Khái lược về truyện dài Nghi lễ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh đứa con trai của hà thị cẩm anh và nghi lễ của leslie m silko từ góc nhìn phê bình sinh thái (Trang 26 - 29)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Khái lược về truyện dài Nghi lễ

Truyện dài Nghi lễ còn được dịch với một số tiêu đề khác như: Pháp lễ,

Lễ hội mặt trời.Trên cơ sở đối chiếu với nguyên bản tiểu thuyết Ceremony của Leslie Marmon Silko do nhà xuất bản Penguin Books ấn hành năm 1986, tác giả luận văn khảo sát tác phẩm dựa trên bản dịch của dịch giả Linh Thụy, sách do NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2002 dưới tên Lễ hội mặt trời. Tuy các trích dẫn chủ yếu dựa trên bản dịch này song chúng tôi

không sử dụng tên tác phẩm theo ý của dịch giả vì thấy rằng tên gọi trên gây nhầm tưởng về nội dung của tác phẩm (viết về lễ hội). Tác giả Bùi Linh Huệ trong luận văn “Kết cấu tiểu thuyết Pháp lễ của Leslie Marmon Silko” đã chọn tên gọi Pháp lễ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không sử dụng tên gọi Pháp lễ mà

dùng tên gọi Nghi lễ để đúng hơn với tinh thần của nguyên tác và cũng dễ hiểu với độc giả.

Truyện dài Nghi lễ được xuất bản lần đầu tiên năm 1977 đã thu hút sôi nổi sự quan tâm, đánh giá của đông đảo bạn đọc và các nhà phê bình. Từ điển Bách

khoa trực tuyến Wikipedia đánh giá: “cho đến nay khó mà gặp một lời phê bình

không hay nào về cuốn tiểu thuyết này. Đó vẫn là cuốn tiểu thuyết của văn học người Mỹ bản địa thường được các trường cao đẳng và đại học đem vào giảng dạy nhiều nhất và nghiên cứu nhiều nhất…Trên một đất Mỹ đang tràn ngập những cựu chiến binh Việt Nam khủng hoảng, thông điệp của cuốn sách về hàn gắn và hòa hợp giữa các dân tộc và con người nói chung khiến cho nó đạt được những thành công ngay lập tức và lâu dài”[78].

Trong lời giới thiệu, dịch giả Linh Thụy đã tóm lược nội dung tác phẩm này như sau: Tác phẩm là câu chuyện về một cựu chiến binh da đỏ bị vong thân sau Thế chiến II, và tìm cách hồi phục, tìm lại con người thực của mình. Nhưng nhìn khía cạnh khác, câu chuyện lại rất phức tạp và lớn lao: Vong thân là một sự kiện cực kỳ vi tế, phức tập và tìm lại con người thực là một đề tài to tát. Ở đây, nhân vật chính đã tìm con người thực của mình qua cái nhìn và triết lý của người Mỹ Nguyên thủy, tức người da đỏ. Lễ hội đã được dùng để đưa nhân vật vong thân về nguồn gốc thực của mình, rất gần gũi, hòa hợp cùng thiên nhiên, nhất là mặt trời. Tayo là nhân vật đầy phức cảm, anh ta bị vong thân từ khi còn bé: là một đứa trẻ lai không có cha, với người mẹ da đỏ hư thân và bị đàn ông da trắng dụ dỗ - và chết sớm – sống trong gia đình của bà ngoại, cùng bà dì rất ghét anh, và ông cậu. Nơi đó, Tayo là một người “bán xa lạ” đã bị lạc loài cùng cội nguồn ngay từ đầu. Tayo bị dì và các bạn trong cộng đồng da đỏ ghét bỏ khi còn bé, luôn luôn mang mặc cảm về nguồn gốc con hoang và màu da nửa vời của mình, cho nên thiếu tự tin và tự trọng ngay từ khi còn bé. Tác phẩm này không chỉ chứa chất những tiếng than vãn của một bộ tộc mất nước mà còn trình bày rất nhiều khía cạnh đẹp đẽ trong đời sống và nhân sinh quan của người

da đỏ. Một thứ triết lý dầy dung hợp, hòa diệu cùng thiên nhiên, và rất giàu tính nhân bản. Thông điệp lớn nhất mà tác giả thể hiện trong tiểu thuyết này đó là cái nhìn tâm linh, sâu sắc về chiến tranh và kẻ hủy diệt gắn với những huyền thoại của người Da đỏ.

Robert Lee trong cuốn Văn học đa văn hóa Mỹ cũng khẳng định tác phẩm

Nghi lễ “xứng đáng là cuốn tiểu thuyết trung tâm của văn học người Mỹ bản

địa” [77; 105]. Sức hấp dẫn ấy của thiên tiểu thuyết được nhiều lời ngợi ca này đến từ những ý nghĩa nội dung tư tưởng phong phú, sâu sắc được chuyển tải bằng một thứ nghệ thuật đầy tính sáng tạo và tinh tế. Nhà nghiên cứu này cũng dành một số trang đáng kể cho Silko và tiểu thuyết Nghi lễ: “Những câu thơ

mở đầu trong tiểu thuyết Nghi lễ (1977) của Leslie M. Silko đã đưa ra điểm mấu chốt để hiểu tiểu thuyết. Đó là cách thức nối kết vấn đề nhân vật người cựu chiến binh Tayo bị chiến tranh hủy diệt tinh thần, huyết thống pha tạp với cơn hạn hán trên cùng tự trị Laguna cùng những vụ thí nghiệm hạt nhân gần Los Alamos trong tính đương đại của chúng. Cứ mỗi bước chuyển, trong cái khung khổ thời gian từ bình minh tới bình minh, Silko lại hòa trộn tiểu thuyết của mình và đặt nó song song với câu chuyện về huyền thoại sáng tạo và trợ giúp của vùng Laguna, chuyện kể về phù thủy, chuyện về những cuộc tìm kiếm và hàn gắn. Kĩ thuật đó duy trì sự tương tác, tạo cảm giác giống như một cuốn tiểu thuyết đúp được kể hai lần, và khiến cho tác phẩm giành vị trí trung tâm trong văn học của người Mỹ bản địa một cách xứng đáng” [77; 105]. Trang web từ điển trực tuyến Wikipedia cũng đánh giá: “Nghi lễ thường được gọi là một cuốn tiểu thuyết Chén Thánh (Grail Fiction), trong đó người anh hùng vượt qua một loạt các thử thách để đạt tới một mục đích đã xác định)” [79].

Như vậy, có thể thấy các công trình trên đều nhấn mạnh vai trò của các chất liệu và kĩ thuật kể chuyện dân gian tới kết cấu của tiểu thuyết Nghi lễ và các tác phẩm văn học cùng dòng với nó. Tuy nhiên, những nội dung mà tiểu thuyết này đề cập đến còn rất nhiều điều mà chúng ta có thể khai thác. Do đó,

việc vừa soi chiếu tác phẩm này dưới lăng kính của phê bình sinh thái, vừa đặt nó trong sự đối sánh với các tác phẩm khác là hướng nghiên cứu mới mẻ và thú vị mà chúng tôi lựa chọn để thực hiện luận văn này. Bằng những khảo sát cụ thể, chúng tôi sẽ phân tích và chỉ ra những tương đồng và khác biệt trong cách quan niệm và thể hiện vấn đề sinh thái trong hai tác phẩm đã nêu đồng thời khẳng định giá trị của hai tác phẩm cũng như vị trí của hai nhà văn trong dòng chảy văn học của mỗi dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh đứa con trai của hà thị cẩm anh và nghi lễ của leslie m silko từ góc nhìn phê bình sinh thái (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)