0
Tải bản đầy đủ (.doc) (126 trang)

Đặc điểm lối sống của ngườiViệt Nam truyền thống

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 47 -52 )

Lối sống là tổng hòa các hình thức hoạt động và hành vi của con người về lao động sản xuất, về sinh hoạt chính trị, sinh hoạt văn hóa tư tưởng. Hoàn cảnh tự nhiên và phương thức sản xuất trong lịch sử là môi trường hoạt động của con người Việt Nam từ đó tạo nên lối sống của họ. Lối sống tồn tại và thể hiện theo đặc điểm của từng thời kỳ lịch sử, của từng dân tộc, của từng vùng dân cư và của từng cá nhân. Do đó, ngoài tính chung có tính phổ quát, lối sống còn biểu hiện tính riêng, tính đặc thù.

Lối sống của con người trong mỗi quốc gia, dân tộc được hình thành trên cơ sở của điều kiện tự nhiên, bao gồm vị trí địa lý, đất đai, khí hậu, hệ động thực vật, của các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tư tưởng, truyền thống… Lối sống của người Việt Nam có nhiều nét đặc thù, có nhiều nét độc đáo, khác biệt so với các dân tộc khác. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dưới sự tác động của các yếu tố địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội, lối sống của người Việt Nam mang những sắc thái đặc thù. Trong lối sống của người Việt Nam hiện nay không chỉ có màu sắc dân gian mà còn chịu sự chi phối của tư tưởng Tam giáo (Nho, Phật, Đạo) và lối sống của người phương Tây. Hiện đại là sự tiếp nối của truyền thống, bởi vậy, trước khi nhận thức đúng về lối sống của người Việt Nam hiện nay, chúng ta cần tìm hiểu lối sống của người Việt Nam trong truyền thống.

Theo chúng tôi, lối sống của người Việt Nam truyền thống được thể hiện rõ trên một số phương diện sau:

Một à, ao động sản xuất

Lao động sản xuất vật chất là hành động đầu tiên của con người, là hoạt động làm ra của cải để nuôi sống con người và tạo điều kiện cho con người có những hoạt động khác. Lao động sản xuất có vị trí đặc biệt trong lối sống truyền thống của con người Việt Nam và cũng tạo ra cho lối sống đó những nét riêng biệt.

Dưới thời kỳ phong kiến, dân tộc ta đã xuất hiện khái niệm “bách nghệ” và thành ngữ “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhưng nghề nông là nghề cơ bản và bao trùm lên tất cả các hoạt động khác của xã hội. Người ta nhận định: “Dĩ nông vi bản”, “Phi nông bất ổn”. Nhưng người trực tiếp làm ra lúa gạo để nuôi sống con người chỉ là người lao động chân tay.

Nền nông nghiệp lúc bấy giờ là nền nông nghiệp cá thể. Sản xuất được tiến hành trong các hộ nông dân riêng lẻ. Do hạn chế về trình độ, công cụ sản xuất nên của cải làm ra ít, không có điều kiện để tích lũy, năm mất mùa không tránh khỏi đối kém lam lũ. Vì vậy, nhiều cảnh phiêu tán dân cư thường xuyên xảy ra, xã hội luôn ở trong tình trạng không ổn định.

Sự thành bại của sản xuất nông nghiệp đến ngày nay còn phụ thuộc vào tự nhiên. Thời tiết thuận hòa thì cây cối tốt tươi, cuộc sống no đủ. Thời tiết thất thường thì mùa màng thất bát, cuộc sống đói khổ. Đối diện với sự biến thiên của thiên nhiên, con người chỉ còn biết cầu mong ở trời, cố gắng thích ứng và chống đỡ. Tâm trạng lo lắng về thời tiết bất lợi vẫn đeo đẳng ngày đêm bên họ.

Đặc trưng của sản xuất nông nghiệp là sản xuất theo thời vụ. Đặc trưng này đã đưa tới thời gian lao động và nghỉ ngơi khác nhau ở các vùng nông thôn. Hiện tượng ngày mùa thì vất vả đầu tắt mặt tối, còn tháng Ba ngày Tám thì có nhiều thời gian rảnh rỗi. Vùng có nghề thủ công thì người ta dùng thời gian rỗi vào các ngành nghề. Còn vùng không có nghề thủ công cuộc sống nhàn rỗi của người dân kéo dài. Do rỗi rãi, không có việc làm thúc giục đã khiến con người có tác phong khoan thai, chậm chạp, không quản thời gian. Tâm lý tự mãn, tự đắc đó đã để lại trở ngại cho xã hội công nghiệp sau này khi cuộc sống đòi hỏi phải khẩn trương, phải nhanh chóng, kịp thời.

Lối sống trên cứ lặp đi lặp lại trong nhiều đời, đời sau không khác đời trước bao nhiêu. Thời gian đã tạo ra cho xã hội một quan niệm tuần hoàn, một

thói quen đi theo nếp cũ. Chính lối sống đó là một trong những cơ sở để hình thành nên các đặc trưng của sinh hoạt chính trị, sinh hoạt văn hóa tư tưởng.

Hai là, về đạo đức ứng xử

Đạo đức ứng xử trong xã hội truyền thống có vai trò nổi bật. Người ta coi đạo đức là cái gốc của con người nên tư tưởng, hành vi đạo đức luôn được xã hội coi trọng, luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu có sự coi trọng giữa đức và tài thì đức ở trên tài, giữa lễ và tri thức thì lễ ở trên tri thức (Tiên học lễ, hậu học văn), giữa nết na và hình thể đẹp thì nết na ở trên (cái nết đánh chết cái đẹp). Chuẩn mực đó như là điều bất di dất dịch.

Nghĩa vụ của bề dưới đối với bề trên là đạo đức cao nhất đối với con người phong kiến Việt Nam. Chế độ phong kiến quân chủ tông pháp và học thuyết Nho giáo đã dạy con người phải nghe theo bề trên và trung thành với bề trên. Vì vậy, trong nhiều nguyên lý đạo đức của Nho giáo thì nguyên lý “tam cương” và “tam tòng” là quan trọng hơn cả. Các nguyên lý khác như nhân, lễ, nghĩa.. của Nho giáo hoặc từ bi, nhẫn nhục, bất sát … của Phật giáo chỉ bổ trợ để con người hoàn thiện mà thôi.

Đạo đức trên là đạo đức của giai cấp phong kiến, có lợi cho sự thống trị của giai cấp phong kiến. Tuy vậy, từ yêu cầu phát triển của dân tộc, từ khát vọng của nhân dân trong thời kỳ phong kiến vẫn xuất hiện đạo đức mang ý nghĩa nhân văn. Đạo đức đó được thể hiện tập trung ở nhân cách sống của con người và đã tạo nên một số nhân cách tiêu biểu. Khi Nho giáo trở thành học thuyết thống trị của triều đình Việt Nam thì trung và hiếu được chú trọng. Trung và hiếu là nếp sống đẹp của con người Việt Nam trong truyền thống. Sau này, chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy tư tưởng trung hiếu vốn có của dân tộc, nâng cao nội dung của khái niệm “trung”, “hiếu” bằng quan niệm “Trung với Đảng, hiếu với dân”.

Các nhà Nho rất chú ý đến rèn luyện tính cách cứng cáp cho con người. Đó là con người kiên trung, bất khuất trước uy vũ của kẻ thù và trước sự cám

dỗ của danh lợi. Một phương diện khác của người Nho học Việt Nam là lối sống thanh cao, giữ đạo nghĩa. Họ sống theo quan niệm “Kiến lợi tư nghĩa” (Thấy lợi thì nghĩ đến nghĩa) hoặc “Nước có đạo mà nghèo và hèn là điều sỉ nhục, nước vô đạo mà giàu sang cũng là điều sỉ nhục”. Họ không vì danh lợi mà làm mất phẩm giá con người.

Ba là, về phong tục, tập quán

Ở Việt Nam, nhiều phong tục, tập quán gắn với tôn giáo, tín ngưỡng. Tôn giáo tín ngưỡng thuộc hình thái ý thức xã hội, là một lĩnh vực hoạt động tinh thần của xã hội, tin ở một lực lượng siêu nhiên có thể chi phối cuộc sống con ngươi và xã hội, cần phải thông qua các nghi lễ đối với thần để mong được thần che chở, phù hộ. Tôn giáo là hình thức cao của tín ngưỡng, một loại tín ngưỡng có giáo lý, có tổ chức và nghi lễ đầy đủ. Việt Nam có nhiều tôn giáo, trong đó Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo là những tôn giáo lâu đời và gắn bó chặt chẽ với các học thuyết của phương Đông.

Nho giáo truyền vào Việt Nam là Nho Hán, Nho Tống, quan điểm thần bí của hai loại Nho giáo này vào Việt Nam gần như không có gì thay đổi. Mỗi một hình thức tế trong Nho giáo có một ý nghĩa khác nhau. Tế trời là trọng đại nhất và là chức năng của ông vua đương nhiệm. Tế trời là để quốc thái dân an, để triều đại vững bền mãi mãi. Tế thánh hiền là nhiệm vụ của các Nho thần, các nhà nho. Tế là để bày tỏ lòng trung thành vói đạo Nho, để tiếp nối con đường mà tiên nho đã đề ra. Tế tông miếu, từ đường là nhiệm vụ của các tông tộc, gia tộc. Tế là biểu hiện của sự hàm ơn, để nối nghiệp. Tế là để trừ tà, trừ rủi ro, bệnh tật… Trong các loại tế lễ thì tế thánh hiền và tế tông tộc, gia tộc là có ý nghĩa nhân văn hơn cả. Coi trọng việc học, coi trọng gia đình là nét nhân văn đẹp của phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Khác với Nho giáo, Đạo giáo là một tôn giáo thuần túy. Đạo giáo được truyền vào Việt Nam là Đạo giáo phù thủy, Đạo giáo thần tiên. Đạo giáo phù

thủy thông qua hình thức bùa chú, bắt quyết, trừ yểm tà ma để đưa lại hạnh phúc cho con người. Đạo giáo thần tiên thông qua hình thức tế lễ để thực hiện mong ước về khả năng của con người có thể kéo dài sự sống, có thể làm cho đời sống được sung sướng, hạnh phúc. Trong lúc khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển, đời sống còn thấp kém thì các hình thức trên của Đạo giáo như là một sự giải thoát cho cuộc sống còn nhiều khó khăn của con người.

Đi liền với Nho giáo, Đạo giáo là Phật giáo. Phật giáo có vai trò to lớn trong nền văn hóa dân tộc. Có lúc người dân tự xem mình là Phật tử, có lúc triều đình xem Phật giáo là quốc giáo. Ngày nay, một bộ phận đông đảo người Việt Nam vẫn tin theo Phật giáo, nhiều chùa chiền được xây mới và trùng tu. Phật giáo với những giáo lý, quan niệm nhân sinh đã có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội Việt Nam. Trong lúc giáo lý phong kiến gò bó con người, bắt con người trong tư duy và hành động đều phải theo cấp trên, theo những giáo điều có sẵn thì nguyên lý của Phật giáo mở ra cho con người một hướng đi, một phương tiện tự khẳng định mình, một cách suy nghĩ có lợi cho sự phát triển.

Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo là các tôn giáo có nội dung và tính chất khác nhau song chúng lại gắn bó với nhau tạo thành một thể thống nhất, tạo nên một sức mạnh đề kháng được với các văn hóa ngoại nhập.

“Tập quán là những thói quen được hình thành trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và được thực hành không mang tính bắt buộc” [61, tr.50], trong khi đó, “phong tục là chuẩn mực sống đã được phong hóa thành nề, nếp sống lâu đời và thường được tuân theo một cách tự giác” [61, tr.50]. Phong tục tập quán là những thói quen, những tục lệ đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được các thế hệ trước truyền lại cho con cháu đời sau mà con người ngày nay vẫn còn thừa nhận và thực hiện. Nguồn gốc phong tục tập quán Việt Nam trước tiên bắt nguồn từ các tục lệ do điều kiện thời tiết, điều kiện sản xuất và sinh hoạt của người Việt Nam tạo nên nhưng có những tục lệ ảnh hưởng từ bên ngoài.

Trong số những phong tục tập quán Việt Nam chịu ảnh hưởng là tục hiếu kính cha mẹ, ông bà của Nho giáo. Tục này cho thấy, khi cha mẹ sống thì một người con gọi là có hiếu không chỉ là nuôi nấng, lo cơm ăn áo mặc cho cha mẹ khi về già mà phải có thái độ yêu thương kính trọng, phải lo hậu sự đầy đủ khi cha mẹ chết, phải theo đúng tuần tiết cúng tế… Tư tưởng về hiếu kính từ bao đời nay được chú ý thực hiện là một nét đẹp trong sinh hoạt, là một cơ sở để củng cố tính bền vững của gia đình, tính cộng đồng của xã hội.

Xét mọi mặt, có thể khẳng định lối sống truyền thống của người Việt Nam không còn là cách thức sinh hoạt đơn giản, mang tính bản năng, chỉ bó gọn trong những tồn tại tối thiểu của con người mà đã là lối sống phong phú, diễn ra trên nhiều mặt, từ cách thức lao động sản xuất đến đạo đức ứng xử, tín ngưỡng, phong tục… Lối sống đó về cơ bản đã đạt đến trình độ cao của một cư dân nông nghiệp có kinh nghiệm trồng lúa nước. GS. Phan Huy Lê cho rằng: lối sống là một trong những yếu tổ biểu hiện của tâm lý dân tộc, góp phần khắc họa bản sắc văn hóa dân tộc. Sống ở vùng Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều điểm chung về hoàn cảnh địa lý, về phương thức sản xuất với các nước ở Đông

Á và Đông Nam Á khác. Nhưng xét về lối sống, Việt Nam vẫn có những nét riêng biệt. Con người Việt Nam đã tạo nên cho mình những đặc điểm xác định về lối sống trong lịch sử phát triển hàng ngàn năm của dân tộc… Lối sống của người Việt Nam hiện nay là sự “vượt- gộp” từ truyền thống.

1.3.3. Sự biến đổi của lối sống và những vấn đề đặt ra trong xây dựng lốisống của người Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 47 -52 )

×