Khách hàng DNL và bài học với các NHTM Việt Nam
Khác với các ngân hàng tại các quốc gia đang phát triển, đối với các ngân hàng nước ngoài, phát triển nguồn vốn, chứ không phải tín dụng, mới là chính sách được ưu tiên hàng đầu của họ. Các ngân hàng nước ngoài luôn huy động được một lượng vốn nhàn rỗi rất lớn với chi phí thấp từ khách hàng của họ. Điều này giúp họ có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu giải ngân cho chính khách hàng của họ. Ngoài ra, điều này cũng giúp họ có vốn để cung cấp cho thị trường liên ngân hàng với lãi suất rất cao như thời gian qua. Chính sách này có thể không mang lại lợi nhuận lớn như các ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng nó luôn bảo đảm sự phát triển ổn định và thoả mãn được nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Để có nguồn vốn lớn và ổn định phục vụ cho nhu cầu tín dụng cho các khách hàng, các ngân hàng nước ngoài đã xây dựng cho mình một chính sách phát triển hợp lý trên cơ sở cân đối giữa dư nợ và nguồn vốn theo những tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, họ xây dựng một đội ngũ nhân viên giỏi về hoạt động maketing và thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Những nhân viên này luôn chủ động liên hệ với khách hàng để biết được kế hoạch kinh doanh sắp tới của khách hàng như kế hoạch vay vốn, trả nợ, thanh toán tiền hàng, mua bán ngoại tệ. Điều này đã giúp ngân hàng chủ động về mặt nguồn vốn trước khi giao dịch xảy ra, tránh được tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Một yếu tố nữa giúp các ngân hàng nước ngoài cân đối dư nợ và nguồn vốn, đồng thời giảm được rủi ro thanh khoản, chất lượng tín dụng luôn ở mức cao là nợ quá hạn, nợ xấu của họ thường rất thấp so với các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, các khoản nợ thường được thanh toán đúng hạn. Có được điều đó là do các khoản vay của họ thường được lựa chọn kỹ càng, được quyết định trên cơ sở các tiêu chí của thị trường, và ít khi bị chi phối bởi các ý muốn chủ quan của cán bộ tín dụng.
Ở lĩnh vực tín dụng, các ngân hàng nước ngoài áp dụng các chính sách “hậu tín dụng” để giữ chân các “ông lớn” trong nền kinh tế. Ngay khi sản phẩm tín dụng được cung cấp cho khách hàng, các dịch vụ trọn gói sau luôn được đi kèm để không những hỗ trợ mà còn tạo điều kiện nâng cao chất lượng tín dụng đối với khách hàng. Đó cũng là lý do vì sao khách hàng của các ngân hàng này thường không quá chú tâm đến lãi suất cho vay.
Ở Việt Nam, kể từ khi Việt Nam mở cửa trong lĩnh vực ngân hàng đến nay, các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam luôn là một bộ phận quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2004 đã cho phép thêm một hình thức hiện diện thương mại mới, đó là ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Sự xuất hiện thêm loại hình ngân hàng mới này đã làm tăng tính hấp dẫn và phong phú cho thị trường tài chính Việt Nam, nhưng cũng thêm một thách thức đối với các ngân hàng thương mại trong nước.
Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, đó là Ngân hàng HSBC, Standard Chartered, ANZ, Shinhan và Hong Leong. Hầu hết, các ngân hàng nước ngoài đều mở chi nhánh tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, còn có trên 50 văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nhìn chung, các ngân hàng nước ngoài và văn phòng đại diện NHNNg đang hoạt động tại Việt Nam đóng vai trò là cầu nối thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong năm 2009, cũng như các ngân hàng mẹ ở nước ngoài, hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các TCTD nước ngoài tại Việt Nam vẫn hoạt động an toàn, hiệu quả và làm tốt vai trò cầu nối cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam. Đến cuối tháng 10/2009, nguồn vốn huy động của các TCTD nước ngoài tại Việt Nam tăng 17,8%, tổng dư nợ tín dụng tăng 14%, tổng tài sản có tăng 14,9% so với cuối năm 2008; tỷ lệ nợ xấu chiếm dưới 1% trong tổng dư nợ. Về cơ bản, các TCTD nước ngoài luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro đúng quy định, có ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam. Hầu hết các TCTD nước ngoài đều hoạt động có lãi (chênh lệch thu chi lũy kế của các ngân hàng nước ngoài đến cuối tháng 10/2009 đạt 2.947,5 tỷ đồng). Do hoạt động của các chi nhánh NHNNg thuần tuý là vì mục tiêu lợi nhuận, không phải thực hiện việc cho vay chính sách nên nợ quá hạn rất thấp, dư nợ tăng trưởng lành mạnh. Bên cạnh đó, các chi nhánh NHNNg còn được ngân hàng mẹ hỗ trợ nhiều mặt nên càng có điều kiện để mở rộng cho vay.
Về dịch vụ thanh toán, các chi nhánh NHNNg thường tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, giới thiệu sản phẩm dịch vụ mới. Do vậy, có thể nói
các chi nhánh NHNNg thường chiếm ưu thế trong các dịch vụ thanh toán và hoạt động phi tín dụng.
Về khả năng sinh lợi của các chi nhánh NHNNg, nhìn chung, cao hơn so với các ngân hàng trong nước do các ngân hàng này sử dụng vốn được cấp và vốn vay tương đối hiệu quả, mức rủi ro thấp. Bên cạnh đó, các ngân hàng này còn có nguồn thu đáng kể từ các hoạt động phi tín dụng, mảng hoạt động còn yếu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay.
Đối với các ngân hàng liên doanh, hoạt động của nhóm ngân hàng này tăng trưởng khá ổn định, trong đó nguồn vốn huy động tăng 18,2%, dư nợ tín dụng tăng 34,3% so với cuối năm 2008, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,8% tổng dư nợ, tổng tài sản có tăng 18,3%, thu nhập trước thuế đạt 477 tỷ VND. Mạng lưới hoạt động của các ngân hàng này tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, sản phẩm và dịch vụ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm truyền thống.
Thực tế cho thấy, cơn khủng hoảng tài chính trong hai năm 2008 và 2009 đã để lại nhiều hậu quả cho ngành ngân hàng Việt Nam và việc khôi phục tăng trưởng là một kỳ vọng không dễ dàng đạt được. Một số ngân hàng bán lẻ của Việt Nam đã phải đối mặt với khó khăn trong các hoạt động tăng cường vốn điều lệ, quản lý rủi ro, duy trì khả năng sinh lợi, v.v... cộng với việc hiện nay ngành ngân hàng đang được bảo hộ khá nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý sử dụng sản phẩm dịch vụ của khách hàng, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp lớn - đối tượng sử dụng các sản phẩm đa dạng nhất.
Chất lượng dịch vụ của ngân hàng trong nước còn yếu kém: Hiện tượng nhân viên làm việc đủng đỉnh trong khi khách hàng đang chờ đợi là hiện tượng còn khá phổ biến tại một số ngân hàng trong nước. Còn có những ngân hàng yêu cầu khách
hàng phải đến rút tiền đúng nơi gửi, vì thông tin của khách hàng chưa được “post” lên mạng của ngân hàng. Những hạn chế tương tự như vậy gay nhiều phiền toái cũng như cảm giác không hài lòng cho khách hàng.
Công nghệ lỗi thời: Mặc dù gần đây các ngân hàng trong nước đã đẩy mạnh việc hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin ngân hàng, tuy nhiên hiệu quả của những đầu tư không đồng đều. Đặc biệt, tại các ngân hàng thương mại nhà nước, việc đầu tư thường được chú trọng nhiều vào “bề nổi” là các hệ thống thông tin, nhưng lại không tiếp cận được vấn đề cốt lõi là tạo lập cơ sở nguyên tắc nghiệp vụ và quản trị để tận dụng tối đa những tiện ích do các hệ thống công nghệ thông tin mang lại.
Các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng sẽ khó khăn hơn: Một đặc trưng của ngành ngân hàng hiện đại là tính liên thông cao, do vậy, từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, sẽ có thêm nhiều khó khăn đặt ra cho các ngân hàng trong nước do tính liên thông giữa các ngân hàng. Những khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính và sự đổ vỡ của hàng loạt các ngân hàng hàng đầu tại Mỹ chắc chắn sẽ là bài học cho các ngân hàng của Việt Nam. Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đều chưa có khả năng cạnh tranh giành thị trường quốc tế nên ảnh hưởng của những gì đang xảy ra tại Mỹ đối với ngân hàng nước ta phần lớn mới chỉ là là những tác động gián tiếp. Sắp tới, các ngân hàng quốc tế sẽ cơ cấu lại cách thức giao dịch với những ngân hàng khác theo xu hướng thắt chặt các yêu cầu an toàn, vì vậy, các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng sẽ trở nên khó khăn hơn; chi phí cho các giao dịch liên ngân hàng cũng sẽ tăng cao. Hiện tại, trong thị trường liên ngân hàng, một số công ty và ngân hàng của Việt Nam đã phải vay của ngân hàng nước ngoài với lãi suất cao hơn trước...
Rõ ràng, trước những thực trạng trên cho thấy để đáp ứng nhu cầu vốn cho các Khách hàng lớn, các NHTM Việt Nam cần phải đưa ra các giải pháp nhằm duy trì sự phát triển ổn định và bền vững cho hệ thống của mình để thu hút và đáp ứng tối đa các nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu về vốn cho khách hàng, từ đó dần kéo lại thị phần đã mất như: Nâng cao khả năng quản trị và trình độ công nghệ ngân hàng; đào tạo đội ngũ cán bộ khách hàng năng động sang tạo.... Nâng cao chất lượng dịch vụ là yếu tố quan trọng đối với bất cứ một lĩnh vực kinh doanh nào, và ngành ngân hàng không phải ngoại lệ.
Kết luận: Chương 1 của Luận văn đã hệ thống hóa và làm rõ một số vấn đề
về tín dụng ngân hàng; khái niệm, đặc điểm cũng như vai trò của khách hàng DNL trong nền kinh tế; các hình thức cấp tín dụng đối với doanh nghiệp lớn; nghiên cứu và phân tích các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tín dụng đối với khách hàng DNL. Luận văn cũng đưa ra kinh nghiệm của các ngân hàng nước ngoài trong cấp tín dụng đối với Khách hàng DNL và bài học với các NHTM Việt Nam. Đây là nền tảng lý thuyết cơ bản để phân tích và đánh giá chất lượng tín dụng đối với khách hàng DNL tại NHCT.
Chương 2