Hiện trạng công tác quản lý LSNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy hoạch phát triển tài nguyên lâm sản ngoài gỗ tại vùng đệm khu bảo tồn nhiên nhiên kẻ gõ hà tĩnh​ (Trang 48 - 51)

Quản lý Nhà nước về tài nguyên rừng hiện nay ở Vùng đệm Khu BTTN Kẻ Gỗ do các cơ quan: UBND huyện, UBND xã, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ trực tiếp thực hiện. Nội dung quản lý của các cơ quan này mới chủ yếu tập trung vào tài nguyên gỗ, động vật hoang dã,… mà chưa coi trọng đến nguồn tài nguyên LSNG. Các quy định đều nhằm ngăn cấm sự khai thác gỗ, săn bắt các động vật hoang dã để tạo điều kiện cho chúng phát triển, hồi phục số lượng cá thể trong các quần thể tự nhiên. Ngoài các hình thức quản lý Nhà nước trên, một phần rừng và đất rừng suy kiệt được giao cho xã và cộng đồng quản lý.

* Việc quản lý của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ là tiền thân của Ban quản lý rừng phòng hộ Kẻ Gỗ, ngoài nhiệm vụ quản lý và bảo vệ trên 11758,9 ha rừng đặc dụng và 6230,0 ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Kẻ Gỗ, còn quản lý và tổ chức sản xuất 6066,3 ha rừng sản xuất. Những năm qua thực hiện các chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, như dự án 4304, 327, 661 hàng ngàn ha đất trống đồi núi trọc được phủ xanh, chất lượng rừng không ngừng được nâng cao. Định hướng của Ban quản lý khu BTTN Kẻ Gỗ là nâng độ che phủ lên 85% nhằm đáp ứng mục tiêu bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, như: Gà lôi lam đuôi trắng ( Lophura hatinhensis),Gà lôi lam mào đen ( Lophura imperalis),Mang

lớn, Hổ, Gấu, Sao la, Vượn Má Hung... và các loài động, thực vật khác; tạo nguồn sinh thuỷ, điều tiết nguồn nước cho công trình thuỷ lợi Kẻ Gỗ, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho nhân dân 2 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Thành phố Hà Tĩnh; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân lao động trong vùng.

Về tình hình giao khoán đất, rừng, do đặc thù của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, cách xa vùng dân cư và cũng cần hạn chế dân cư sống trong rừng, nên việc giao khoán diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng cho các hộ trên địa bàn theo Nghị định 01 rất khó thực hiện. ở đây chủ yếu giao khoán cho hộ công nhân trong đơn vị và khoán theo công việc hàng năm, dựa trên chỉ tiêu kế hoạch hàng năm Nhà nước giao. Đơn vị chỉ giao khoán đất rừng sản xuất theo Nghị định 135 của Chính phủ cho các hộ công nhân và hộ dân sống cận rừng.

- Diện tích giao khoán hộ theo nguồn vốn DA 661 năm 2007:

Gồm: + Đất có rừng (chăm sóc+bảo vệ): 6.191,5 ha + Đất trống (khoanh nuôi+ trồng rừng): 3.715,0 ha

- Diện tích đất rừng sản xuất giao khoán cho các hộ theo Nghị định 135 của Chính phủ: 512,65 ha với số hộ và nhóm hộ nhận giao khoán là 89 hộ [1].

Kết quả điều tra cho thấy, hiện nay việc khai thác LSNG của người dân không chỉ diễn ra ở rừng được giao, khoán cho hộ gia đình quản lý bảo vệ mà còn diễn ra cả tại vùng cấm của khu bảo tồn. Theo số liệu tổng kết của Ban quản lý khu BTTN Kẻ Gỗ (11/2007) về hiện trạng khai thác LSNG cụ thể như sau: Hầu hết LSNG được khai thác từ rừng được giao khoán và bảo vệ (vùng đệm), khoảng 85-90%, một phần nhỏ (khoảng 10-15%) được khai thác trong các khu rừng cấm của khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Thực tế khi điều tra phỏng vấn từ người dân thì thấy người ta lẻn vào những khu rừng cấm của khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ để khai thác LSNG là vì trong đó trữ lượng LSNG còn nhiều.

Như vậy, áp lực về nhu cầu khai thác LSNG ngày càng lớn. Theo chúng tôi thì rất cần một chính sách hợp lí cho phép khai thác một số LSNG với những biện pháp quản lý hợp lý, có sự tham gia của người dân, các tổ chức và chính quyền địa phương, để làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân địa phương và giảm sức

ép lên các nguồn tài nguyên gỗ và động vật hoang dã trong khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Chính sách này cần thực hiện ở những nơi mà đời sống của người dân còn phụ thuộc quá nhiều vào rừng và nên có sự hướng dẫn cho họ về cách thức khai thác hợp lí, cách sơ chế để giữ chất lượng, cung cấp thông tin giá cả thực tế trên thị trường, nhằm tránh phụ thuộc hoàn toàn vào người thu mua.

* Việc quản lý LSNG của tổ chức kiểm lâm

Chi cục kiểm lâm là cơ quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát và thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Đối với LSNG, lực lượng kiểm lâm có vai trò kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm các quy định và xử lí theo đúng các quy định về quản lý lâm sản hiện hành. Việc báo cáo tình hình khai thác do các cơ quan là chủ rừng trực thuộc tỉnh, UBND các xã và phòng NN & PTNT huyện báo cáo lên sở NN & PTNT, sau đó kết quả này được tổng hợp báo cáo lên Bộ NN & PTNT (QĐ 04).

Thực tiễn trên địa bàn thì công tác quản lý về LSNG của các đơn vị kiểm lâm còn chưa được quan tâm. Hầu hết họ chỉ quan tâm đến các đối tượng gỗ và động vật hoang dã, còn LSNG họ chỉ quan tâm khi bị khai thác với trữ lượng lớn và tập trung.

* Công tác quản lý LSNG của chính quyền địa phương các cấp

Theo quyết định 245/1998/QĐ-TTg về việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp đối với rừng và đất lâm nghiệp đã nêu rõ vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo vệ, phát triển và khai thác sử dụng rừng và đất rừng của địa phương mình trước Thủ tướng Chính phủ. UBND các cấp huyện, xã có nhiệm vụ thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc bảo vệ và phát triển rừng và đất lâm nghiệp; tranh thủ sự hỗ trợ và phối kết hợp thực hiện cùng các phòng ban trực thuộc trên địa bàn. Nhìn chung việc quản lý LSNG của chính quyền đại phương còn lỏng lẻo, không có thống kê, theo dõi đầy đủ và thường lẫn lộn, một số nơi còn quan niệm đó là loại lâm sản phụ nên không được quan tâm quản lý đúng mức.

* Quản lý của lâm trường Cẩm Xuyên

Hiện nay lâm trường Cẩm Xuyên đang quản lý 8229 ha, nhưng mới thực hiện công tác sản xuất kinh doanh gần 5000 ha, diện tích còn lại lâm trường đang giao

khoán cho người dân trồng và bảo vệ rừng theo Chương trình PAM, Chương trình 327. Các hình thức khoán đang áp dụng như sau:

- Khoán cho hộ gia đình từ khâu chuẩn bị đất và trồng rừng, sau 3 năm lâm trường thực hiện nghiệm thu, có thể khoán tiếp cho hộ đó bảo vệ hoặc khoán hộ khác, vì mỗi hộ lâm trường chỉ giao khoán trồng từ 1 - 3 ha, nếu hộ đó tiếp tục bảo vệ thì diện tích quá ít, tiền công không đáng kể, nên lâm trường chỉ hợp đồng giao khoán bảo vệ cho một số hộ, đảm bảo mỗi hộ bảo vệ từ 50 ha trở lên.

- Lâm trường thực hiện khoán theo Nghị định 01/CP (1995): đã khoán cho 199 hộ gia đình với 2877 ha với thời hạn 50 năm, trong đó 1900 ha là rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ. Tuy nhiên, hàng năm hộ gia đình vẫn phải ký hợp đồng. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, suất đầu tư và tiền công khoán lâm trường đã thực hiện đúng theo quy định tại Quyết định 661/TTg ngày 29/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Cụ thể tiền công trồng rừng là 1,7 triệu đồng/ha, bảo vệ rừng là 50000 đ/ha. - Khoán cho mỗi hộ từ 1 - 2 ha rừng Thông để trích nhựa theo nguyên tắc khoán lâu dài, nhưng phải ký hợp đồng từng năm. Lâm trường quy định mức sản lượng nhựa cho 1ha, nếu gia đình nào không đảm bảo sản lượng khoán thì tiền công sẽ giảm xuống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy hoạch phát triển tài nguyên lâm sản ngoài gỗ tại vùng đệm khu bảo tồn nhiên nhiên kẻ gõ hà tĩnh​ (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)