IV Nhóm nhựa, tinh dầu, cây cảnh,…
a) Sơ lược về cây Sa nhân
Sa nhân là cây thân thảo lâu năm, rễ mọc ngang dưới lớp đất mỏng, cây cao 1,5-3m, chịu bóng ưa ẩm, thường sống dưới tán rừng và chịu ảnh hưởng trực tiếp của tiểu khí hậu rừng. Sa nhân có biên độ sinh thái rộng, nên có thể trồng được ở nhiều nơi, từ vùng núi cao xuống đến vùng trung du và thậm chí cả ở đồng bằng. Tuy nhiên, nơi trồng thích hợp nhất là ở vùng rừng đồi núi, cao dưới 800m so với mặt nước biển, lượng mưa trung bình năm 1000-3000mm. Thích hợp đất xốp, còn tính chất đất rừng, ẩm mát, dưới độ tàn che 0,5-0,6 của tầng cây rừng [14].
Từ lâu, nhân dân ta đã biết dùng Sa nhân làm thuốc chữa bệnh. Hoa và hạt Sa nhân có thể điều trị các chứng ăn uống không tiêu, đầy bụng, đau bụng do lạnh, nôn mữa, kiết lị, đi tả, phụ nữa có thai, đau bụng ra máu,… Ngoài ra, dùng Sa nhân kết hợp với cây gia củ gấu, ích mẫu, ngãi cứu làm thuốc an thai.
Ngày nay, Sa nhân còn được chiết xuất lấy dầu để làm hương liệu trong công nghệ chế biến thực phẩm và mỹ phẩm rất có giá trị.
Sa nhân là loại dược liệu quý, lại có giá trị kinh tế cao. Hiện nay trên thị trường, giá một kilôgam quả khô vào khoảng 90 - 120 nghìn đồng. Đây còn là loại dược liệu hiện đang được xuất khẩu sang nhiều thị trường các nước trên thế giới và có xu hướng nhu cầu ngày một tăng (Thông tin khoa học kỹ thuật, Bộ NN & PTNT, 2006).
ở Việt Nam, trong những năm gần đây, Sa nhân đã được xuất khẩu ra nước ngoài với sản lượng 1000 tấn/ năm, với giá trị xuất khẩu khoảng 8 triệu USD/ năm
(niên giám thống kê 2003). Nó đã trở thành nguồn thu nhập quan trọng của nhiều hộ gia đình ở các tỉnh miền núi Việt Nam.
Nhân dân ta từ lâu đời đã khai thác Sa nhân trong rừng tự nhiên, những năm gần đây, do trự lượng bị giảm sút nhiều nên nhiều địa phương đã gây trồng Sa nhân dưới tán rừng cho kết quả tốt như ở Mai Châu (Hoà Bình), Mộc Châu (Sơn La), Nghĩa Đàn (Nghệ An), Sơn Hoà (Phú Yên),… Hiện nay ở các khu rừng bảo tồn như vườn quốc gia Ba Vì, Tam Đảo, Ba Bể,… cây Sa nhân đang được phục hồi nhanh chóng, có triển vọng thu hoạch quả tốt [31].
Mô hình ở Hoà Bình là trồng Trẩu, Xoan, dưới tán trồng Sa nhân. Một ha trồng 10000 bụi, sau 3 năm mỗi bụi cho trên dưới 1 kg quả tươi (2-3 lạng quả khô). Giá bán trên 100 nghìn đồng/ kg quả khô, hay trên 100 triệu đồng/ tấn. Sa nhân cho khai thác 7-8 năm mới phải thay thế (Thông tin khoa học kỹ thuật, Bộ NN & PTNT, 2006).
Tại địa bàn nghiên cứu, năm 2002, Dự án LSNG đã hỗ trợ cho một số hộ ở ba xã Cẩm Mỹ, Cẩm Sơn, Cẩm Hưng xây dựng mô hình trồng Sa nhân dưới tán vườn cây ăn quả, cây công nghiệp và dưới tán rừng trồng. Bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cây Sa nhân sau hai năm trồng dưới tán rừng trồng đã ra hoa và đã cho thu hoạch một sản lượng nhất định, khoảng 35-40kg quả khô/ ha, sau năm thứ ba, thứ tư thì sản lượng tăng và ổn định hơn, khoảng 100-150 kg quả khô/ ha (điều tra thực địa và phỏng vấn người dân). Giá bán hiện tại trên địa bàn nghiên cứu 90 - 130 nghìn đồng trên một kilôgam quả khô. Hiện nay, nhiều người dân ở khu vực nghiên cứu thấy mô hình này hiệu quả nên cũng đã và đang tiến hành gây trồng và phát triển loài Sa nhân này dưới tán vườn cây ăn quả, dưới tán rừng trồng của họ nhằm nâng cao thu nhập từ đất rừng đã được giao.