9. Kết cấu của đề tài
1.2.2. Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế
Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các DNNVV Việt Nam ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng không thể thiếu của mình đối với nền kinh tế quốc dân. Với số lượng doanh nghiệp được thành lập ngày càng nhiều, đóng góp của DNNVV cho nền kinh tế ngày càng lớn. Vai trò cua DNNVV đối với nền kinh tế có thể điểm qua như sau:
DNNVV góp phần đáng kể cho việc giải quyết việc làm, giảm áp lực về tỷ lệ thất nghiệp, tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế: Giải quyết công ăn việc làm, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp luôn là vấn đề mà mọi quốc gia trên thế giới đều quan tâm. Là một quốc gia có dân số trẻ, ở nước ta hằng năm số lượng lao động gia nhập vào lực lượng lao động có khoảng hơn một triệu người, đặt ra vấn đề giải quyết việc làm cho lực lượng lao động này là rất cấp bách. Trong khi đó khu vực
doanh nghiệp nhà nước đa số là các doanh nghiệp lớn lại không thể đáp ứng công ăn việc làm cho toàn bộ số lao động trên thị trường. Do đó, phần lao động rất lớn còn lại chỉ có thể được giải quyết nhờ vào các DNNVV. Sự tồn tại và phát triển của DNNVV có vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều việc làm phù hợp với nhiều loại hình lao động, góp phần giải quyết vấn nạn thất nghiệp và xóa đói giảm nghèo cho nước ta. Hơn nữa, các DNNVV chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa nên hoạt động sử dụng các tiềm năng về nguồn lao động và nguyên liệu sẵn có trong nước, do đó có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm thiểu tiêu cực trong xã hội.
DNNVV đóng góp quan trọng vào GDP và tốc độ tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho tăng thu ngân sách nhà nước: Mặc dù qui mô nhỏ nhưng nhờ số lượng DNNVV nhiều và phân bổ rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực và địa phương nên DNNVV đóng góp rất lớn vào GDP và tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng sản xuất của khu vực này cũng thường cao hơn các khu vực doanh nghiệp khác. DNNVV có đóng góp rất đáng kể vào ngân sách nhà nước, đặc biệt đóng góp vào nguồn thu của ngân sách địa phương.
Đảm bảo tính năng động cho nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế: Ưu thế của DNNVV là được thành lập với số vốn nhỏ, khả năng thu hồi vốn nhanh quản lý đơn giản, linh hoạt và dễ thích nghi với điều kiện biến đổi của thị trường nên các DNNVV được thành lập ngày càng nhiều. Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, tham gia hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực, các DNNVV đã tạo ra sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, phá bỏ thế độc quyền của các DN Nhà nước, làm cho các DN phải cải thiện cách thức quản lý, cải tiến kỹ thuật công nghệ… để đương đầu với sự cạnh tranh, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
DNNVV là bộ phận cần thiết cho quá trình liên kết sản xuất của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn: Trong bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tất cả các nguồn lực kinh tế không thể tập trung vào các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế bởi vì các doanh nghiệp này không thể bao quát được toàn bộ thị trường, sự xuất
hiện của DNNVV đã hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp lớn tiếp cận thị trường, cân đối khả năng cung cầu trong xã hội, đóng vai trò là vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa và phân công lao động sản xuất, tăng hiệu quả của chính các DNNVV cũng như các doanh nghiệp lớn, qua đó tạo nên được sự liên kết chặt chẽ giữa các loại hình kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Như vậy, có thể thấy rằng khu vực DNNVV đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế quốc dân. Với vị trí và vai trò của DNNVV đối với quá trình tăng trưởng và phát triển đất nước, khu vực kinh tế này đã và đang được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước. Nhận định sự cần thiết phải phát triển DNNVV, cũng như đánh giá vị trí, vai trò của DNNVV trong phát triển sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ngành nghề phục vụ cho quốc kế dân sinh đã và đang được thể hiện rất rõ trong đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với việc phát triển nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần. Đẩy mạnh và phát huy vai trò của DNNVV nói riêng hay của khu vực kinh tế tư nhân nói chung là rất quan trọng, cho phép khai thác tối đa các nguồn lực về vốn, về lao động… để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.