Nội dung quản lý hoạt độngvui chơi của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi ở trường mầm non thành phố hải dương (Trang 39 - 44)

8. Cấu trúc luận văn

1.4.2. Nội dung quản lý hoạt độngvui chơi của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổ

trường mầm non

1.4.2.1. Quản lý mục tiêu HĐVC của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

Mục tiêu của GDMN nói chung và mục tiêu của tổ chức HĐVC cho trẻ mầm non nói riêng cũng đều nhằm giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp một, hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dạy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học tập ở các cấp học tiếp theo.

Quản lý mục tiêu tổ chức HĐVC cho trẻ mầm non cũng đồng nghĩa quản lý việc thực hiện chương trình HĐVC tại các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu được chơi của trẻ mầm non, nhằm thỏa mãn sự tò mò, khám phá tìm hiểu về thế giới xung quanh của trẻ; thông qua hoạt động này giúp trẻ hoàn thiện về nhân cách, đáp ứng được phương thức giáo dục đặc trưng của lứa tuổi “học mà chơi- chơi mà học”.

1.4.2.2. Quản lý nội dung hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

Nội dung hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo là hệ thống tri thức sơ đẳng phản ánh cuộc sống hiện thực xung quanh về thế giới tự nhiên, các quan hệ xã hội giữa con người với con người và bản thân trẻ; hệ thống kỹ năng và thái độ, tình cảm phù hợp với hệ giá trị chuẩn mực xã hội được trẻ mô phỏng, tái hiện trong trò chơi.

Hiệu trưởng quản lý nội dung hoạt động vui chơi là tổ chức việc lập kế hoạch hoạt động vui chơi, chỉ đạo xây dựng nội dung hoạt động vui chơi gắn với các nội dung giáo dục phát triển và chủ đề giáo dục; phù hợp với mục tiêu giáo dục để tổ chức cho trẻ chơi.

1.4.2.3. Quản lý hình thức tổ chức HĐVC cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

Hiệu trưởng quản lý hình thức tổ chức hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

- Chỉ đạo giáo viên tổ chức hiệu quả hoạt động vui chơi ở các góc hoạt động theo chủ đề giáo dục, gắn với thực hiện chương trình hoạt động trong ngày theo chế độ sinh hoạt của trẻ theo yêu cầu độ tuổi.

- Chỉ đạo giáo viên đưa các trò chơi vào tích hợp lồng ghép trong các giờ học có chủ đích như: TCVĐ vào môn thể dục; Trò chơi đóng kịch vào tiết kể chuyện...giáo viên cần chú ý mức độ tích hợp, lồng ghép trò chơi cho phù hợp, tránh làm thay đổi kiến thức cơ bản của bài dạy.

- Chỉ đạo giáo viên đưa các trò chơi vào trong các hoạt động ngoại khóa như ngày hội, ngày lễ...có thể đưa các trò chơi vận động, trò chơi dân gian... vào các hoạt động cho sinh động.

- Chỉ đạo giáo viên tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ trong các thời điểm trong ngày như giờ đón- trả trẻ, trong giờ hoạt động ngoài trời, hoạt động chiều, hoạt động chơi tự do...

Chương trình tổ chức HĐVC cho trẻ được cấu trúc thành các chủ đề. Trong từng chủ đề đều có thể tích hợp các trò chơi để tổ chức HĐVC cho trẻ. Căn cứ vào các chủ đề, mỗi chủ đề có thể xây dựng các trò chơi cho phù hợp.

VD: Chủ đề trường mầm non, giáo viên có thể tập trung xây dựng các trò chơi để tổ chức cho trẻ chơi như góc học tập tổ chức cho trẻ chơi: “lớp học của bé” trong trò chơi có cô giáo dạy học cho các em học sinh hoặc góc xây dựng cho trẻ chơi xây dựng trường mầm non...

1.4.2.4. Quản lý phương pháp tổ chức HĐVC cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

Việc quản lý hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi đạt hiệu quả tốt hay chưa tốt phụ thuộc rất nhiều vào việc giáo viên nắm vững và có kỹ năng thực hiện hiệu quả phương pháp tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ nói chung

và các phương pháp cụ thể. Chính vì vậy ban giám hiệu các trường mầm non cần phải quan tâm quản lý tốt ở nội dung này. Việc quản lý phương pháp tổ chức hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi đòi hỏi ban giám hiệu phải dựa vào chương trình giáo dục mầm non mới mà địa phương đang thực hiện hướng dẫn; chỉ đạo giáo viên thực hiện tốt việc lập kế hoạch tổ chức HĐVC, tổ chức quá trình chơi của trẻ, nhận xét, đánh giá trẻ sau khi chơi, kiểm tra, đánh giá giáo viên trong quá trình tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ; quản lý việc vận dụng các phương pháp giáo dục mầm non vào tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ như: phương pháp dùng lời nói, phương pháp dùng tình cảm, các phương pháp thực hành trải nghiệm, phương pháp nêu gương, đánh giá. Trên cơ sở đó có định hướng bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên những phương pháp mà giáo viên thực hiện chưa tốt nhằm giúp giáo viên phát triển, hoàn thiện kỹ năng tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

1.4.2.5. Quản lý giáo viên và trẻ trong tổ chức hoạt động vui chơi

+ Với giáo viên:

- Hiệu trưởng quản lý, chỉ đạo giáo viên thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ: Lập kế hoạch tổ chức, tổ chức quá trình chơi của trẻ, điều khiển, điều chỉnh, kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động vui chơi và sử dụng kết quả hoạt động vui chơi vào thực hiện các hoạt động khác cho trẻ.

- Chỉ đạo, giám sát và kiểm tra, đánh giá việc xây dựng và tổ chức môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ;

- Chỉ đạo giáo viên thường xuyên tự bồi dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực tổ chức các HĐVC cho trẻ.

+ Với học sinh:

- Học sinh vừa là đối tượng giáo dục, vừa là chủ thể giáo dục. Để quản lý học sinh đạt kết quả tốt, nhà quản lý, nhất là giáo viên cần nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý của học sinh từ đó tìm ra phương pháp tổ chức HĐVC cho phù hợp.

- Phát huy tính tích cực của trẻ là một trong những yêu cầu quan trọng, biểu hiện hiệu quả trong công tác tổ chức HĐVC cho trẻ. Hiệu trưởng cần tăng cường quản lý để nắm bắt xem trẻ có phát huy cao độ tính tự giác, tính độc lập, sáng tạo trong khi chơi dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

- Quản lý học sinh trong tổ chức HĐVC là quản lý các hoạt động của cá nhân học sinh trong mối quan hệ với tập thể, quản lý nhu cầu, động cơ, hứng thú, tích cực tham gia và tổ chức các trò chơi trong HĐVC của trẻ.

1.4.2.6. Quản lý môi trường tổ chức HĐVC cho trẻ

- Môi trường vật chất: Môi trường cho trẻ hoạt động trong phòng, lớp phải đảm bảo trang trí thẩm mỹ, thân thiện và phù hợp với chủ đề giáo dục. Có các đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu đa dạng, phong phú, hấp dẫn trẻ. Các loại đồ dùng, đồ chơi thiết bị được trang bị theo Thông tư số 02/2010 TT- BGD&ĐT ngày 11 tháng 02 năm 2010 ban hành danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho Giáo dục mầm non của Bộ trưởng BGD&ĐT ban hành.

Sắp xếp và bố trí đồ dùng, đồ chơi hợp lý, đảm bảo an toàn và đáp ứng mục đích giáo dục. Các khu vực hoạt động bố trí phù hợp, linh hoạt mang tính mở, tạo điều kiện dễ dàng cho trẻ tự lựa chọn và sử dụng đồ vật, đồ chơi, tham gia hoạt động và thuận lợi cho sự quan sát của giáo viên.

Các khu vực hoạt động của trẻ gồm có: Khu vực chơi đóng vai; chơi với các trò chơi học tập (làm quen với toán, làm quen chữ viết, nhận biết hình ảnh, so sánh...) tạo hình, thư viện, khu vực ghép hình, lắp ráp, xây dựng, khu vực dành cho hoạt động khám phá thiên nhiên và khoa học, hoạt động âm nhạc và có khu vực yên tĩnh cho trẻ nghỉ ngơi. Khu vực cần yên tĩnh bố trí xa các khu vực ồn ào. Tên các khu vực hoạt động đơn giản, phù hợp với chủ đề và tạo môi trường làm quen với chữ viết.

Môi trường cho trẻ hoạt động ngoài trời gồm có: sân chơi và sắp xếp thiết bị chơi ngoài trời, khu chơi với cát, đất, sỏi, nước, bồn hoa, cây cảnh, nơi trồng cây và khu vực nuôi các con vật.

- Môi trường tâm lý: Giáo viên cần tạo môi trường chăm sóc giáo dục trẻ trong trường mầm non cần phải đảm bảo an toàn về mặt tâm lý, tạo thuận lợi giáo dục các kỹ năng xã hội cho trẻ. Giáo viên phải cho trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với những người xung quanh. Giáo viên cần tạo môi trường vui chơi thân thiện cho trẻ để trẻ cảm thấy an toàn trong quá trình vui chơi.

1.4.2.7. Quản lý công tác đánh giá kết quả HĐVC

Quản lý việc kiểm tra đánh giá hoạt động của giáo viên trong việc tổ chức HĐVC cho trẻ có một ý nghĩa lớn, giúp nhà quản lý (Ban giám hiệu) kịp thời nắm được mặt mạnh, mặt yếu của giáo viên trong công tác tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

Quản lý đánh giá giáo viên về cách thức và kỹ thuật đánh giá trẻ khi trẻ tham gia chơi để xác định được mức độ đạt được của trẻ trên cơ sở đó kịp thời điều chỉnh kế hoạch tổ chức HĐVC của trẻ cho phù hợp, đồng thời bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên để nâng cao kỹ năng của giáo viên trong việc tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

Quản lý về kiểm tra đánh giá hoạt động của giáo viên trong công tác tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ đòi hỏi ban giám hiệu phải lựa chọn hình thức tổ chức và nội dung kiểm tra sao cho phù hợp với yêu cầu đổi mới về chương trình giáo dục mầm non theo hướng tích hợp theo chủ đề, chủ điểm mà địa phương đang thực hiện, trong đó có yêu cầu đổi mới về kiểm tra, đánh giá về hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi ở trường mầm non thành phố hải dương (Trang 39 - 44)