Bước ngoặt không gian trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh đứa con trai của hà thị cẩm anh và nghi lễ của leslie m silko từ góc nhìn phê bình sinh thái (Trang 43 - 45)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Bước ngoặt không gian trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn

Người phương Đông xưa quan niệm cấu trúc không gian vũ trụ với mô hình tam tài và ngũ hành: “Tam tài” là một khái niệm bộ ba, “ba phép”: Thiên – Địa – Nhân. Nó thể hiện quan niệm của người xưa về cấu trúc không gian dưới dạng mô hình ba yếu tố. Còn “Ngũ hành” là khái niệm dùng để mô phỏng cấu trúc không gian vũ trụ bởi năm yếu tố (năm hành) theo thứ tự: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Và xét về bản chất của những từ “thế giới”, “vũ trụ” thì đó đều là những khái niệm để chỉ tổng thể không – thời gian. “Thế giới” gồm có thế – đời (thời gian) và giới – cõi (không gian). Như vậy, thế giới được hiểu là cõi đời. Nghĩa là nó bao hàm cả không gian và thời gian. Còn theo tác giả Hoàng Phê: “Không gian là khoảng không bao la trùm lên tất cả sự vật hiện tượng xung quanh đời sống con người.” [78; 633].

Như vậy, không gian chính là môi trường chúng ta đang sống với sự tồn tại của các sự vật với những thuộc tính như cùng tồn tại và tách biệt, có chiều kích và kết cấu. Mọi sự vật, hiện tượng đều được gắn với hệ tọa độ không – thời gian xác định, nên những cảm nhận của con người về thế giới đều bắt đầu từ sự đổi thay của không gian, thời gian. Từ sự đổi thay của không gian – thời gian, con người nhận ra sự đổi thay trong chính mình.

Cuối thế kỉ XX, có một khuynh hướng nghiên cứu không gian theo hướng liên ngành đã xuất hiện trong khoa học xã hội nhân văn, đó là phê bình không gian (spatial criticism) – được coi như là sự chuyển hóa và tiếp nối của phê bình sinh thái. Nguyên nhân sự hình thành của Phê bình không gian là một bước

ngoặt quan trọng trong nhận thức về không gian, khác hoàn toàn với những cách hiểu về không gian từ lâu đã thống trị trong khoa học nhân văn phương Tây trước đó. Trong quan niệm truyền thống, không gian được nhìn như một vật chứa trống rỗng, phi cá tính, phi bản sắc. Không gian có tính trung lập, thuần nhất, do đó cũng vô nghĩa và không quan trọng. Nhưng một bước chuyển trong cái nhìn về không gian đã xuất hiện. Các nhà nghiên cứu như Michael Foucault, Edward Soja đã tuyên bố kỉ nguyên hiện đại có thể là kỉ nguyên của không gian. Khoa học kĩ thuật hiện đại đã biến đổi cảm quan về không gian của thế giới. Với máy bay, người ta có thể sáng ở châu Á, tối ở châu Âu, giờ này ở Việt Nam, giờ sau đã ở Nhật. Với internet, chỉ trong một giây tin tức một sự kiện xảy ra ở Mỹ đã truyền ra toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu có xu hướng dịch chuyển không gian nghiên cứu từ một phạm vi, một lĩnh vực, một vùng miền, một quốc gia cụ thể sang nghiên cứu theo hướng liên ngành và nghiên cứu xuyên quốc gia. Sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày nay đã làm thế giới phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa. Vì vậy, các nhà khoa học trên thế giới đã hướng sự quan tâm đến các ngành khoa học xã hội và nhân văn và cho rằng đây là một công cụ hữu hiệu thúc đẩy sự đồng thuận quốc tế và đối phó với những thách thức toàn cầu.

Truyện Kiều có câu: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?” Câu thơ đó

đã khái quát một điều, không gian, đặc biệt là không gian trong phát ngôn, trong văn bản nghệ thuật, không bao giờ là khách quan mà bao giờ cũng mang quan điểm, cách nhìn của người tạo ra nó. Quan điểm của nhà văn, của người nghiên cứu cũng luôn biến đổi theo thời đại. Vì vậy mà việc tổ chức không gian nghệ thuật hoặc lựa chọn không gian trong nghiên cứu luôn chịu sự chi phối và tác động trực tiếp từ quan niệm thời đại. Riêng trong lĩnh vực văn học, không gian nghệ thuật còn chịu sự chi phối của yếu tố thể loại. Ở mỗi thể loại khác nhau, không gian nghệ thuật trong mỗi tác phẩm văn học dân gian lại có những nét

khác biệt nhất định. Thí dụ như, không gian thần thoại luôn có tính nguyên sơ, hỗn mang của thửa khởi đầu trời đất, không gian sử thi có nền tảng là không gian thần thoại nên thường có tính chất hư ảo, kì diệu, không gian thay đổi theo ý thức của thần linh và mang tính địa vực sâu sắc. Không gian trong ca dao là không gian sinh hoạt, không gian lao động của con người…Đặc biệt, trong văn học trung đại, không gian nghệ thuật còn mang đậm tính ước lệ, tượng trưng, gợi nhiều hơn tả. Theo dòng chảy của thời gian, không gian vũ trụ trong văn học trung đại đã dần được “trần tục hoá” gắn với không gian sinh hoạt đời thường. Sang đến văn học hiện đại, do sự đổi thay trong quan niệm về xã hội, cá nhân, hoạt động của con người mà không gian nghệ thuật trong văn học cũng đã thay đổi. Không gian nghệ thuật của tiểu thuyết mang đậm tính cá nhân đã được mở rộng, khái quát thành không gian xã hội vô cùng rộng lớn. Tóm lại, trong văn học, không gian nghệ thuật là một phạm trù nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc thể hiện tính cách nhân vật, tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Nó là một phạm trù quan trọng của thi pháp học, là phương tiện chiếm lĩnh đời sống, là mô hình nghệ thuật về cuộc sống. Không gian nghệ thuật góp phần thể hiện quan điểm nghệ thuật của mỗi nhà văn và luôn có sự biến đổi theo dòng chảy văn học.

Như vậy, không gian không còn vô tính, trung lập, mà cũng là một sản phẩm của con người, mang đậm dấu ấn, ý đồ của con người và phản ánh các quan hệ quyền lực xã hội. Ngược lại, không gian cũng tác động ngược trở lại, giống như một loại hình thiết chế chế định, tác động lại lên con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh đứa con trai của hà thị cẩm anh và nghi lễ của leslie m silko từ góc nhìn phê bình sinh thái (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)