Một số ảnh hưởng tiêu cực

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 76 - 80)

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực thì Phật giáo cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến cách thức lao động sản xuất và tổ chức cuộc sống của người Việt Nam.

Một là, nét đặc trưng của kinh tế nông thôn Việt Nam đó là kinh tế tiểu nông, manh mún. Ruộng đất bị chia năm, xẻ bảy, ít gia đình nào có thể tập trung ruộng đất để quy hoạch sản xuất. Vấn đề phân chia ruộng đất này không chỉ xảy ra trong quá khứ mà hiện nay vẫn còn đang tồn tại ở nhiều địa phương. Hiện nay, ở một số địa phương đã xuất hiện quá trình các hộ nông dân thỏa thuận bán ruộng đất cho nhau theo hợp đồng dài hạn hoặc đổi ruộng cho nhau để có thể tập trung sản xuất. Điều này giải phóng và tạo vốn cho các gia đình muốn bỏ sản xuất nông nghiệp để chuyển sang kinh doanh các ngành nghề khác, đồng thời tạo điều kiện quy hoạch phát triển sản xuất tập trung cho một số hộ nông dân. Hiện tượng ruộng đất manh mún là sự phản ánh tư tưởng bình quân chủ nghĩa và tính cộng đồng khép kín của người Việt. Qua đó cho thấy tính ôn hòa, ít cạnh tranh và tư tưởng bình quân của Phật giáo ít nhiều được hiện ra. Giống như tư tưởng hài hòa của Phật giáo, người nông dân Việt Nam thường không muốn ai nghèo hơn mình cũng không muốn ai giàu hơn mình.

Hai là, theo quan điểm của Phật giáo thì thực phẩm cần thiết phải được sản xuất ngay trong nước để tránh tình trạng thiếu hụt lương thực gây bất ổn xã hội. Hoạt động kinh tế ở nông thôn Việt Nam chủ yếu là tự cung tự cấp, nền kinh tế khép kín, năng lực dư thừa, thị trường khó phát triển. Mỗi làng tự đáp ứng nhu cầu cho cuộc sống của mình; mỗi nhà có vườn rau, chuồng gà, ao cá, tự đảm bảo mọi nhu cầu về ăn, có bụi tre, gốc mít... tự đảm bảo nhu cầu về ở. Khuôn viên kinh tế hộ gia đình có nhiều nét giống như kinh tế tư viện thời xưa. Ngôi chùa với kinh tế hộ gia đình có nhiều nét tương đồng.

Như vậy, cách thức lao động và tổ chức cuộc sống của người Việt ở vùng Bắc Bộ đã phản ánh tâm lý tiểu nông, nền kinh tế tự cung, tự cấp và trong đó có sự ảnh hưởng nhất định của quan niệm Phật giáo. Bên cạnh đó, một ảnh hưởng tiêu cực của Phật giáo trong cách thức lao động và tổ chức

cuộc sống nữa là ảnh hưởng của tính an phận thủ thường của giáo lý nhà Phật. Phật giáo nhìn cuộc đời là bể khổ vô tận. Quan niệm đó có ảnh hưởng nhất định đến cách nhìn cuộc đời và cách thức tổ chức cuộc sống của người Việt. Một bộ phận không nhỏ người Việt tin rằng, cuộc đời là thoáng qua, phù hoa, giả tạo nên không muốn dấn thân, không muốn đua chen. Ở các vùng Phật giáo trọng điểm, đa phần các tín đồ đều cảm thấy luôn tự hài lòng với những gì mình có, an phận với cuộc sống thanh đạm, nhàn nhã. Nó làm cho một bộ phận không nhỏ người dân có thái độ tự thỏa mãn, chấp nhận số phận, địa phương cục bộ, che giấu thông tin, nghi kị những yếu tố đổi mới, e ngại sự giao lưu, kết nối với bên ngoài, đặt lệ làng cao hơn phép nước, đưa các mối quan hệ dòng tộc vào việc chung. Tính an phận thủ tường trong Phật giáo làm cho nhiều vùng đồng bào tín đồ Phật giáo thường có trình độ kinh tế thấp hơn mặt bằng chung của xã hội. Điều này thể hiện rõ nét trong vùng đồng bào Khơ me theo đạo Phật ở vùng Tây Nam Bộ. Các sư tăng vẫn sống hoàn toàn dựa vào sự bố thí của tín đồ mặc dù nhiều chùa, nhiều sư có khả năng làm kinh tế tốt. Vì vậy, người Khơ me hiện nay chỉ thích đi làm thuê, sống tạm qua ngày. Với quan niệm “Phúc dày thỏa sức mà ăn”, nhiều người Khơ me chỉ lo làm việc thiện, làm phúc mà không tính toán đến xây dựng đời sống hiện thực.

Nhìn chung ảnh hưởng của Phật giáo trong các vùng nông thôn Việt Nam là tính hài hòa, an nhàn, thảnh thơi và ổn định. Điều này làm cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn chậm phát triển.

Ba là, thời đại ngày nay là thời đại phát triển không ngừng của kinh tế và các mặt khác của đời sống xã hội. Phát triển có nghĩa là sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, đời sống vật chất và văn hóa. Đảng và Nhà nước đã chỉ ra nhiệm vụ là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Để đạt được mục tiêu đó, nước ta cần có đội ngũ có những con người

năng động, lạc quan, tin tưởng, sáng tạo, nhiệt huyết… Những phẩm chất này phần lớn trái với giáo lý nhà Phật vì mục đích trái với cấm dục, vô dục, ly dục của Phật giáo. Theo Phật giáo, con người trở nên không có tham vọng tiến thân, bằng lòng với những gì mà mình đã có, sống nhẫn nhục, không đấu tranh, hướng tới cõi Niết bàn khi cuộc sống trần gian chấm dứt. Như vậy, Phật giáo đã tách con người ra khỏi điều kiện thực tiễn, làm cho con người có thái độ chấp nhận, chạy trốn nhu cầu bản năng chứ không phải là cải tạo thế giới, chế ngự tự nhiên bắt nó phục vụ cho mình, cải tạo điều kiện sống. Phật giáo chủ trương diệt dục triệt để bằng ý chí, coi dục là căn nguyên của mọi tội lỗi, khẳng định mô hình lý tưởng cho mọi người lao động, coi lao động là nhu cầu sống chứ không phải phương tiện sống, lao động không còn là nguồn gốc của khổ đau, nghèo đói…

Hiện nay, nền kinh tế thị trường cũng bộc lộ những mặt trái: kinh tế thị trường chú trọng những nhu cầu có khả năng thanh toán, không chú ý đến nhu cầu của xã hội; đặt lợi nhuận lên hàng đầu; phân biệt giàu nghèo rõ rệt.Sự cạnh tranh khốc liệt của các chủ thể kinh tế đã dẫn đến sự cô lập, thâu tóm, triệt tiêu lẫn nhau giữa các tập đoàn, công ty sản xuất kinh doanh… Điều này làm cho nhiều doanh nghiệp, công ty rơi vào tình trạng vỡ nợ, phá sản, nhiều gia đình tan nát, ly tán, nhiều cá nhân tự tử… Vì vậy, nhấn mạnh đến hoạt động kinh doanh, Nguyên tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “Kinh doanh có văn hóa là lối kinh doanh có mục đích và theo phương thức đạt tới cái lợi, cái thiện và cái đẹp. Kinh doanh vô văn hóa là lối kinh doanh sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị, không từ bất cứ thủ đoạn bỉ ổi nào, miễn là kiếm được càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Để đạt được lợi nhuận ngày càng cao, họ sẵn sàng cho ra đời những hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, những hàng có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí sức khỏe của trẻ em. Họ chà đạp lên chuẩn mực văn hóa trong kinh doanh, họ

thiếu hẳn chữ “tâm” trong kinh doanh” [30, tr.113 - 114]. Phật giáo với quan niệm về “nghiệp”, “nhân quả” sẽ góp phần cảnh tỉnh con người.

Tóm lại, Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu tới lối sống, cách thức lao động sản xuất, cách thức kinh doanh và tổ chức cuộc sống của người Việt Nam, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay. Những giá trị tích cực của Phật giáo đã giúp người dân Việt Nam giữ được nét đẹp truyền thống trong sản xuất kinh doanh như trung thực, đoàn kết và nhân ái; giúp đỡ nhau khi gặp hoàn cảnh khó khăn cũng như góp phần hình thành nhiều hình thức sản xuất kinh doanh đậm giá trị nhân văn.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 76 - 80)