Sau khi chúng ta bắt đầu hiểu giáo lý cơ bản của Đấng Ky Tô, thì tín điều thứ năm và thứ sáu dạy chúng ta về tổ chức và thứ tự của chức tư tế. Dưới sự hướng dẫn của Chúa, Joseph Smith tổ chức Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi bằng cách sử dụng thẩm quyền của chức tư tế—quyền năng của Thượng Đế. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là cùng
một tổ chức mà Đấng Ky Tô đã tổ chức và hướng dẫn trong khi Ngài ở trên thế gian.
Thật là một ngày vinh quang đối với Joseph Smith và Oliver Cowdery vào tháng Năm năm 1829 khi họ đi vào rừng để cầu nguyện về giáo lý của phép báp têm để xá miễn các tội lỗi họ đã đọc được trong khi phiên dịch Sách Mặc Môn. Có nhiều điều giảng dạy về phép báp têm đã được các giáo hội khác nhau giảng dạy vào đầu thập niên 1800, và Joseph cùng Oliver biết rằng những điều giảng dạy này là không chân chính. Họ muốn biết về cách thức làm phép báp têm đúng cũng như ai có thẩm quyền để làm phép báp têm.
Để đáp ứng cho những lời cầu xin của họ lên Chúa, một sứ giả từ thiên thượng là Giăng Báp Tít, đã hiện ra cùng họ. Ông đặt tay lên đầu họ và truyền giao cho họ thẩm quyền làm phép báp têm với những lời này: “Hỡi các ngươi cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn” (GLGƯ 13:1).
Thật là một ngày tuyệt vời trong lịch sử của thế gian! Chức tư tế đã được phục hồi trên thế gian.
Khi nhận được chức tư tế, chúng ta nhận được thẩm quyền để hành động trong danh của Thượng Đế và hướng dẫn theo các đường lối của lẽ thật và sự ngay chính. Thẩm quyền này là một nguồn quyền năng và ảnh hưởng
ngay chính vì lợi ích của con cái của Thượng Đế trên thế gian và sẽ ở với chúng ta sau khi chúng ta chết. Chức tư tế cần phải được phục hồi trước khi Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô có thể được tổ chức. Đây là bài học cơ bản mà chúng ta học được từ tín điều thứ năm và thứ sáu.