Diễn ngôn về không gian trong phê bình sinh thái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh đứa con trai của hà thị cẩm anh và nghi lễ của leslie m silko từ góc nhìn phê bình sinh thái (Trang 45 - 47)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Diễn ngôn về không gian trong phê bình sinh thái

Diễn ngôn (discourse) là một thuật ngữ bắt đầu được dùng khá phổ biến gần đây ở Việt Nam và được dùng sớm nhất trong ngôn ngữ học, nhằm ám chỉ phương thức hoạt động của ngôn từ, vượt ra ngoài văn bản, và có thể xem xét sự vận hành của ngôn từ để khám phá các quan hệ quyền lực chi phối sự tạo thành

và vận hành của chúng trong thực tiễn đời sống. Foucault, J. Derrida, G. Deleuze, J. Kristéva, R, Barthes… là tên tuổi một số nhà hậu cấu trúc luận đã coi diễn ngôn là tâm điểm của sự chú ý.

Văn bản văn học là các diễn ngôn, chịu sự chi phối bởi các quan hệ quyền lực. Các quan hệ này ảnh hưởng tới sự tạo thành và vận hành của chúng trong đời sống văn học và văn hóa xã hội. Văn học là diễn ngôn, và cách thể hiện không gian trong các tác phẩm văn học cũng thể hiện những diễn ngôn khác nhau. Eric Pieto đã tóm lược lại cách định nghĩa về không gian của các nhà phê bình theo khuynh hướng nghiên cứu văn hóa như sau: Địa điểm/nơi chốn (place) là “chỉ bất kì một khu vực địa lý nào (site, ở bất kỳ quy mô, hoặc loại nào) nào có ý nghĩa đối với ai đó, vì bất kỳ lý do gì. Đầu tiên, địa điểm là một mối quan hệ của con người. (...) Một khu vực không trở thành một địa điểm cho đến khi có một người xuất hiện và tham gia vào một mối quan hệ tạo ra ý nghĩa với nó. Thứ hai, mối quan hệ này là một biến số: một khu vực nhất định có thể trở thành một địa điểm/nơi chốn ở những mức độ khác nhau đối với những người khác nhau tùy theo cách nhìn của từng người. (…) Cũng rất cần nhận ra tính đối thoại hay mâu thuẫn của một địa điểm. Các nhà phê bình hậu thuộc địa đã đặc biệt nhạy cảm với việc một khu vực địa lý có thể trở thành một vũ khí tư tưởng thông qua một tác phẩm/diễn ngôn nào đó” [45; 13-14].

Trong tác phẩm văn học, không gian và thời gian trở thành những hình tượng thẩm mĩ giàu ý nghĩa biểu trưng. Chúng là mô hình về thế giới và luôn ẩn chứa cảm quan của người nghệ sĩ. Vì vậy, việc phân tích diễn ngôn về không gian trong phê bình sinh thái không chỉ giúp ta nhìn thấy được mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên vũ trụ mà còn thấy được cả quan niệm, ý thức, thái độ của con người về không gian được thể hiện trong hai tác phẩm này. Phân tích các diễn ngôn này được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của phê bình sinh thái bởi đây là một lý thuyết liên ngành, kết hợp giữa văn học

và khoa học, giữa phân tích văn chương và rút ra những cảnh báo về môi trường. Nó có thể không đưa ra được những giải pháp trực tiếp cho những vấn đề môi trường nghiêm trọng hiện nay nhưng bằng cách phân tích các diễn ngôn về không gian, về thiên nhiên và môi trường, nó có thể tác động đến tâm thức con người, điều chỉnh nhận thức, khắc phục những ngộ nhận về môi trường, để từ đó, có những hành động đúng đắn hơn, hướng đến sự phát triển bền vững và lâu dài, đồng thời là quan trọng hơn cả, là hình thành một chủ nghĩa nhân văn mới, ở đó, con người biết nghe tiếng nói của thiên nhiên để đối thoại và đối xử với nó một cách phù hợp.

Không gian trong các tác phẩm văn học mang tinh thần sinh thái cũng là một dạng diễn ngôn. Nghĩa là không gian trong các tác phẩm này không phải là sự chụp ảnh lại, mô tả lại không gian thật trong cuộc sống mà là sự sắp xếp, kiến tạo theo chủ ý tác giả nhằm thể hiện tinh thần sinh thái. Chẳng hạn, tác giả thường có xu hướng tạo ra sự đối lập giữa không gian tự nhiên thuần khiết với không gian đã bị biến đổi bởi sự thực dụng, tham lam của con người; đối lập giữa không gian tươi đẹp, nên thơ trong quá khứ với không gian thực tại hoang tàn, kiệt quệ. Trong hai tác phẩm mà chúng tôi tiến hành khảo sát đã thể hiện rất rõ sự đối lập này. Chúng tôi sẽ làm rõ các dạng không gian trên ở phần tiếp theo của luận văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh đứa con trai của hà thị cẩm anh và nghi lễ của leslie m silko từ góc nhìn phê bình sinh thái (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)