Phật giáo ảnh hưởng trong tục ăn chay, phóng sinh và bố thí

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 86 - 87)

Việc ăn chay niệm Phật vào các ngày mồng một, rằm… hàng tháng cũng là nếp sống của một bộ phận không nhỏ trong dân chúng. Về ăn chay, hầu như tất cả người Việt Nam đều chịu ảnh hưởng nếp sống văn hóa này. Ăn chay hay ăn lạt xuất phát từ quan niệm từ bi của Phật giáo. Đạo Phật không muốn sát sinh hại vật mà trái lại phải thương yêu mọi loài. Số ngày họ ăn chay tuy có khác nhau trong từng tháng (có người ăn hai ngày là ngày mùng một và ngày rằm mỗi tháng; có người ăn mỗi tháng bốn ngày là ngày 01,14, 15 và 30, nếu tháng thiếu ăn chay ngày 29; có người ăn chay mỗi tháng 6 ngày là những ngày mùng 8, 14, 15, 23, 29 và 30 (nếu tháng thiếu thì ăn chay ngày 28, 29); đôi khi có những người đi phát tâm ăn trường chay giống như người xuất gia) nhưng cùng giống nhau ở quan điểm từ bi, hỷ, xả của Đạo Phật. Do hiệu quả của việc ăn chay giúp cho cơ thể tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh tật, nên người Việt Nam dù là Phật tử hay không là Phật tử, dù sinh sống ở đâu cũng đều thích ăn chay.

Ăn chay và thờ phật là việc đi đôi với nhau của người Việt Nam. Nhiều người không phải là Phật tử cũng dùng tượng Phật hay tranh ảnh có yếu tố Phật giáo để chiêm ngưỡng và trang trí cho cảnh nhà thêm đẹp và trang nghiêm. Theo quan niệm của nhóm người này, Phật giáo là một thành tựu về tư tưởng văn hóa của dân tộc và nhân loại. Với ngườiViệt Nam, quan niệm chỉ cần có lòng thành thì dù tu hay không tu thì con người đều có thể trở thành Phật bởi Phật ở trong tâm mỗi người.

Cũng chính vì quan niệm “Phật tại tâm” cho nên bằng tấm lòng chân thành, từ bi của đạo Phật mà tục lệ bố thí, phóng sinh đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của quần chúng. Ngày rằm, mùng một, nhiều người Việt thường

mua chim, cá, ốc, rùa… về chùa chú nguyện rồi đem phóng sinh. Nhất là những gia đình có người lâm bệnh nặng, họ làm việc này hàng ngày vào các buổi sáng sớm để mong có thể đem lại điều may mắn cho người bệnh. Người việt cũng thích làm phúc, bố thí và sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn, vào các ngày lễ lớn họ thường tập trung về chùa. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay thì những biểu hiện mang tính chất hình thức trên càng bị thu hẹp. Ngày nay, thay vào đó nhà chùa và các Phật tử tham gia vào những đợt cứu trợ, tiếp tế cho các đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn, hoàn cảnh sống khó khăn đúng với truyền thống đạo lý của dân tộc “lá lành đùm lá rách”.

Cùng với tục thờ Phật, tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam có từ lâu đời. Tục này xuất phát từ lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên và được xem là một dạng tín ngưỡng quan trọng nhất của dân tộc. Tín ngưỡng này được một số người dân nhập làm một với đạo Phật, vì trong Phật giáo có nhiều kinh đề cập đến vấn đề này như kinh Vu Lan, kinh Báo Phụ Mẫu Ân… Vào những ngày rằm, mồng một, những gia đình không theo đạo Phật cũng mua hoa quả, thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên.

Như vậy, có thể thấy, trải qua quá trình lịch sử lâu dài tồn tại và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo đã được bổ sung, được làm mới bằng nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Việt. Đến lượt mình, nó lại góp phần củng cố, duy trì và chuyển tải các phong tục mang giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam. Những phong tục mang giá trị văn hóa truyền thống ấy chính là một phần quan trọng trong nền tảng văn hóa tinh thần để dân tộc ta tiến hành xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 86 - 87)