Vị trí, mục tiêu, nội dung cơ bản của phần lịch sử Việt Nam lớp 12 THPT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thiết kế và tổ chức dạy học theo chủ đề trong dạy học lịch sử việt nam lớp 12 ở trường THPT huyện lương tài tỉnh bắc ninh​ (Trang 51 - 55)

9. Cấu trúc đề tài

2.1. Vị trí, mục tiêu, nội dung cơ bản của phần lịch sử Việt Nam lớp 12 THPT

2.1.1. Vị trí

Trong chương trình Lịch sử cấp THPT hiện nay, lịch sử dân tộc được dạy và học ở ba khối lớp 10, 11, 12. Ở khối lớp 10, HS được tìm hiểu khái quát lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX (từ bài 13 đến bài 28). Khối lớp 11, các em tìm hiểu lịch sử Việt Nam từ năm 1858 - 1918 (từ bài 19 đến bài 24); lên lớp 12, HS tiếp tục tìm hiểu lịch sử Việt Nam từ năm 1919 - 2000 (từ bài 12 đến bài 27).

Lịch sử lớp 12 THPT chương trình chuẩn gồm hai phần:

Phần một: Lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến năm 2000. Phần hai: Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000.

Như vậy, kiến thức lịch sử mà đề tài tập trung nghiên cứu chính là toàn bộ phần hai trong sách giáo khoa Lịch sử 12, gồm 16 bài, chiếm tỉ trọng lớn trong toàn bộ chương trình lịch sử dân tộc ở bậc THPT. Đây là giai đoạn lịch sử với nhiều biến cố trọng đại như: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930); Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (1945); chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), Hiệp định Pari được kí kết (1973), nhân dân ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chống đế quốc Mĩ; năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, hai miền Nam - Bắc sum họp, thống nhất; từ đó đến nay, non sông thu về một mối, phát triển trong điều kiện hòa bình, thống nhất. Mỗi sự kiện là mốc đánh dấu một thời kỳ phát triển của lịch sử dân tộc. Có thể thấy, giai đoạn lịch sử từ năm 1919 đến năm 2000 chiếm vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử với nhiều biến cố lớn lao, có ý nghĩa thay đổi vận mệnh dân tộc, tác động to lớn đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, trong đó có HS bậc THPT.

2.1.2. Mục tiêu

Tìm hiểu lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000 có ý nghĩa quan trọng đối với HS trên các phương diện: hình thành kiến thức, rèn luyện kĩ năng, định hướng thái độ để góp phần phát triển các năng lực chung, năng lực chuyên biệt và phẩm chất đạo đức đúng đắn.

* Mục tiêu kiến thức

- Biết, nắm vững các sự kiện chính, hiểu rõ những nét cơ bản nhất của quá trình phát triển lịch sử Việt Nam từ 1919 đến năm 2000 đã trải qua 5 thời kì với những đặc điểm của từng thời kì khác nhau: 1919 - 1930, 1930 - 1945, 1945 - 1954, 1954 - 1975, 1975 - 2000; qua đó hình thành kiến thức lịch sử dân tộc từ năm 1919 đến 2000.

- Có hiểu biết về thân thế, sự nghiệp của một số danh nhân (danh nhân quân sự, danh nhân văn hóa, danh nhân trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo…) trong lịch sử dân tộc giai đoạn từ năm 1919 đến năm 2000, qua đó đánh giá được vai trò của các bậc danh nhân trong lịch sử.

- Biết được hành trình tìm đường cứu nước và cứu nước đầy gian khổ, hi sinh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; từ đó phân tích, đánh giá được vai trò của Người trong từng thời kỳ lịch sử của dân tộc.

- Lý giải được nguyên nhân thắng lợi, qua đó rút ra ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam giai đoạn từ năm 1919 đến năm 2000.

- Các khái niệm HS cần hiểu ở giai đoạn này như: “cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới”, “cách mạng vô sản”, “khởi nghĩa”, “tổng khởi nghĩa”, “hình thái đấu tranh cách mạng từng phần”, “từng bộ phận đến toàn phần”, “tổng khởi nghĩa”; “chủ nghĩa thực dân kiểu cũ”, “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”, “chiến tranh đơn phương”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”...

Những kiến thức về lịch sử dân tộc nói trên giúp HS so sánh, đối chiếu để đánh giá sự kiện, hiện tượng lịch sử giai đoạn này.

* Mục tiêu thái độ

Giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Bồi dưỡng ý thức độc lập dân tộc, tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ sự thống nhất nước nhà và niềm tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển đất nước.

Bồi dưỡng ý thức trân trọng, lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Bồi dưỡng cho HS tinh thần yêu chuộng hòa bình, yêu lao động, ý thức quyết tâm vươn lên, đổi mới trong học tập và lao động.

* Mục tiêu kĩ năng

Giúp HS phát triển các kỹ năng nhận thức nói chung như: khả năng tri giác, tưởng tượng (nghe giảng, xem video; quan sát tranh ảnh, mô hình, sa bàn; quan sát di tích...).

giá; các kĩ năng làm việc với đồ dùng trực quan, tài liệu học tập...

Giúp các em rèn luyện kĩ năng tự học; kĩ năng thuyết trình, làm việc nhóm; sử dụng phương tiện công nghệ hỗ trợ học tập; kĩ năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thực tiễn ...

2.1.3. Nội dung cơ bản của phần lịch sử Việt Nam lớp 12 THPT

Theo chương trình sách giáo khoa, nội dung cơ bản của phần hai - Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000 - được thể hiện trong năm chương: Chương I: Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1930 (gồm 2 bài 12, 13); Chương II: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945 (gồm các bài 14, 15, 16); Chương III: Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1954 (gồm các bài 17, 18, 19, 20); Chương IV: Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975

(gồm các bài 21, 22, 23); Chương V: Việt Nam từ năm 1975 đến năm 2000 (gồm các bài 24, 25, 26, 27). Trong đó, tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc được thể hiện qua các nội dung sau:

- Giai đoạn 1919 đến 1930: từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến khi Đảng ra đời năm 1930.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất 1914 - 1918, thực dân Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, xã hội Việt Nam chuyển biến sâu sắc với những giai cấp mới, từ đó làm xuất hiện những xu hướng cứu nước mới. Đó là con đường cứu nước dân chủ tư sản (theo xu hướng bạo động và cải cách) nhưng thất bại. Con đường cứu nước vô sản đã thắng thế, với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Đảng ra đời là một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo và đường lối cách mạng tiên tiến trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta. Đảng ra đời và lãnh đạo đấu tranh là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính chất quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, là nhân tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng, từ đây cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

- Giai đoạn vận động đấu tranh giải phóng dân tộc 1930 - 1945.

Do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và “khủng bố trắng” của Pháp đã làm bùng nổ phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bằng sự vận dụng linh hoạt lí luận cách mạng vô sản trong điều kiện của một nước thuộc địa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động phong trào cách mạng 1930 - 1931, cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939, cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945, đây là những cuộc diễn tập đưa đến thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta đã “phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm và

ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm, lật nhào ngai vàng phong kiến ngự trị ngót chục thế kỷ ở nước ta, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…, mở đầu kỉ nguyên mới của dân tộc: kỉ nguyên độc lập, tự do…” [7, tr.119].

- Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954).

Sau Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”: giải quyết nạn đói, nạn dốt, khó khăn về tài chính và khéo léo giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng. Nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai, với đường lối kháng chiến đúng đắn: “toàn dân, toàn

diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế” [7, tr.131]; giành

nhiều thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngoại giao... Đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, chúng ta đã giành nhiều thắng lợi to lớn như: chiến dịch Việt Bắc (Thu - Đông 1947), chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950), cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ (7/1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây là thắng lợi bước đầu hết sức quan trọng để nhân dân ta tiếp tục chiến đấu ở giai đoạn sau.

- Giai đoạn chống Mĩ, cứu nước (1954 - 1975).

Sau năm 1954, Đảng ta đã xác định rõ nhiệm vụ cách mạng từng miền và nhiệm vụ chung của cả nước là kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân dân miền Bắc tiến lên xây dựng XHCN và đạt nhiều thành tựu, trở thành hậu phương vững chắc của miền Nam. Miền Nam là tiền tuyến lớn để tiếp tục cùng thực hiện nhiệm vụ chung đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhân dân cả nước đã đánh bại các chiến lược quân sự của Mĩ - Ngụy, làm cho Mĩ phải rút quân về nước sau Hiệp định Pari (1973). Với Hiệp định Pari, nhân dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút” song do “Ngụy chưa nhào” nên quân dân cả nước vẫn kiên trì tiếp tục đấu tranh. Ngày 30/04/1975, ta đã lật đổ chính quyền Sài Gòn, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

- Giai đoạn 1975 - 2000.

Trong giai đoạn này, nhân dân ta tiếp tục hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, tiếp tục đấu tranh bảo vệ Tổ quốc: chiến tranh Biên giới Tây Nam (1975 - 1979); chiến tranh Biên giới phía Bắc (1979). Đây cũng là lúc cả nước cùng đi lên xây dựng CNXH trong hoàn cảnh đầy khó khăn, thử thách. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (12/1986) là sự kiện đánh dấu công cuộc đổi mới của Việt Nam. Hiện nay, đất

nước ta đang trên đà phát triển, vị thế trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao - là minh chứng rõ ràng cho sự đúng đắn trong việc lựa chọn con đường phát triển của dân tộc, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, bước đi của công cuộc đổi mới là phù hợp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thiết kế và tổ chức dạy học theo chủ đề trong dạy học lịch sử việt nam lớp 12 ở trường THPT huyện lương tài tỉnh bắc ninh​ (Trang 51 - 55)