, không thể tiến hành các xét nghiệm, kiểm nghiệm hoặc những điều tra, khảo sát cần thiết để làm căn cứ khởi kiện doanh nghiệp xâm hại quyền lợi người tiêu dùng (như trường hợp Vedan xả thải, vụ sữa dởm,…). Ngay cả kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa kém chất lượng, hội cũng không có quyền thực hiện. Nhiều trường hợp hòa giải bất thành, hội chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng nhưng họa hoằn lắm mới có phản hồi tích cực. Chính những thực tế này khiến vai trò của các hội bảo vệ người tiêu dùng trở nên mờ nhạt. Ở Nhật Bản, có điểm khác biệt của CAA Nhật Bản (Tổng cục Bảo vệ Người tiêu dùng Nhật Bản) với Vinastas Việt Nam là, kinh phí hoạt động của tổ chức thì được trích từ tiền thuế Nhà nước và tại các hiệp hội lớn Bảo vệ NTD ở Nhật Bản còn kiêm cả kinh doanh như: bán đồ mỹ phẩm, xây tòa nhà cho thuê để tạo nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, cách thức hoạt động của CAA Nhật Bản còn có xuất bản những cuốn sách cẩm nang để hướng dẫn cho người tiêu dùng, từ đó góp phần hình thành nên nguồn thu ổn định cho các tổ chức này. Ngoài ra, việc ghi nhận nghĩa vụ đóng góp tài chính từ phía cộng đồng doanh nghiệp cũng là một giải pháp cần được tính đến để đảm bảo nguồn kinh phí dồi dào và bền vững cho các tổ chức hội.

- Bên cạnh việc tích cực phát huy và bảo vệ quyền được lựa chọn của người tiêu dùng, pháp luật cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để người tiêu dùng tự thành lập các tổ chức của riêng họ. Trong đó, tổ chức được thành lập cần đảm bảo một số nguyên tắc hoạt động như: (i) Phát huy vai trò tích cực, chủ động của từng cá nhân người tiêu dùng trong hoạt động của hội từ việc thành lập, duy trì hoạt động và tham gia giải quyết các tranh chấp về tiêu dùng; (ii) Đảm bảo quyền tự chủ của người tiêu dùng trong việc thành lập, tính độc lập, không bị ràng buộc về chính trị (bị chi phối bởi ảnh hưởng của cơ quan quản lý nhà nước) và kinh tế (bị chi phối bởi các nhà tài trợ, doanh nghiệp kinh tế lớn). Có như vậy, cùng với sự tăng trưởng của thị trường và xã hội, ý thức vì cá nhân và cộng đồng của người tiêu dùng sẽ phát triển ở những mức độ tương xứng.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân ở Việt Nam hiện nay (Trang 145 - 147)