4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.2.2. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan
Giảm nghèo ở Việt Nam không chỉ là vấn đề chính sách mà còn là một vấn đề xã hội nổi bật, là chủ đề của rất nhiều các nghiên cứu, đánh giá được thực hiện bởi các tổ chức trong và ngoài nước. Các nghiên cứu về giảm nghèo đã được thực hiện từ rất sớm, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gắn liền với việc thực hiện các chính sách giảm nghèo.
Hiện nay chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững đang được đặt ra cấp thiết, các cấp các ngành và toàn xã hội đang vào cuộc để thực hiện thành công nhiệm vụ trọng đại này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vừa qua bộc lộ một số vấn đề cần quan tâm về hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình, xác định bước đi, huy động nguồn lực đến tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Những bất cập này cần được phân tích đánh giá, tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp khắc phục kịp thời.
Để giải quyết đói nghèo hiện nay, không chỉ ở phạm vi mỗi Quốc gia mà nó đã trở thành vấn đề có tính toàn cầu, bởi lẽ đói nghèo không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, mà nó còn là vấn đề nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Các tổ chức, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn thuộc các cơ quan, đơn vị ở nhiều cấp, ngành và địa phương khác nhau đã có nhiều nghiên cứu về xoá đói, giảm nghèo ở các góc độ khác nhau.
Công trình nghiên cứu “Giảm nghèo ở Việt Nam: thành tựu và thách thức” của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (Hà Nội, 2011). Công trình đã đánh giá những thành tựu trong công cuộc giảm nghèo của Việt Nam trong hai thập kỷ
qua (cụ thể là từ năm 1993 đến nay); phân tích công tác giảm nghèo đặt trong bối cảnh sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó đặc biệt chú ý đến cách ứng phó với các rủi ro mang tính hệ thống ở cấp độ nền kinh tế, cũng như với các rủi ro ở cấp độ hộ gia đình hoặc cấp cá nhân và cách tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người nghèo và người thu nhập thấp trong bối cảnh kinh tế mới. Cụ thể các vấn đề liên quan đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, mở rộng cơ hội và nâng cao năng lực cho người nghèo (trích theo Trần Quế Anh, 2017).
Luận án Tiến sĩ “Thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh Tây Bắc đến năm 2020” của Nguyễn Đức Thắng (Học viện Hành chính quốc gia, Hà Nội, 2016) nghiên cứu và hệ thống hóa các vấn đề lý luận và thực tiễn về thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh Tây Bắc nước ta; đánh giá thực trạng quy trình tổ chức thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo đồng thời chỉ ra những kết quả đạt được trong từng bước thực hiện ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam. Từ đó xây dựng hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao kết quả thực hiện các bước trong quy trình thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh Tây Bắc nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Theo tác giả Đậu Quang Vinh và nnk (2016): Tổng số hộ nghèo của các huyện miền núi tỉnh Nghệ An đầu năm 2015 là 57.227 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20,28% tổng số hộ của các huyện miền núi và chiếm 70,32% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Số hộ cận nghèo của các huyện miền núi là 39.921 hộ, chiếm 14,15% tổng số hộ các huyện miền núi và 44,18% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh. Trước thực trạng công tác xóa đói giảm nghèo đối với vùng miền núi Nghệ An đang đặt ra nhiều vấn đề lớn, đó là: (1) Vùng miền núi, tuy là vùng rộng lớn nhiều tiềm năng, song là vùng khá đặc thù về điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt phức tạp, diện tích đất nông nghiệp ít và khó canh tác. Hệ thống kết cấu hạ tầng tuy có cải thiện, song vẫn yếu kém và thiếu đồng bộ,… Tiềm năng nhiều, nhưng vẫn khó khai thác và phát huy các lợi thế của vùng
địa bàn,... (2) Là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, trình độ dân trí thấp và phong tục tập quán rất khác nhau,… nên người nghèo không nắm được kỹ thuật sản xuất, ít có năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh, thậm chí có tư tưởng không muốn thoát “nghèo” để được hưởng chế độ chính sách ưu tiên của Nhà nước,… (3) Nhu cầu đầu tư về xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở và đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt phát triển nông - lâm nghiệp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các mô hình đầu tư thâm canh,… là rất lớn nhưng nguồn nội lực của tỉnh Nghệ An và huy động từ xã hội của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức còn rất hạn chế, trên thực tế chưa tạo ra được những xung lực mạnh cho phát triển kinh tế của vùng, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo tác giả Hoàng Thanh Đạm (2014):Huyện Đồng Văn là một trong 4 huyện thuộc khu vực vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang, là vùng lõi của Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Hiện nay Đồng Văn vẫn là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, trình độ dân trí thấp và không đồng đều. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và tái nghèo còn khá cao, đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 63,28%, trong đó có trên 40% số hộ nghèo có nguy cơ bị đói nếu bị thiên tai, hỏa hoạn. Vấn đề đói cục bộ, đói giáp hạt vẫn còn xảy ra trên diện rộng do trình độ, phong tục canh tác lạc hậu, thiếu đất, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, diễn biến thời tiết không thuận lợi mùa đông rét đậm, rét hại; mùa hè mưa lốc, lũ quét, sạt lở đất, đá lăn,...
Theo Ngô Văn Lệ (2015): Đắk Nông là một tỉnh miền núi, nơi có nhiều tộc người sinh sống. Trong những năm qua được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực của cả cộng đồng việc xoá đói giảm nghèo đã thu được những thành quà nhất định.Tuy nhiên, trong công tác xoá đói giảm nghèo ở các tộc người thiểu số tại chỗ còn gặp nhiều khó khăn cần phải tìm một số giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Để có thể để xoá đói giảm nghèo bền vững cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa với các giải pháp khác nhau. Bài viết
của chúng tôi, trên cơ sở những nghiên cứu xoá đói giảm nghèo ở một số địa phương trong những năm qua đề xuất giải pháp để công tác xoá đói giảm nghèo đạt kết quả trong bối cảnh cụ thể của Đắk Nông. Tác giả cũng cho rằng: Giữa đói nghèo và phát triển, phát triển bền vững ở các tộc người thiểu số có mối liên hệ với nhau. Muốn phát triển và phát triển bền vững đòi hỏi phải nâng cao dân trí. Xóa đói giảm nghèo và phát triển giáo dục phụ thuộc vào các chiều kích khác nhau, nhưng có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó học vấn là một biến độc lập trong tương quan với vấn đề đói nghèo. Mà một khi giải quyết được vấn đề đói nghèo và nâng cao dân trí lại chính là góp phần vào việc phát triển và phát triển bền vững ở các tộc người thiểu số.
Theo tác giả Phan Thị Huệ (2011), khi bàn về giải pháp để giảm nghèo cho thành phố Đà Nẵng, tác giả đã đề xuất 3 nhóm giải pháp cụ thể nhằm giảm nghèo ở thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới như sau: (1) Nhóm giải pháp tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập như: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao công nghệ, dự án dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo, hướng dẫn cách làm ăn thông qua dự án khuyến nông- lâm- ngư, nhân rộng mô hình giảm nghèo, chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo,… (2) Nhóm giải pháp chính sách nhằm tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội như: Chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo, chính sách hỗ trợ nhà ở, điện, nước sinh hoạt, chính sách trợ giúp pháp lý (trợ giúp pháp lý miễn phí cho những hộ nghèo có nhu cầu về các lĩnh vực: đất đai, nhà ở, thừa kế, hộ khẩu, hộ tịch, hôn nhân gia đình, chế độ chính sách, bảo hiểm xã hội, lao động việc làm,…), chính sách bảo trợ xã hội (trợ cấp đột xuất cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do tai nạn, thiên tai, bệnh hiểm nghèo; trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội,…), và (3) Nhóm giải pháp về công tác tổ chức thực hiện như: Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ giảm nghèo, đẩy mạnh huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo, tăng cường sự tham gia của người dân, tăng cường phân cấp quản lý, giám sát và đánh giá,…
Còn theo tác giả Trần Lệ Thị Bích Hồng (2018), trong công trình nghiên cứu của mình về ảnh hưởng của chính sách xóa đói giảm nghèo tới sinh kế của hộ nghèo dân tộc thiểu số ở huyện Võ Nhai, một huyện nghèo trong diện 30a của tỉnh Thái Nguyên, tác giả cho biết: Trong những năm gần đây, xóa đói giảm nghèo trong cộng đồng các dân tộc thiểu số luôn được các cấp, các ngành ở huyện Võ Nhai quan tâm, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Võ Nhai không ngừng giảm đi. Các vấn đề này có những vấn đề mới nổi, cũng có những vấn đề đã tồn tại từ lâu và nay trở thành vấn đề đáng chú ý, vấn đề then chốt trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo và ảnh hưởng của các chính sách đó đến sinh kế người dân đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Để nâng cao hiệu quả của một chính sách hay chương trình, việc đánh giá ảnh hưởng của các chính sách cần phải được thực hiện để hiểu được các khoản đầu tư, các chính sách hỗ trợ có thực sự đem lại hiệu quả hay không. Nếu nhìn nhận một cách chủ quan, những kết quả đạt được tưởng như do chính sách đem lại nhưng thực tế lại là một kết luận chưa chính xác. Do vậy, việc ảnh hưởng của chính sách phải chỉ rõ được những bằng chứng chứng minh sự thay đổi nào gắn với những ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách cụ thể.