Tại Khu BTTN Tây Yên Tử đã phát hiện được 386 loài cây gỗ thuộc 213 chi và 71 họ của 2 ngành thực vật. Trong số này có thể sử dụng vào 13 nhóm công dụng khác nhau và tỷ lệ số loài cây gỗ có ích tại đây được thể hiện qua bảng 4.10.
Bảng 4.10: Tổng hợp các nhóm công dụng của cây gỗ ở khu BTTN Tây Yên Tử
TT Nhóm công dụng Kí hiệu Số loài Tỷ lệ (%)
1 Cho gỗ G 336 87,04
2 Cho thuốc T 108 27,98
3 Cho quả Q 46 11,91
4 Làm cảnh và bóng mát C 26 6,74
5 Cho nhựa N 21 5,44
6 Cho rau ăn R 19 4,92
7 Cho tannin Tn 16 4,14
8 Cho tinh dầu Td 10 2,59
9 Cho sợi S 9 2,33
10 Cho màu M 8 2,07
11 Cho dầu béo D 6 1,55
12 Cho tinh bột B 6 1,55
Qua bảng 4.10 ta có thể thấy tỷ lệ phần trăm các loài cây gỗ ở mỗi nhóm công dụng là không đều nhau, cụ thể là:
Nhóm cây cho gỗ (G): Ở Việt Nam, tài nguyên cây gỗ lớn nhất tập trung vào hai ngành thực vật tiến hóa nhất đó là ngành thực vật Hạt trần (còn gọi là Ngành Thông: Pinophyta) và ngành thực vật Hạt kín (còn gọi là Ngành Ngọc lan: Magnoliophyta) hiện nay chúng chiếm hầu hết các diện tích đất rừng tự nhiên và rừng trồng. Tại khu vực nghiên cứu có 336 loài cây cho gỗ, chiếm 87,04 % tổng số loài cây gỗ của toàn bộ khu vực nghiên cứu. Đây là nhóm có số lượng loài cao nhất. So với các khu vực khác trong nước thì tỷ lệ này là khá cao. Các loài cây lấy gỗ có giá trị như: Lim xanh, Sến mật, Táu mật, Sao Hòn Gai, Gụ lau, Vù hương, Lim xẹt, Gội tẻ, Trâm các loại, Kim giao, Thông tre lá ngắn, Trầm hương, Dẻ các loại, Re, Giổi, Lát hoa, Gội nếp, Hà nu, Chẹo tía, Ngát, ...
Nhóm cây cho thuốc (T): Các bài thuốc dân gian thường sử dụng vỏ rễ, vỏ thân, cành, lá, hoa quả cây gỗ đã có lịch sử sử dụng lâu đời, do đó, việc thống kê cho hết các cây gỗ làm thuốc còn nhiều khó khăn. Theo Võ Văn Chi (1996), số loài cây có thể dùng làm thuốc ở Việt Nam là khoảng 3.200 loài. Tại khu vực nghiên cứu, tôi đã thống kê được 108 loài cây thân gỗ có công dụng này, chiếm 27,98 % tổng số loài cây thân gỗ trong khu vực nghiên cứu và chiếm 3,38 % số loài cây có thể dùng làm thuốc ở Việt Nam. Con số này là tương đối cao. Một số loài tiêu biểu như : Sến mật, Bách bệnh (bền bệt), Kim giao, Đáng, Chân chim núi, Muồng lá khế, Trà hoa vàng, Vả, Sung, Ngái, Thàn mát, Bạch chỉ nam, Chò nhai, …
Nhóm cây cho quả (Q): nhóm này bao gồm những cây có quả ăn được. Qua kết quả điều tra đã thống kê được 46 loài thuộc nhóm công dụng này, chiếm 11,91% tổng số loài cây gỗ trong khu vực nghiên cứu. Một số loài tiêu biểu như: Trám, Sấu, Tai chua, Dâu da, Xoài, Muỗm, Vả, Mùng quân rừng, Dẻ an quả, ...
Nhóm cây làm cảnh và bóng mát (C): Đây là những cây có giá trị thẩm mỹ cao như dáng đẹp, màu sắc tao nhã, có thể gây ấn tượng khi nhìn. Theo kết quả thống kê có 26 loài, chiếm 6,74% tổng số loài. Một số loài làm cảnh tiêu biểu như: Đa các loại, Lộc vừng, Nhội, Đại, Sữa, Thông tre lá ngắn, Vàng anh, Kim giao, ...
Nhóm cây cho tinh dầu (Td): có 10 loài, chiếm 2,59% tổng số loài cây gỗ tại khu vực nghiên cứu. Các loài điển hình thuộc nhóm này như: Re bầu, Re hương, Vù Hương, Màng tang, Giổi nhung lá mỡ, Thông, Sau sau, Sẻn gai, Trầm hương, ...
Nhóm cây cho nhựa (N): có 21 loài, chiếm 5,44% tổng số loài cây gỗ trong khu vực nghiên cứu. Các loài cho nhựa điển hình như: Trám, Sơn ta, Đa, Si, Sữa, Ngõa lông, Đa nhộng vàng, Sau sau, ...
Nhóm cây cho Tanin (Tn): có 16 loài, chiếm 4,14% tổng số loài trong khu vực nghiên cứu. Một số loài điển hình thuộc nhóm này đó là: Trâm tía, Trâm vối, Trâm trăng, Vối, Thanh hao, Sắn thuyền, Nhựa ruồi, …….
Nhóm cây cho dầu béo (D): có 6 loài, chiếm 1,55% tổng số loài trong khu vực nghiên cứu. Một số loài điển hình như: Dầu mè, Tai chua, Bã đậu, Trẩu 5 hạt, Trẩu lá xẻ, Chò đãi, Trám đen, ...
Nhóm cây cho màu (M): trong khu vực nghiên cứu có 8 loài cây gỗ cho công dụng này, chiếm 2,07% tổng số loài trong khu vực nghiên cứu. Một số loài điển hình như: Thanh thất, Lim xẹt, Thừng mực mỡ, ...
Nhóm cây cho sợi (S): có 9 loài cây gỗ cho công dụng này, chiếm 2,33% tổng số loài cây gỗ tại đây. Một số loài tiêu biểu như: Trầm, Dó, Dướng, Hu đay, Sui, Mang lá mác, Sảng nhung, ...
Nhóm cây cho rau ăn (R): có 19 loài, chiếm 4,92% tổng số loài. Một số loài điển hình như: Lộc vừng, Chân chim, Lộc mại, Sung, Sấu, ....
Nhóm cây cho nguyên liệu (Nl): có 3 loài, chiếm 0,78% tổng số loài. Một số loài điển hình như: Keo tai tượng, Keo lá tràm, ...
Nhóm cây cho tinh bột (B): Ngoài các công dụng trên, các cây gỗ còn có thể cho các sản phẩm làm chất dinh dưỡng cho con người như cho bột, cho đường, ... Trong khu vực nghiên cứu có 6 loài cây gỗ cho tinh bột, chiếm 1,55% tổng số loài. Các quả, hạt của các loài trong họ Dẻ (Fagaceae).
Ngoài những nhóm công dụng kể trên thì cũng có nhiều loài cây gỗ đa công dụng như: Sến mật, Trám, Sấu, Bứa, Đa, Si, Trầm hương, Vù hương, Tô mộc, Dướng, ...