Xây dựng nhân vậtqua ngoại hình và hành động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề nữ quyền trong sáng tác của một số nhà văn dân tộc thiểu số (khu vực miền núi phía bắc việt nam)​ (Trang 67 - 72)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Xây dựng nhân vậtqua ngoại hình và hành động

Nhân vật văn học đại diện của tính cách xã hội, có ngoại hình và nội tâm riêng. “Ngoại hình là một khái niệm nhằm chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong… tóm lại là toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật” [40, tr.168]. Còn hành động của nhân vật “không chỉ là những yếu tố cần thiết để bộc lộ tính cách mà còn là yếu tố không thể thiếu thúc đẩy sự diễn biến của cốt truyện trong tác phẩm. Đó chính là những việc làm cụ thể của nhân vật trong quan hệ ứng xử với các nhân vật khác và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống”.[40, tr.169]

Có lên vùng miền núi phía Bắc thì mới thấy được bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vỹ là những người phụ nữ có nét đẹp duyên dáng với nước da trắng ngần, mái tóc dài, đôi mắt trong trẻo, đôi má hồng cùng bờ môi đỏ mọng. Có lẽ khí hậu vùng cao quanh năm mát mẻ, yên bình, không khí trong lành rất hợp với nữ giới khiến họ trông rất xinh đẹp. Trong các tác phẩm văn xuôi của mình, các nhà văn DTTS đã để lại nhiều ấn tượng khá đậm nét trong lòng độc giả về vẻ đẹp ngoại hình mang đặc trưng của con người miền núi. Chất miền núi luôn gắn với đặc điểm cơ thể, những đường nét, dáng hình được tạo hóa ban tặng. Viết về vấn đề nữ quyền, các nhà văn đã phô diễn được vẻ đẹp ngoại hình và thân thể của người phụ nữ, từng đường nét, bộ phận của cơ thể như làn da, mái tóc, đôi môi…

Với sự quan sát tinh tế, sắc sảo và trí tưởng tượng phong phú, phần lớn các nhân vật nữ trong văn xuôi của Vi Hồng đều có tính cách thống nhất với ngoại hình. Những nhân vật nữ được Vi Hồng miêu tả kỹ về ngoại hình, họ đều có vóc dáng cân đối, cặp mắt long lanh, đen láy, đôi môi như quả nhót chín mọng, da trắng nõn…Điển hình là “Thu Lả đẹp như nàng tiên. Lả có cặp mắt long lanh như mắt họa mi, khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa thanh tú, má thắm hồng, môi đỏ chót đều đặn. Cô dong dỏng thắt đáy lưng ong, ngực nở nang, có một cơ thể cân đối tuyệt vời.” [18, tr.26].Những nhân vật chính diện được Vi Hồng miêu tả hầu hết đều bằng các điểm nhấn như là “cặp má thắp đuốc hồng rực với khuôn mặt tròn như ông trăng rằm cũng đang hứng vào trời, như hứng lấy cái màu thiên thanh ở nơi thăm thẳm của vũ trụ để cho sức sống có thể sánh cùng với trời đất” [21, tr.139].Khi miêu tả ngoại hình, Vi Hồng còn sử dụng lối nói so sánh ví von của người dân tộc thiểu số, khi vui thì khuôn mặt “sáng ngời như khuôn trăng tỏa ánh hào quang”, khi buồn thì “sa sầm như một vườn mây đậm”. Đặc biệt hơn nữa, nhân vật Diu Nàng trong Phụ tình tuy có ngoại hình xấu xí “Mắt em lồi, trán em hóp như trán con khỉ…” [20, tr.284]nhưng bêntrong là con người tốt đẹp, nhân ái, dám hi sinh vì người yêu. Đây là chân dung Ai Hoa, người con

gái đẹp nhất Nước Hai được Vi Hồng miêu tả: “Ai cũng bảo Ai Hoa đẹp từ khuôn mặt đẹp đi, đẹp từ cái móng chân, móng tay đẹp lại, đẹp từ mười ngón tay đẹp về…Cặp môi không son phấn như một quả nhót chín mọng, Ai Hoa không đánh phấn…Đôi mắt của nàng cũng tròn, đen ánh, lóng lánh như trời thu”. Ai Hoa còn là người “lớn về tình cảm và trí tuệ, cả mường ai ai cũng bảo Ai Hoa là người giỏi giang, học chữ, học làm đều giỏi” [17, tr.120].Có thể nhận thấy, ngoại hình phụ nữ dân tộc trong các sáng tác của Vi Hồng là phương tiện để bộc lộ tính cách nhân vật. Ngoại hình được miêu tả bằng cách cảm, cách nghĩ và thẩm mỹ của người DTTS.

Không dừng lại ở đó, Vi Hồng đặc biệt chú ý đến sức sống căng tràn trong cơ thể thanh xuân của những cô gái như: Nhình Hỷ, Nọi trong Đi tìm giàu sang mơn mởn đầy sức sống, Băng trong Tháng năm biết nói nõn nà và hồng rực sức xuân. Đặc biệt là nàng Va Đáo trong tiểu thuyết Phụ tình được tác giả nhấn

mạnh: “Va Đáo là cô gái xinh đẹp vào loại nhất mường Nặm Thoong…Nàng vẫn trào lên một sức sống thanh xuân, cái vẻ đẹp càng lồ lộ như một bông hoa đang độ nở căng, làm cho viên tri châu phải ngẩn ra trước mặt Va Đáo đến một lúc lâu mới cất tiếng được” [20, tr.82]. Qua cách miêu tả ấy, người đọc thấy được vẻ đẹp khỏe mạnh, hồn nhiên, có sự thu hút, tràn đầy sinh lực sống và khả năng làm vợ, làm mẹ.

Trong văn học, để miêu tả phẩm chất và tính cách nhân vật, tác giả chú ý đến miêu tả hành động của nhân vật. Thông qua đó thể hiện một phần chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn DTTS đều là những người dân miền núi nên họ bộc lộ bản chất và cá tính của người miền núi. Bề ngoài có vẻ nhút nhát, e dè nhưng hành động lại cho thấy sự mạnh mẽ, vượt qua khó khăn thử thách vươn lên làm chủ cuộc đời. Nhân vật Mèn trong Ché Mèn được đi họp của Nông Minh Châu được nhà văn miêu tả: “Nói với ai Mèn cũng cúi mặt xuống. Mân mê vào bàn tay mới nói” [37, tr.127].Tuy vẻ ngoài nhút nhát như vậy nhưng cô lại có những hành động quyết liệt chống lại cái cũ, lạc

hậu. Nghe những lời giễu cợt của đám thanh niên:“Những câu nói như vậy hôm nay chọc vào tai Mèn, Mèn ăn cơm như nuốt phải xương, đi như bước trên cây. Cả những sợi tóc lơ thơ rũ xuống mặt Mèn cũng không muốn gạt về bên tai nữa.”[37, tr.131]. Qua những hành động của Mèn khi chăm sóc cây lúa, ta thấy được sự miệt mài, lao động hăng say nhằm cải tiến kĩ thuật, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con.

Cũng giống như Vi Hồng, người phụ nữ trong tác phẩm của Cao Duy Sơn được nhà văn dành nhiều ưu ái. Nhân vật phụ nữ được miêu tả khá cụ thể từ khuôn mặt, vóc dáng, hình thái…Nàng Dình với vẻ đẹp mơ hồ, quyến rũ hiện lên trong mắt Khơ: “Mặt nàng đẹp như bông đào trong nắng, nụ cười bẽn lẽn, mắt chớp như cánh vẫy của loài bướm hoa” (Hoa bay cuối trời- Cao Duy Sơn),

Ếm trong Chợ tìnhmang vẻ “đẹp như hoa…Mỗi khi cười trời như sáng bừng lên, hoa xuân lay lắc vui nhường lại nhan sắc”. Hoa đã trở thành hình tượng mang tính ước lệ tượng trưng cho vẻ đẹp người con gái. Đặc biệt khi miêu tả ngoại hình nhân vật, Cao Duy Sơn hay chọn một “điểm nhấn” để làm toát lên vẻ đẹp, gợi được cả tâm hồn và tính cách của nhân vật. Những cô gái được tập trung miêu tả về ánh mắt và đôi môi. Đôi môi những người phụ nữ miền núi bao giờ cũng mang sắc đỏ như những loài hoa rừng, vừa tươi tắn lại vừa ngời lên sức sống. Đôi mắt lúc nào cũng trong sáng “thanh sạch như nước suối Bó Slao”. Đôi mắt ấy khiến bao chàng trai mê đắm khi đối diện. Cao Duy Sơn cũng cho thấy tài năng của mình trong việc tìm điểm nhấn ở ngoại hình để lột tả đời sống tâm hồn, tính cách của nhân vật như đôi mắt của Dình “chớp như cánh vẫy của loài bướm hoa” đã cho người đọc dự báo được số phận của nàng cũng như phận loài bướm rong ruổi và vô định… hay nhân vật Đẹm - vợ người lái xe ở lâm trường Nà Pha trong Mùa én gọi bầy được nhà văn miêu tả từ điểm nhìn của những

người phụ nữ ở lâm trường: “đôi mắt nữa, nhìn thấy mấy thằng trẻ trai cứ tít lại vì cười”. Sau này gia đình của Đẹm tan vỡ vì lí do Đẹm đã phản bội chồng… Mỗi nhân vật là một ánh mắt riêng song tất cả đều soi rọi thế giới bên trong con

người của họ. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, chỉ cần nhìn vào đôi mắt ta sẽ thấy được đời sống tâm hồn bình yên, phẳng lặng hay cuồn cuộn bão giông của người ấy. Có thể thấy Cao Duy Sơn đã rất tài tình trong việc tìm điểm nhấn của ngoại hình để lột tả được đời sống tâm hồn cũng như tính cách của nhân vật.

Đặc biệt trong tiểu tuyết Đàn Trời của Cao Duy Sơn, vẻ đẹp của người phụ nữ được tạo hóa ưu ái ban tặng như Diệu, Lê, Mỷ, Thục Vy. Họ là những người phụ nữ mang vẻ đẹp của núi rừng. Nhà văn tiếp cận thi pháp hiện đại, linh hoạt hơn trong việc miêu tả ngoại hình nhân vật, không dồn nén các chi tiết miêu tả hình dáng nhân vật mà lựa chọn chi tiết và đến khi thực sự đắc dụng ông mới dùng đến chi tiết đó. Ông hướng ngòi bút miêu tả đôi mắt, mái tóc: “Mặt đẹp như hoa rừng” [50,tr.128], “Thân thể nàng, da dẻ nàng, đến cặp mắt trong sáng và cả đôi môi kia như được chắt ra từ bình minh trong sương, từ ánh trăng dịu hiền của trời thu trong vắt…” [50, tr.145]

Có thể thấy, trong nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ, Bùi Thị Như Lan cũng rất chú ý đến việc khắc họa ngoại hình nhân vật với những điểm nhấn, tạo nét riêng biệt. Đây cũng là một đặc điểm, một nét nổi bật trong nghệ thuật miêu tả ngoại hình của nhà văn. Chú ý đến việc miêu tả ngoại hình các nhân vật của mình từ đó tính cách và phẩm chất nhân vật hiện lên rõ nét. Cũng giống như cách miêu tả của nhà văn Vi Hồng khi viết về các cô gái Tày xinh đẹp của núi rừng Tây Bắc, Bùi Thị Như Lan cũng có sự ảnh hưởng, kế thừa. Ta thấy được điều đó qua nhân vật Dín trong truyện Sau lời hát Sli, Dín tiêu biểu cho một thiếu nữ vùng cao “Nước da mịn màng trắng như hoa mơ, hoa mận đến độ nở rộ, mỗi khi nhóm lửa bên bếp, lửa cũng tí tách hờn ghen vì màu hồng trên má Dín. Khi cười Dín kheo hàm răng trắng đều như bắp nếp để lại trên má hai đồng xu duyên dáng, mặn mà” [28, tr.6]. Vẻ đẹp của Dín được so sánh như hoa mơ, hoa mận…, một vẻ đẹp rực rỡ, trong sáng, tươi tắn với điểm nhấn trên đôi má hồng và hàm răng trắng. Hay đến với cô gái trẻ trong truyện Trôi trong mây gió, người đọc sẽ bắt gặp đôi mắt đẹp, trong trẻo “…đôi mắt đen láy, trong trẻo, nhìn ai cũng như cười” [31, tr.54]. Đây là cách miêu tả ngoại hình nhân vật rât phù hợp với

cách cảm, cách nghĩ của người miền núi. Ta thấy rằng, không đâu có nhiều câu chuyện cuốn hút về các cô gái đẹp như ở vùng cao phía Bắc. Những người phụ nữ mang một vẻ đẹp tự nhiên, dịu dàng, thuần khiết, không tô son điểm phấn nhưng vẫn khiến bao chàng trai mê đắm. Nhà văn Bùi Thị Như Lan còn nhấn mạnh vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ miền núi với việc miêu tả những bộ phận nhạy cảm của cơ thể, đây là một sự quyến rũ gắn với biểu hiện về sắc dục:

“Cơ thể tròn đầy, trinh nguyên của Xúa ướt đẫm sương nhưng lại tỏa ra hơi nóng hầm hập mang theo hương thơm thoang thoảng của hoa rừng” [31, tr.30].Hay“Bầu ngực tôi căng cứng, hổn hển sau làn váy mỏng. Người tôi nóng hầm hập như muốn bốc lửa”. [31, tr.19]

Qua lăng kính của các nhà văn DTTS, vẻ đẹp ngoại hình của các nhân vật nữ đó là một sự kết hợp hài hòa. Vẻ đẹp ngoại hình thể hiện ý thức mới về giá trị con người, đề cao vẻ đẹp trần tục và cuốn hút của các nhân vật nữ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề nữ quyền trong sáng tác của một số nhà văn dân tộc thiểu số (khu vực miền núi phía bắc việt nam)​ (Trang 67 - 72)