Sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở Việt Nam

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 34 - 41)

Phật giáo đã có lịch sử hơn 2500 năm, ở mỗi nước khi được du nhập vào Phật giáo lại có sự cải biến cho phù hợp với tập tục của từng địa phương, từng dân tộc và mang những sắc thái khác nhau. Trong quá trình phát triển của mình, Phật giáo đã có sự hòa quyện và góp phần hình thành văn hóa, đạo đức và phong tục tập quán… của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, do có vị trí địa lý thuận lợi. Nhà nghiên cứu Phật học Minh Chi cho rằng: Việt Nam ngay từ thời rất xa xưa đã được các cao tăng Ấn Độ đến truyền giáo trực tiếp và thời điểm đó có thể là xưa hơn thời điểm Phật giáo vào miền nam Trung Hoa khá nhiều. Phật giáo vào Việt Nam bằng hai con đường chủ yếu đó là đường bộ từ phía Bắc xuống mang tư tưởng Đại Thừa hay còn gọi là Phật giáo Đại Thừa, Phật giáo Bắc Tông) và đường biển (từ phía Nam lên mang tư tưởng Tiểu thừa hay còn gọi là Phật giáo Tiểu Thừa hay Phật giáo Nam Tông). Thời kỳ đầu truyền bá Phật giáo vào Việt Nam chủ yếu trực tiếp từ Ấn Độ. Trong các nhà truyền

giáo đầu tiên đến Việt Nam tiêu biểu một số tăng sĩ như: Maha kì vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương và một số nhà sư Trung Quốc là: Mâu Bác (Mâu Tử), Du Pháp Lan, Du Đạo Toái, Đàm Hoằng... [7,tr.58]

Không bao lâu sau khi Phật giáo truyền vào nước ta, nhờ sự nỗ lực của các nhà truyên giáo, Luy Lâu thủ phủ của Giao Chỉ lúc bấy giờ đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn. Luy Lâu là nơi có nhiều đường thủy, đường bộ quan trọng của Việt Nam lúc bấy giờ. Với vị trí giao thông thuận lợi như vậy đã khiến Luy Lâu trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa sầm uất. Chính nơi đây đã trở thành nơi hội tụ của các luồng văn hóa và rất thuận lợi cho việc truyền đạo Phật vào Việt Nam. Tuy nhiên, Phật giáo Luy Lâu không giống hoàn toàn Phật giáo Ấn Độ. Phật giáo Luy Lâu đã có nhiều biến đổi nhằm thích nghi với phong tục tập quán cùng như điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam vào lúc bấy giờ. Trước hết, đó là sự kết hợp hai dòng tín ngưỡng: Tín ngưỡng bản địa và tín ngưỡng Phật giáo Ấn Độ.

Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV là thời điểm cực thịnh của Phật giáo tại Việt Nam. Đỉnh cao là Phật giáo ở thời Lý - Trần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo, mọi người dân đều hướng về Phật Giáo. Đây cũng là thời kỳ Phật giáo thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực mà thời này có sự thống nhất các tông phái đưa đến sự phát triển của phái Thiền Trúc Lâm. Trong thời kỳ này, các vị cao tăng giữ nhiều địa vị quan trọng trong triều đình và đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của đất nước. Nhiều các công trình chùa, tháp với quy mô lớn, kiến trúc độc đáo đã được xây dựng. Sang đến thời Hậu Lê thì Phật giáo bắt đầu suy tàn nhường bước cho Nho giáo. “Nhìn chung Phật giáo thời Lý – Trần đã có bước phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nó là một yếu tố của kiến trúc thượng tầng của xã hội Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, được giai cấp phong kiến Việt Nam sử dụng trong quá trình xây dựng và củng cố địa vị thống trị của mình và đã có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lĩnh vực

của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị và văn hóa…” [54, tr.65 – 66]. Tuy nhiên, do giáo lý mang tính duy tâm chủ quan về mặt nhận thức, nên càng về sau Phật giáo càng tỏ ra kém hiệu lực trong việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống xã hội, đặc biệt là những vấn đề chính trị - xã hội.

Cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, Phật giáo bị hạn chế, suy yếu dần và đi vào dân gian. Từ thế kỷ XV, giai cấp phong kiến Việt Nam suy tôn Nho giáo, lấy đó làm chỗ dựa về tư tưởng, chính trị và đạo đức. Phật giáo cung đình suy tàn dần. Phật giáo dân gian mang yếu tố thần bí. Người Việt đã sáng tạo ra hình ảnh Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay thể hiện ước vọng được cứu vớt. Mặc dù Nho giáo thay thế Phật giáo trên vũ đài chính trị, nhưng Phật giáo vẫn tồn tại cùng Lão giáo hợp thành phức thể “Tam giáo đồng quy” trong đó, mỗi tôn giáo đáp ứng một phương diện của cuộc sống. “Thời kỳ này có hai môn phái Thiền ở Trung Quốc được truyền vào Việt Nam là thiền Tào Động (1570) và thiền Lâm Tế (1712), song đều không gây được nhiều ảnh hưởng đối với Phật giáo Việt Nam.” [54, tr.66]. Nhiều người Việt Nam trong giới thượng lưu từ bỏ Phật giáo. Mặc dù vậy, ở nông thôn, làng xã Việt Nam Phật giáo vẫn được duy trì tồn tại. Vì muốn đưa Nho giáo lên vị trí thống trị, triều đình nhà Lê đã đề ra và thực hiện nhiều chính sách kiềm chế Phật giáo. Phật giáo cung đình không còn tồn tại mà dần dần truyền bá vào dân gian.

Phật giáo lại phát triển dưới thời nhà Mạc thế kỷ XVI, các chùa mới được mọc lên nhiều. Nhiều chùa cũ được xây dựng từ thờ Lý – Trần được trùng tu to đẹp hơn. Thế kỷ XVIII, vua Quang Trung có quan tâm đến việc chấn hưng Phật giáo. Thời kỳ này Phật giáo được coi trọng, được triều đình quan tâm chú ý, thần dân tôn thờ. Vua xuống chiếu chỉnh đốn việc cất chùa, chọn lựa các tăng nhân có đạo đức, có học thức để trông coi chùa, song việc làm này ít thu được kết quả vì vua mất sớm. Ở vùng đồng bằng sông Hồng, làng nào cũng có chùa, làng lớn thì có đến hai ba chùa, các thương nhân Việt

Nam tin vào Phật giáo hơn Nho giáo. Ở Đàng trong, Phật giáo cũng được phổ biến rộng rãi.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX phong trào “chấn hưng Phật giáo” được dấy lên bắt đầu từ các đô thị miền Nam. Sở dĩ có tình trạng này là do sự giao lưu với văn hóa bên ngoài thúc đẩy. Các giáo hội Phật giáo miền Nam, Trung, Bắc ra đời và Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tinh thần con người Việt Nam. Số tín đồ Phật giáo đông đảo hơn so với các tôn giáo khác.

Dưới sự cai trị của nhà Nguyễn (cả trước và sau khi Pháp xâm lược), Phật giáo tiếp tục suy tàn. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, một số nhà tu hành cũng như một số nhân sĩ, trí thức đã đứng ra vận động phong trào “Chấn hưng Phật giáo”. Kể từ đó, Phật giáo có sự khởi sắc. Một bộ phận Phật giáo đi vào hoạt động có tổ chức, một số cơ sở đào tạo tăng tài lần lượt ra đời.

Thực dân Pháp đã tìm nhiều cách để lôi kéo, thao túng một số nhân vật và tổ chức Phật giáo nhằm tạo cơ sở xã hội và chính trị cho chế độ thực dân. Tuy nhiên, mưu toan đó đã không đạt được như mong muốn. Đại bộ phận tăng ni, phật tử vẫn giữ được truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc và ủng hộ Chính phủ kháng chiến, kiến quốc. Nhiều nhà sư tự nguyện đứng vào hàng ngũ anh bộ đội Cụ Hồ, nhiều đại biểu Phật giáo tham gia Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt và nhiều nhà chùa trở thành cơ sở che dấu cán bộ cách mạng.

Từ khi đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp ở miền Nam, Công giáo được nâng đỡ và trở thành chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Dưới sự thống trị hà khắc của bè lũ Mỹ - Diệm, Phật giáo bị chèn ép. Để tự bảo vệ mình, Phật giáo đã xuống đường chống Mỹ - Diệm. Đó là bối cảnh của phong trào Chấn hưng Phật giáo bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX.

Nhìn chung sau năm 1954, Phật giáo ở miền Nam có nhiều diễn biến phức tạp và nổi lên mấy đặc điểm: Thứ nhất, xu hướng hiện đại hóa Phật giáo với việc xây dựng và củng cố các hệ phái cả về tổ chức, đào tạo và cơ sở vật

chất. Thứ hai, xuất hiện nhiều hệ phái Phật giáo và cả sự phân rã của chúng theo nhiều xu hướng chính trị khác nhau.

Vào đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển mạnh trên ba miền, đã tạo lập nên tổng thể Phật giáo Việt Nam hiện đại. Đất nước được giải phóng vào năm 1975, mở ra một kỷ nguyên mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong bối cảnh chính trị này, một cuộc vận động được phát khởi nhằm thống nhất các tổ chức và các hệ phái Phật giáo ở hai miền Nam và Bắc Việt Nam. Từ năm 1945 cho đến trước năm 1981, Tăng ni, Phật tử nước nhà đã khởi xướng và tiến hành 4 cuộc vận động thống nhất Phật giáo (những năm 1951, 1960, 1964, 1980) và đến ngày 7 – 11 - 1981, tại chùa Quán Sứ, với sự hiện diện của 165 vị đại biểu đại diện cho 9 tổ chức hệ phái Phật giáo cả nước, đó là: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam; Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Giáo Hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam; Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; Giáo Hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Hội đoàn sư sãi yêu nước miền Tây nam bộ; Giáo Hội Khất sĩ Việt Nam; Giáo Hội Thiên Thai giáo quán tông; Hội Phật học Việt Nam. Các đại biểu đã nhất trí hợp nhất chín hệ phái vào một với danh xưng là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, trong mái nhà chung của Phật giáo nước nhà. Đây là tổ chức hợp pháp, duy nhất đại diện cho toàn thể Tăng ni và phật tử trong và ngoài nước.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có hai hội đồng là Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự.

Hội đồng chứng minh gồm các vị Hòa thượng tiêu biểu của các hệ phái Phật giáo Việt Nam, có 70 tuổi đời, 50 tuổi đạo trở lên. Hội đồng chứng minh có nhiệm vụ chứng minh các Hội nghị Trung ương và Đại hội Phật giáo Việt Nam; hướng dẫn và giám sát các hoạt động của giáo hội về đạo pháp và giới luật; phê chuẩn và tấn phong chức vị giáo phẩm Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ni trưởng, Ni Sư.

Hội đồng trị sự là cấp điều hành cao nhất của Giáo hội giữa hai kì Đại hội, gồm có 10 ban là: Ban Tăng sự, Ban giáo dục Tăng Ni, Ban hướng dẫn Phật tử, Ban Hoằng Pháp, Ban nghi lễ, Ban văn hóa, Ban kinh tế tài chính, Ban từ thiện xã hội, Ban Phật giáo quốc tế, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam. Ở các tỉnh, thành phố có các ban trị sự, dưới nữa có các Ban đại diện Phật giáo quận, huyện, thị.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lãnh đạo và tổ chức tất cả các hoạt động Phật sự của khoảng 30.000 Tăng ni trong 15.000 tự Viện và 40 triệu Phật tử trong toàn nước. Bên cạnh Giáo hội trung ương, có 44 tỉnh, thành hội Phật giáo. Phật giáo, trước năm 1975 chỉ có một trường Đại học thì nay số trường, lớp tăng dần hàng năm. Năm 1993 có 22 trường thì đến năm 2001 có 34 trường. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có 4 Học viện Phật học với trên 1.000 tăng, ni sinh; 35 lớp Cao đẳng và Trung cấp Phật học với trên 5.000 tăng, ni sinh; 1.076 cơ sở từ thiện và nhân đạo, trong đó có 950 lớp học tình thương, xây dựng 25 bệnh viện miễn phí, 655 phòng phát thuốc, 196 lớp học tình thương cho trẻ em đường phố, 116 nhà từ thiện. Phật giáo Nam tông Khơ me có 2.500 các vị sư theo các lớp Cao cấp và Trung cấp Phật học Pali. Đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo đang mở rộng theo hướng rút ngắn thời gian chiêu sinh, tăng số lượng, mở rộng loại hình đào tạo. Học viện Phật giáo Hà Nội tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2. Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khơ me tại Cần Thơ sau khi được cấp đất xây dựng mới đang tiếp tục hoàn tất thủ tục để triển khai xây dựng. Hơn 100 Tăng ni sinh tốt nghiệp đang du học tại các đại học nổi tiếng ở nước ngoài. Viện nghiên cứu Phật họcViệt Nam đã tập hợp, dịch thuật và xuất bản hơn 27 tập kinh Pàli, và Hán ngữ nhằm hình thành một bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam cho Tăng ni Phật tử và các nhà Phật học Việt Nam. Số sách báo Phật giáo đủ loại cứ tăng dần mỗi năm…[ số liệu tham khảo trên trang phatgiao.org.vn].

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, Phật giáo Việt Nam có sự chuyển mình về các phương diện như: gia tăng số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở tự viện và cơ sở đào tạo; gia tăng các hoạt động hoằng dương đạo pháp; và đặc biệt là gia tăng các hoạt động đối ngoại quốc tế của Giáo hội Việt Nam.

Phật giáo đã gắn bó, gần gũi với người dân Việt Nam trong suốt hơn 20 thế kỷ qua; những tư tưởng sâu sắc của nó được coi như sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hình thành nền văn hóa, đời sống dân tộc. Phải khẳng định rằng Phật giáo rất gần gũi, thân thiết với nhiều người dân Việt Nam. Qua đây, ta có thể thấy rằng sự khác biệt của Nho giáo và Phật giáo trong quá trình ảnh hưởng đến đời sống người Việt là ở chỗ: Nho giáo là ý thức hệ tư tưởng của giai cấp thống trị - giai cấp phong kiến Trung Quốc là một học thuyết chính trị - xã hội – triết học với hệ thống “tam cương”, “ngũ thường”. Nho giáo phải thông qua học vấn, giáo dục nhà trường, thông qua các thiết chế xã hội để đi vào đời sống con người, chủ trương tổ chức và xây dựng mọt xã hội cụ thể. Còn Phật giáo thông qua sinh hoạt tôn giáo trong giới Tăng ni, Phật tử và trong cả

những sinh hoạt gia đình của con người Việt Nam. Đó là “nhờ biết ứng dụng phương tiện một cách linh động toàn hảo, trải qua bao thăng trần thay đổi của lịch sử, Phật giáo Việt Nam vẫn tồn tạo sáng ngời với thời gian” [81,tr.139]

Như vậy, có thể thấy rằng Phật giáo dược du nhập vào Việt Nam từ rất sớm do có vị trí địa lý thuận lợi giáp với biển Đông và có đường bờ biển dài nằm trên con đường thủy thông thương giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, giữa hai cái nôi của nền văn minh lớn ở phương Đông là Trung Hoa và Ấn Độ, là nơi xuất phát về phía Nam có nhiều nhà buôn sứ giả Trung Hoa. Trải qua nhiều lần gạn lọc và sự đào thải của lịch sử, Phật giáo tại Việt Nam đã mang màu sắc bản địa rõ nét. Những ảnh hưởng tích cực cũng như những hạn chế của Phật giáo đã tác động khá rõ nét trong lối sống của người Việt Nam, góp phần tạo nên tính cách người Việt Nam trong lịch sử và hiện tại.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w