Ảnh hưởng của chất lượng tài sản và mức độ đa dạng hóa thu nhập đến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 67 - 70)

nhập đến khả năng sinh lời

Trong các biến kiểm soát, mức độ đa dạng hóa thu nhập có ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh lời trong khi chất lượng tài sản kém với tỷ lệ nợ xấu cao làm giảm lợi nhuận của các NHTM Việt Nam. Về tình hình kinh tế vĩ mô, mức độ lạm phát cao và không ổn định ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh lời của các NHTM trong giai đoạn nghiên cứu.

Kết quả tương quan dương giữa mức độ đa dạng hóa thu nhập và khả năng sinh lời như kỳ vọng với ý nghĩa thống kê quan trọng. Các NHTM có khả năng cung cấp những sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hiện đại dựa trên tiến bộ công nghệ sẽ đạt được khả năng sinh lời và lợi thế cạnh tranh hơn các ngân hàng khác. Dịch vụ ngân hàng mang lại lợi nhuận cho ngân hàng thông qua thu phí dịch vụ, đây là nguồn thu ổn định và an toàn của ngân hàng. Đa dạng các loại hình dịch vụ giúp ngân hàng hạn chế rủi ro, đa dạng hóa nguồn thu. Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ ngân hàng mang tính bổ trợ cao, mỗi sản phẩm ra đời dựa trên sự phát triển của dịch vụ truyền thống và kéo theo sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ mới. Dịch vụ ngân hàng phát triển giúp cho hoạt động huy động vốn và đầu tư cũng phát triển theo từ đó gia tăng khả năng sinh lời của ngân hàng. Ngân hàng có thể triển khai các chương trình quảng bá về sản phẩm thanh toán, đẩy mạnh công tác tiếp thị sản phẩm tại quầy giao dịch khách hàng với các giao dịch viên giao tiếp văn minh, lịch sự, biết khai thác nhu cầu của khách hàng để cung ứng dịch vụ một cách tốt nhất. Có thể áp dụng chiến lược giám sát tỷ lệ “Khách hàng với 4 sản phẩm”, “Khách hàng với 8 sản phẩm” như tại Úc (KPMG, 2013). Khách hàng có thể thỏa mãn tất cả các nhu cầu của mình thông qua một ngân hàng và tại một địa điểm.

Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao có khả năng sinh lời thấp, cho thấy các quy định nên tập trung nhiều hơn vào công tác thẩm định tín dụng, giảm thiểu nợ xấu nhằm nâng cao khả năng sinh lời của NHTM. Tỷ lệ nợ xấu được công bố chính thức có chiều hướng tăng dần kể từ năm 2009 đến nay và ở mức 3,2% cuối năm 2013. Các tổ chức xếp hạng độc lập cho rằng nợ xấu thực tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể cao gấp 3 – 4 lần con số được công bố và ít nhất là 15% (theo công bố của Moody’s và Fitch Rating), khi đó nếu trích lập dự phòng đầy đủ sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các NHTM Việt Nam. Do đó, các ngân hàng cần nhìn nhận thực tế về mức độ nợ xấu, thực hiện đánh giá lại chất lượng tài sản, từ đó đánh giá khả năng thu hồi nợ và giá trị nợ xấu bằng bảng thống kê chi tiết giá trị thị trường của các tài sản đảm bảo và mức lập dự phòng đã trích. Từ đó, ngân hàng áp dụng các biện pháp giải quyết nợ xấu phù hợp với từng nhóm nợ như bán

nợ xấu có tài sản đảm bảo cho công ty mua bán nợ, thanh lý tài sản theo phương thức bán đấu giá, sử dụng nguồn quỹ dự phòng rủi ro để xóa nợ. Về chiến lược dài hạn, các ngân hàng cần xây dựng những biện pháp phòng ngừa nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản. Các ngân hàng cần xây dựng cơ chế quản lý và hoạt động phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, xây dựng quy trình tín dụng hiện đại và sổ tay tín dụng. Đặc biệt, các ngân hàng cần xây dựng HTXHTD nội bộ hiệu quả vì hệ thống XHTD là nền tảng để triển khai các công cụ, chính sách quản lý rủi ro tín dụng. Từ đó, các ngân hàng có cơ sở cải thiện tính chính xác và hiệu lực của việc ra quyết định cấp tín dụng, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm bớt sự can thiệp định tính của con người, bảo đảm chức năng cấp tín dụng được quản lý phù hợp, các tài sản có rủi ro tín dụng nằm trong giới hạn, thống nhất với các tiêu chuẩn thận trọng, và khả năng phát hiện sớm các khoản tín dụng xấu. Các ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng với chất lượng cao nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho ngân hàng.

Về vĩ mô, mức lạm phát cao và không ổn định trong giai đoạn nghiên cứu có tác động tiêu cực đến suất sinh lời trên tài sản của các NHTM Việt Nam. Trước tình hình lạm phát ở mức cao năm 2008, NHNN đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt trong sáu tháng đầu năm. Lãi suất cơ bản tăng dần từ 8,75% lên 14%. Lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn cũng đạt đỉnh lần lượt ở mức 15% và 13%. Hệ quả là lãi suất huy động đạt đỉnh ở mức 20% và lãi suất cho vay lên tới 24%. Tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ không thể kéo dài trước nguy cơ kinh tế suy thoái do chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa đã gây ra một đợt bùng nổ tín dụng mới vào năm 2009– 2010, dẫn đến một đợt thắt chặt chính sách và tính dụng giảm mạnh trong năm 2011 và tiếp tục giảm trong năm 2012 gây khó khăn cho hoạt động của các NHTM. Vì vậy, NHNN nên thực hiện điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ theo hướng bảo đảm thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định lạm phát, giảm dần lãi suất phù hợp điều kiện kinh tế vĩ mô, giảm thiểu rủi ro thị trường cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tổ chức tín dụng tăng trưởng phù hợp với khả năng thực tế.

Trong quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy vấn đề công bố thông tin và chuẩn hóa thông tin của các NHTM Việt Nam còn nhiều hạn chế. Một số NHTM không công bố thông tin BCTC hoặc thông tin về thuyết minh BCTC. Trong khi, các quy định theo trụ cột thứ 2 và thứ 3 về giám sát và công bố thông tin theo nguyên tắc thị trường ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng cả về mặt chi phí và lợi nhuận. Công bố thông tin chính xác và đúng hạn giúp các bên liên quan (nhà đầu tư, cổ đông, nhà nghiên cứu…) giám sát và nhà nước có những can thiệp kịp thời nếu cần. Ngược lại, nhà nước có thể đưa ra các yêu cầu buộc các ngân hàng công khai thông tin giúp nâng cao vai trò giám sát của các bên liên quan (Pasiouras và các cộng sự, 2008).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)