Cán bộ tín dụng là nguồn nhân lực quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng tín dụng đối với khách hàng. Vấn đề đặt ra là làm sao có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ tín dụng mẫn cán, tinh thông nghiệp vụ, trung thành với ngân hàng, đồng thời có thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ đến các khách hàng DNL. Vấn đề cơ bản đầu tiên phải ở chính ý thức trách nhiệm của các bộ trong thực hiện nghiệp vụ tín dụng. Mặc dù ngân hàng đã tổ chức lớp học về giao tiếp doanh nghiệp nhưng rõ ràng thực tế tại một số chi nhánh chưa đáp ứng được yêu cầu của văn hóa doanh nghiệp như vẫn tồn tại việc thờ ơ với nhu cầu của khách hàng hoặc đòi hỏi, gây phiền nhiễu khách hàng.. .Vì vậy, để cán bộ tín dụng ý thức được trách nhiệm của mình, NHCT cần sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn hoá cán bộ tín dụng. Yêu cầu đối với cán bộ tín dụng phải đạt được là nắm vững các quy trình, cơ chế, thủ tục, biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ tín dụng; biết thu thập, xử lý kịp thời các thông tin cần thiết phục vụ việc đánh giá khách hàng, đánh giá phương án, dự án vay vốn; nắm vững chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của ngành, của địa phương có liên quan đến phương án, dự án và doanh nghiệp; hiểu sâu các văn bản pháp luật, Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan đến công tác tín dụng; nắm bắt được tình hình kinh tế kỹ thuật, thị trường liên quan đến lĩnh vực được giao; nắm vững phương pháp phân tích năng lực tài chính, thẩm định khách hàng, đánh giá một phương án, một dự án, có phương pháp giám sát khách hàng vay vốn. Giải pháp này đã được nêu lên
nhưng chưa thực hiện hiệu quả triệt để. Vì vậy, để gắn nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ tín dụng, NHCT cần có các hình thức khuyến khích, đồng thời cũng có hình thức kỷ luật đánh vào tài chính của các cán bộ tín dụng trong trường hợp thực hiện đúng và không thực hiện đúng các yêu cầu đề ra.
Riêng đối với các khoản vay lớn, các dự án lớn, phức tạp của các DNL hoạt động đa dạng thì một cán bộ dù giỏi đến đâu cũng khó có thể thẩm định được đầy đủ, chính xác các mặt khác nhau của khách hàng và của dự án. Do đó, sử dụng chuyên gia (chuyên gia trong và ngoài ngành ngân hàng) là cần thiết. Tập hợp đội ngũ cộng tác viên ngoài ngân hàng phục vụ cho hoạt động tín dụng cần có quy chế gắn lợi ích và trách nhiệm nhằm tận dụng được kiến thức của các chuyên gia, đồng thời ngăn ngừa khả năng lộ bí mật về đầu tư, công nghệ của khách hàng, qua đó nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng.
3.3.6 Tăng cường hơn nữa các biện pháp hỗ trợ
Các biện pháp hỗ trợ để đảm bảo chất lượng tín dụng đối với khách hàng DNL như: Thống nhất quan điểm, nhận thức về phát triển khách hàng lớn từ Trụ sở chính tới các chi nhánh, từ cấp lãnh đạo tới cán bộ; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá hoạt động của NHCTVN với doanh nghiệp lớn; lựa chọn các tin, bài viết có chất lượng đăng tải trên một số tạp chí, báo chuyên ngành ngân hàng có uy tín cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng khác; Tổ chức và tham gia tài trợ triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước hàng năm nhằm thúc đẩy quá trình mua bán, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp; Tăng cường hoạt động hỗ trợ phi tài chính đối với các khách hàng lớn nhằm thu hút, tạo sự gắn bó của khách hàng với NHCT: hướng dẫn thủ tục, giới thiệu đối tác đầu tư/bạn hàng/nhà cung cấp cho các khách hàng thông qua nhiều
kênh khác nhau, trong đó có trang web “NHCT với các doanh nghiệp lớn”; Hoàn thiện hệ thống thông tin: do số lượng khách hàng DNL khá nhiều, vì vậy việc hoàn thiện hệ thống thông tin (quản lý và phục vụ khách hàng) có vai trò quan trọng và là nhiệm vụ cấp thiết. Muốn có được thông tin đáng tin cậy thì phải chấn chỉnh ngay từ khâu nhập dữ liệu từ các chi nhánh. Trụ sở chính cần sớm đưa ra quy chế phối hợp cung cấp thông tin và xác định rõ thẩm quyền cũng như trách nhiệm trong việc cung cấp, quản lý thông tin. Trên cơ sở đó, NHCT tiếp tục hoàn thiện hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng, làm căn cứ đưa ra các quyết định kinh doanh có hiệu quả đối với mỗi khách hàng lớn....