Truyền thuyết phản ánh lịch sử và đời sống dân gian xưa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết vùng ven sông cầu (Trang 50 - 53)

7. Bố cục của luận văn

2.1.1. Truyền thuyết phản ánh lịch sử và đời sống dân gian xưa

Nhắc đến truyền thuyết, ta nhắc đến lịch sử, đó là yếu tố cốt lõi tạo nên những câu chuyện ngàn năm. Đối tượng phản ánh nổi bật của truyền thuyết cũng là lịch sử. Có thể nói tất cả những sự kiện trọng đại của dân tộc hoặc của nhân dân đều có mặt trong truyền thuyết, những vấn đề sinh hoạt đời thường, sinh hoạt gia đình… không phải là đối tượng của thể loại này. Tuy nhiên, bên cạnh lịch sử, truyền thuyết vẫn mang những nét giá trị để gợi nhắc những nét đẹp trong đời sống dân gian xưa.

Truyền thuyết lựa chọn những chi tiết có thật, từ đó tái tạo, hư cấu thành những sự việc cụ thể. Bên cạnh đó, yếu tố kì ảo là một phần không thể thiếu trong mỗi sáng tác dân gian này. Nhiều nhân vật truyền thuyết là sản phẩm của hư cấu, chỉ có “cốt lõi là sự thật lịch sử” nhưng chính cái cốt lõi sự thật ấy vô cùng quan trọng đã tạo thần thái, mang sức sống cho truyền thuyết. Sơn Tinh là nhân vật hư cấu. Nhưng thấy rằng, nếu không có sự tài giỏi chế ngự thiên tai bão lũ của nhân dân, nếu không có sự mong mỏi vì một cuộc sống ổn định, màu mỡ thì liệu rằng hình tượng kì vĩ ấy có xuất hiện? Hay Chầu Bảy Kim Giao

trong truyền thuyết đền Mỏ Bạch giáng thế giúp dân, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi, để nhân dân vùng ven sông Cầu có cơ hội thay đổi cuộc sống ấm no cũng là ví dụ điển hình cho hình tượng nhân vật có phần kì ảo mang theo nguyện ước của nhân dân, tô thêm giá trị đời sống dân gian xưa của người dân “Bắc Thái”.

Nhân vật và sự kiện lịch sử có thể có thật ở ngoài đời nhưng không phải bất cứ nhân vật và sự kiện nào cũng trở thành trung tâm của truyền thuyết. Chẳng hạn, các cuộc đấu tranh chống xâm lược của dân tộc đều đi vào truyền thuyết, song cả cuộc nội chiến Nam - Bắc triều (Trịnh - Mạc) kéo dài trên nửa thế kỉ và cuộc chiến tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài dài gần nửa thế kỉ (1627- 1672) hầu như ít được truyền thuyết lịch sử phản ánh. Như vậy, không phải nhân vật lịch sử nào có tên tuổi ngoài đời cũng là nhân vật trung tâm của truyền thuyết. Trong sự phản ánh của mình, truyền thuyết thường chú ý nhiều đến những nhân vật có xuất thân nông dân hoặc gần dân. Chẳng hạn, nguồn truyền thuyết lịch sử về các anh hùng Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi phong phú hơn một số nhân vật truyền thuyết có dòng dõi quý tộc. Như vậy, cùng với ý thức đề cao lịch sử vẻ vang của dân tộc, tác giả dân gian còn có ý thức sâu sắc về việc đề cao vai trò của những người xuất thân bình dân. Hơn nữa, truyền thuyết dân gian còn thường kể về các vị anh hùng trong mối quan hệ với nhân dân, trong đó nhân dân vừa là người tham gia, vừa là chỗ dựa tin cậy để nhân vật làm nên chiến thắng. Chính điều đó ta có thể khẳng định được rằng, sự nghiệp của người anh hùng hay nguồn gốc truyền thuyết phản ánh lịch sử không thể tách rời vai trò của tập thể nhân dân. Có thể nhắc đến một vài sự kiện tiêu biểu như: Lê Lợi có thể “dựng cờ nghĩa” đánh đuổi giặc Minh là nhờ người đánh cá Lê Thận dâng gươm báu; Hay Trần Hưng Đạo có thể thắng quân Nguyên một phần là nhờ người dân đan sọt làng Phù Ủng. [10, tr55]

Đối với những sáng tác truyền thuyết vùng ven sông Cầu, giá trị phản ánh lịch sử và đời sống dân gian xưa vẫn luôn tạo sức thuyết phục cho ý nghĩa truyện. Như truyền thuyết “Đền Xương Rồng”, nhân vật chính là “Cô bé Xương Rồng” - một người con của Thánh Mẫu Thượng Ngàn được phái xuống đầu thai làm con gái của một gia đình nghèo khó có con. “Cô bé” ấy sống một cuộc sống ở trần gian theo một vị thế đi cứu giúp dân lành, mang niềm vui, theo sự hi vọng cho nhân dân địa phương. Để rồi người ta gọi cô là “Nữ Thần Y” và cho đến ngày “cô bé” ấy phải về vỡi cõi tiên thì cũng không quên để lại loài cây quý, cứu bệnh cho con người. Rồi cũng chính tại nơi lập đền thờ cô cùng cây thuốc quý còn lại, yếu tố lịch sử trong truyền thuyết một lần nữa lại được khẳng định rõ nét hơn bao giờ hết. Đi vào một giấc mơ, loại thuốc quý còn lại ấy đã lại tiếp tục thực hiện xứ mệnh cao cả, cứu khỏi các chứng bệnh nan y của rất nhiều quân binh lính dưới trướng Tổng đốc Dương Tự Minh. Và đúng như nguyện ước của nhân dân trong những bản kể truyện dân gian, kết thúc có hậu và kết thúc đẹp. Binh lính và tướng sĩ tài ba ấy đã anh dung diệt tan giặc Tống, khải hoàn trở về.

Hay câu chuyện về công chúa Thiều Dung tại đền Túc Duyên cũng là một minh chứng rõ ràng về những nhân vật lịch sử gắn liền với ý nghĩa đời sống nhân dân. Theo truyền thuyết, khi về làm vợ Dương Tự Minh, công chúa Thiều Dung đã lập trang trại ở tại tổng Túc Duyên, nay thuộc phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, dạy nhân dân trồng trọt, chăn tằm, ươm tơ, dệt vải. Sau khi mất, bà được dân làng tôn xưng là Thánh Mẫu và dựng đền thờ.

Truyền thuyết đền Mẫu Thoải - Bến Than cũng là một minh chứng để khẳng định giá trị phản ánh lịch sử và đời sống dân gian xưa. Trước đây, dòng sông Cầu nên thơ gắn liền với vùng đất Thái Nguyên là một dòng sông “độc” khi mà đời sống người dân xung quanh luôn gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Nhưng với sự thành tâm, chăm chỉ xây dựng đời sống, dòng sông ấy dường như

đã trở nên hiền hòa hơn, “Mẹ Nước” từ ấy đã giúp dân thay đổi cuộc sống, phát triển ấm no cho đến bây giờ.

Ở nội dung này, giá trị về mặt lịch sử của truyền thuyết được thể hiện rất rõ. Hầu hết các truyện đều thể hiện được tương đối chính xác về vị trí địa lý, đối tượng được nhắc đến đây sẽ là cơ sở cho các nhà sử học tham khảo về các giai đoạn lịch sử, biến động của dân tộc. Dân tộc nào, đất nước nào, địa phương nào cũng có một quá trình hình thành, biến đổi và phát triển (hoặc tàn lụi). Trong những thời điểm quan trọng, những dấu mốc son, những biến cố mang ý nghĩa sống còn của một cộng đồng thường xuyên xuất hiện những nhân vật kiệt xuất. Việc làm của họ, hành động của họ có tác động lớn đến cuộc sống của cả cộng đồng, và của cả một giai đoạn lịch sử. Nhiều nhân vật lịch sử khi còn sống và đặc biệt khi họ đã mất trở thành một biểu tượng đẹp của quê hương, đất nước. Người Việt Nam xưa cũng như nay, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thường lập miếu, đền thờ phụ. Với giá trị lịch sử đó, truyền thuyết vùng ven sông Cầu cũng khẳng định tên tuổi của những vị anh hùng như Dương Tự Minh, Phú Lương, Đội Cấn, … Theo con đường sáng tác và lưu truyền dân gian, các truyện kể ấy sẽ lưu truyền từ đời này sang đời khác, mãi mãi sống trong lòng quần chúng nhân dân.

Có thể thấy, giá trị phản ánh của truyền thuyết gắn liền với phản ánh lịch sử và cuộc sống của nhân dân là điều hoàn toàn hợp lý. Truyền thuyết bắt nguồn từ nhân dân, phản ánh đời sống và mong ước của nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết vùng ven sông cầu (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)