- Dân tộc: Yên Lập có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó chiếm đa số là các dân tộc: Kinh, Mường, Dao...Với tập quán truyền thống là sản xuất lúa nước, chăn nuôi kết hợp với trồng rừng.
- Dân số: Tổng dân số toàn huyện là 81.512 người, trong đó nữ chiếm 50,4% (41.112 người), nam chiếm 49,6% (40.400 người).
Mật độ dân số trung bình 186,2 người/km2, nhưng phân bố không đồng đều giữa các vùng nông thôn và thị trấn; một số xã vùng cao, địa bàn lâm nghiệp có mật độ dân số tương đối thấp (Trung Sơn: 48 người/km2).
- Lao động: Tổng số lao động có 50.537 người, chiếm 62 % tổng dân số. Trong đó lao động nông - lâm nghiệp chiếm 77% tổng số lao động, lao động phi nông nghiệp chiếm khoảng 23% tổng số lao động.
- Giao thông: Yên Lập có mạng lưới giao thông phát triển, chủ yếu là đường bộ; toàn huyện có 820 km đường giao thông các loại; trong đó có 55 km đường Quốc lộ 70B đi qua; tỉnh lộ có 71 km với 06 tuyến đường là các tuyến đường ĐT313, ĐT313B, ĐT321, ĐT321B, ĐT313D và ĐT321C, huyện lộ 32 km, còn lại 647 km là đường liên thôn, liên xã. Đến nay, có 17/17 xã, thị trấn có đường giao thông đến trung tâm xã, tạo thành mạng lưới giao thông phân bố tương đối đều và nối liền trung tâm huyện lỵ với các trung tâm kinh tế của huyện.
Nhìn chung, hệ thống giao thông của Yên Lập khá phát triển và phân bố đồng đều. Tuy nhiên, một số tuyến đường ở cấp thấp, chất lượng đường chưa cao, đặc biệt là các tuyến đường liên xã, liên thôn cần được đầu tư nâng cấp thì mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới.
- Các công trình hạ tầng nông nghiệp: Toàn huyện có 19 hồ chứa nước lớn, với năng lực tưới cho khoảng 650 ha, diện tích còn lại nhờ các hồ đập nhỏ và nước mưa. Hệ thống kênh mương dẫn nước, mương nổi, phai đập tự chảy...trong những năm gần đây đã được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng phần nào nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nước còn thấp, cần được đầu tư hơn nữa.
- Điện - nước: theo số liệu thống kê, Yên Lập đã hoàn thành việc cung cấp điện cho 100% số xã. Các hộ gia đình đều dùng điện lưới quốc gia. Ngoài ra, một bộ phận nhân dân tận dụng nguồn nước tự nhiên tại các khe suối để chạy máy phát điện nhỏ phục vụ sinh hoạt và cuộc sống.
- Công tác Văn hóa, giáo dục, y tế:
+ Hệ thống thông tin liên lạc thông suốt; các xã, thị trấn trong huyện đều có điểm bưu điện văn hoá xã; mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước và của địa phương được cập nhật tới người dân một cách kịp thời và nhanh chóng.
+ Hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên các cấp được Nhà nước quan tâm, đầu tư hàng năm, toàn huyện đã phổ cập giáo dục tiểu học – xoá mù chữ; góp phần quan trọng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho mai sau. Tuy nhiên, cuộc sống của đội ngũ giáo viên, nhất là bậc học mần non còn gặp nhiều khó khăn.
+ Công tác y tế từ huyện tới các cơ sở được củng cố và hoạt động ổn định có hiệu quả, 17 xã đều có trạm y tế xã; đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giường bệnh, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh...vẫn chưa được khắc phục.