7. Bố cục của luận văn
3.1.2. Truyền thuyết về Dương Tự Minh và công chúa Thiều Dung vớ
đền Túc Duyên
Đền Túc Duyên có diện tích 1403m2 nằm trên địa bàn tổ 14 phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên (cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 3km về phía Đông Nam, cách UBND phường Gia Sàng khoảng 2km về phía Nam). Di tích đền Túc Duyên nằm trong quần thể di tích lịch sử quốc gia - địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong đại đội 915 đội 91 Bắc Thái hi sinh vào đêm Noel năm 1972. Đền Túc Duyên được nhân dân lập nên để thờ công chúa Thiều Dung, vợ của thủ lĩnh Dương Tự Minh - người đã có công đánh giặc Tống thế kỉ XII, được nhà Lý gả công chúa và phong làm phò mã.
Theo tương truyền, từ khi về làm vợ thủ lĩnh Dương Tự Minh, công chúa Thiều Dung đã lập trang trại ở khu vực phường Gia Sàng ngày nay. Bà đã có công giúp nhân dân nơi đây trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt vải và phát triển nông nghiệp. Khi mất, tháng 5 năm 1155 bà được phong làm Thánh Mẫu và được dựng đền thờ.
Đền có từ thời xa xưa, thời nhà Lê đã có sắc phong. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp bị tiêu thổ, sau đó được dựng lại. Tại đền còn lưu giữ một số hiện vật quý như: một bia đá mang tên Túc Duyên điện hậu bi (bài ký ghi việc mua hậu điền Túc Duyên), dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943), nội dung ca ngợi cảnh đẹp của di tích và công đức của các chức sắc ở địa phương lúc bấy giờ và hai sắc phong cho Công chúa Thiều Dung, một sắc của nhà Lê niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), một sắc của nhà Nguyễn niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Trước cửa đền hiện còn một cây đa cổ thụ tạo nên cảnh đẹp của di tích. Lễ chính của đền vào 18 tháng 8 âm lịch: Lễ thánh Mẫu bản đền.
Đền Túc Duyên là một trong những công trình văn hóa tín ngưỡng được nhân dân xây dựng từ đời nào không rõ, không còn văn bản về thời gian chính
xác xây dựng ngôi đền. Truyền thuyết kể lại bên cạnh ngôi đền thờ Thiều Dung công chúa, có một ngôi đình thờ một vị là Cao Sơn Quý Minh. Sau này các văn bản văn hóa, lịch sử xác nhận đền Túc Duyên thờ công chúa Thiều Dung, đình Túc Duyên thờ vị tướng Dương Tự Minh, là nơi linh thiêng để nhân dân hướng về cảm tạ.
Lễ hội đền Túc Duyên được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm chủ yếu các nghi lễ dâng hương cổ truyền. Người dân khắp nơi đổ về tỏ lòng thành kính. Phạm vi lễ hội gói gọn trong khuôn viên đền, không mở rộng ra các khu vực khác.
Cũng theo lời kể của cụ Bùi Văn Khang nay đã 80 tuổi, là người ở cạnh đền từ năm 1950, hiện nay cũng trực tiếp chăm nom, cai quản nơi đây kể lại. Ngày trước, đền thường mở hội lớn, có rước kiệu quanh địa phương và làm lễ, cũng có những câu chuyện truyền miệng lại rằng đền Túc Duyên và đền Xương Rồng có mối liên quan gần gũi với nhau và được gọi là “Đền chị - Đền em”, tuy nhiên không có văn bản nào xác thực thông tin này. Bên cạnh đó, trước đây trong hội lễ thường có phần rước kiệu lên khu vực đền Xương Rồng rồi vòng về nhưng bây giờ không còn nữa.
Dù lễ hội và những nghi lễ truyền thống được tổ chức theo hình thức nào đi chăng nữa thì nhân dân địa phương vẫn luôn một lòng nhớ về những người anh hùng, những con người đã vì dân vì nước. Họ là những đức cao, thánh mẫu góp phần tạo nên cuộc sống ấm no như ngày hôm nay.