Quan niệm về lối sống

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 41 - 47)

Lối sống là thể thống nhất biện chứng giữa tự nhiên - cá nhân và xã hội. Lối sống xuất hiện trong quá trình cá nhân tham gia vào các hoạt động: lao động sản xuất, hoạt động chính trị xã hội và hoạt động văn hóa… đồng thời chịu chi phối của tất cả những hoạt động đó.

Bản chất của con người trong tính hiện thực của nó, như C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra là “tổng hòa các quan hệ xã hội”. Các quan hệ xã hội tất nhiên là rất đa dạng và phong phú song cũng có thể quy về hai phương diện chính là đời sống sinh vật – xã hội và đời sống xã hội – văn hóa. Để có thể tổng hòa được hai phương diện này con người phải hoạt động giao tiếp, ứng xử với tự nhiên, với cộng đồng tộc người và với chính mình trong quá trình bảo tồn và phát triển đời sống của cá nhân, cộng đồng lớn nhỏ. Có nhiều cách thức bảo tồn và phát triển đời sống trong những điều kiện lịch sử cụ thể thuộc các không gian và thời gian khác nhau. Các cách thức, các kiểu sống là kết quả tác động tích cực của con người vào điều kiện và môi trường tự nhiên, xã hội và đồng thời cũng chịu sự quy định khách quan của điều kiện và môi trường ấy. Hoạt động của con người như thế nào thì họ là như thế ấy. Do đó, họ là như thế nào điều đó ăn khớp với sản xuất của họ, với cái mà họ sản xuất

ra cũng như cách thức mà họ sản xuất. Vì vậy, những cá nhân là như thế nào điều đó phụ thuộc vào những điều kiện vật chất của sự sản xuất của họ. Cho nên, khi nghiên cứu về lối sống, tất nhiên cơ bản phải dựa vào việc tiếp cận phương thức sản xuất. Khi nghiên cứu về lối sống, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đặt nó trong mối quan hệ với phương thức sản xuất và hình thái kinh tế - xã hội mà trước hết là phương thức sản xuất. Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C. Mác và Ph. Ăngghen viết: “Không nên nghiên cứu phương thức sản xuất ấy đơn thuần theo khái cạnh nó là sự tái sản xuất ra sự tồn tại thể xác của các cá nhân, mà hơn thế nó đã là một hình thức hoạt động nhất định của họ” [44]. Như vậy, C. Mác và Ph. Ăngghen đã khẳng định, sản xuất là yếu tố quyết định sự tồn tại của cá nhân và phương thức sản xuất là hình thức hoạt động cơ bản của con người, là phương thức sinh sống của con người, là mặt cơ bản của lối sống. Lối sống chính là phương thức, là dạng hoạt động của con người, nó chịu sự quyết định của phương thức sản xuất. Tuy vậy, lối sống không phải là sản phẩm thụ động của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và những điều kiện sống khác bởi phạm vi của lối sống rộng hơn phương thức sản xuất. Bởi lẽ, những hoạt động vật chất, con người còn có các hoạt động chính trị, xã hội, nghệ thuật… Mặt khác, không thể có lối sống nói chung cho mọi xã hội, cho mọi thời đại. Đặc biệt, trong xã hội có giai cấp thì lối sống mang tính giai cấp rõ rệt. Bởi vậy, trong cùng một phương thức sản xuất có thể tồn tại nhiều lối sống khác nhau, thậm chí đối lập nhau.

Lối sống phản ánh tính chủ thể bao gồm: nhận thức, tình cảm, động cơ, hành vi, ứng xử, thể chế xã hội và cả những mối liên hệ giữa chúng. Có thể nói, lối sống là sự khúc xạ hình thái kinh tế - xã hội trong nhận thức, tình cảm thái độ và hoạt động xã hội, tổ chức đời sống và sinh hoạt cá nhân của con người. Phạm vi của lối sống có thể tương ứng với phạm vi của hình thái kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hai khái niệm lối sống và hình thái kinh tế - xã hội

cũng không đồng nhất với nhau. Hình thái kinh tế - xã hội là một xã hội cụ thể thì bao gồm tất cả các hoạt động của con người, là một tồn tại khách quan, độc lập với ý thức con người. Ngược lại, lối sống phản ánh hoạt động của chủ thể của nó bao gồm nhận thức, tình cảm, thái độ, động cơ trong mọi hoạt động của bản thân con người. C. Mác cho rằng ở những hình thái kinh tế - xã hội khác nhau sẽ có lối sống khác nhau, đặc biệt trong hình thái kinh tế - xã hội có giai cấp, lối sống mang tính giai cấp.

Lối sống bao hàm tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của con người trong một xã hội nhất định. Các mặt cơ bản của đời sống được biểu hiện qua các quan hệ của con người với tự nhiên, con người với nhau trong lao động sản xuất, chính trị, tư tưởng văn hóa xã hội và trong ứng xử giao tiếp hàng ngày.

Từ những điểm phân tích trên có thể quan niệm lối sống như sau:

Lối sống à phương thức sống của con người (cá nhân, nhóm, cộng đồng xã hội) trong một xã hội nhất định và được biểu hiện trên các nh vực cơ ản của đời sống như hoạt động ao động sản xuất, hoạt động chính trị xã hội, hoạt động văn hóa tinh thần và hoạt động sinh hoạt hàng ngày.[82,tr.152]

Quan niệm trên đây được tác giả coi là điểm tựa để tiếp cận, phân tích ảnh hưởng của Phật giáo đến lối sống con người Việt Nam.

Nói đến lối sống là nói đến tổng hòa những dạng hoạt động sống ổn định của con người gắn liền với dân tộc, giai cấp, nhóm xã hội và các cá nhân trong cộng đồng. Lối sống của xã hội phải được thể hiện thông qua hoạt động của từng con người, trong đó hoạt động sản xuất là quan trọng nhất. Trình độ phát triển năng lực của con người quyết định nội dung lối sống. Khi nói đến năng lực của con người phải nói đến năng lực lao động, năng lực hoạt động theo một loại lao động nhất định. Lao động là lĩnh vực hoạt động cơ bản của con người. Điều đó không phải chỉ tạo ra tất cả những của cải cần thiết cho con người mà còn vì những yêu cầu thích đáng đối với năng lực của con

người được phát triển và thực hiện trong quá trình lao động. Theo sự phát triển của sản xuất và phân công lao động thì tính đa dạng của các nhu cầu của của những phương thức làm thỏa mãn cũng phát triển theo. Cơ cấu nhu cầu có hai loại. Một là, loại nhu cầu ít co giãn nhất, ít thay đổi nhất là những nhu cầu sống đầu tiên (nhu cầu sinh lý, thể chất) mà việc thỏa mãn chúng là tiền đề không thể thiếu của việc tái sản xuất sức lao động. Hai là, loại nhu cầu co giãn hơn, linh hoạt hơn là các nhu cầu trí tuệ và xã hội. Việc thỏa mãn những nhu cầu trí tuệ ngày càng trở thành điều kiện bắt buộc để tái sản xuất sức lao động lành nghề. Như vậy, khi xác định nội dung lối sống thì điều hết sức quan trọng là tìm hiểu xem con người quyết định cho mình mức độ quan trọng của các nhu cầu khác nhau và phương thức thỏa mãn chúng như thế nào? (con người làm gì? Làm như thế nào để thỏa mãn các nhu cầu?)

Như vậy, có nhiều yếu tố cấu thành nên lối sống, theo chúng tôi, có thể kể ra một vài thành tố quan trọng nhất của nó như: Cách thức lao động, làm ăn, kinh doanh; các phong tục tập quán; cách thức giao tiếp, ứng xử của con người; quan niệm về đạo đức, nhân cách...

Lối sống chịu sự quy định của phương thức sản xuất và các điều kiện sống của con người. Do đó, đặc trưng bản chất của lối sống trong toàn bộ đời sống là hoạt động lao động sản xuất. Tổng hòa các khuôn mẫu ứng xử, các thể chế xã hội được vận hành theo một bảng giá trị xã hội nào đó trong những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định là nội dung của lối sống. Bảng giá trị gồm hệ thống các nhóm giá trị rất phong phú nhưng tương tác với nhau cơ bản theo trục quy định của các chuẩn gía trị xã hội để trên cơ sở đó có tính chất tự phát triển và tự chuyển hóa sang các giá trị hoặc nhóm giái trị mới. Bảng giá trị bao gồm hệ thống các giá trị như: giá trị nhân văn biểu hiện ở sự tồn tại và yêu thương con người, quyền phát triển tự do, giá trị đạo đức biểu hiện những chuẩn mực quy định mối quan hệ giữa con người với nhau, con người với giới

tự nhiên và xã hội trên tinh thần yêu thương hay hận thù, tôn trọng hay không tôn trọng, sự phát triển hay kìm hãm tài năng, tự do và hạnh phúc, giá trị văn hóa gắn liền với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ trên cơ sở tiến bộ xã hội và biểu hiện đạo đức và lối sống có văn hóa cũng như sự phát triển toàn diện của con người; giá trị chính trị, luật pháp biểu hiện thái độ với việc giành giữ chính quyền, thể chế nhà nước; giá trị kinh tế hướng vào sự hoạt động của nghề nghiệp, lao động, sản xuất kinh doanh… Lối sống nói chung mang tính văn hóa bởi nó là tổng hòa những hành động xã hội, quan hệ xã hội, thể chế xã hội, các khuôn mẫu ứng xử.

Khái niệm lối sống gần gũi với những khái niệm liên quan như nếp sống, mức sống, kiểu sống. Lối sống không phải là nếp sống. Nếp sống là một mặt của lối sống. “Nếp sống là một bộ phận của lối sống được lặp lại thành nếp, thành thói quen,… nghĩa là được định hình, được xác lập thành một nét văn hóa, được các cá nhân và cộng đồng thừa nhận, làm theo và được quy định thành điều ước (quy ước hay hương ước) hoặc pháp luật” [83,tr.36-37]. Nhờ có nếp sống mà những kinh nghiệm quý báu trong lối sống của xã hội và con người được lưu lại và phát triển. Do đó, nếp sống là mặt ổn định của lối sống. Nói tới nếp sống là nói tới một lối sống nhất định. Lối sống định hướng hoạt động của con người có tính biến đổi từ chế độ xã hội này sang chế độ xã hội khác. Nếp sống với tư cách là biểu hiện của lối sống lại thể hiện tính cụ thể, ở những chuẩn mực, khuôn mẫu ứng xử của cả xã hội mà mỗi cá nhân đã tự ý thức, tự biến đổi bản tính của mình thành những hoạt động ổn định, thường xuyên mang tính chung của xã hội. So với lối sống, nếp sống có tính ổn định bền vững hơn nhưng không có nghĩa là không biến đổi. Cùng với sự biến đổi của lối sống, nếp sống cũng biến đổi nhưng chậm chạp và khó khăn hơn. Khái niệm lối sống chung hơn và rộng hơn khái niệm nếp sống. Lối sống nói lên

tính định hướng, định tính chỉ ra phương hướng chính trị và tư tưởng của vấn đề còn nếp sống nói lên tính định hình và định lượng.

Lối sống và mức sống là hai khái niệm có quan hệ mật thiết nhưng không đồng nhất với nhau. Mức sống là chỉ báo về lối sống, “chỉ phản ánh phúc lợi của dân cư và mặt tiêu dùng của cải vật chất và tinh thần và kết quả của tiêu dùng ấy” [83, tr.54]. Mức sống là điều kiện quan trọng nhất cho hoạt động sống của con người vì nó quy định việc con người có thể phát triển và áp dụng năng lực của mình, thỏa mãn nhu cầu của mình như thế nào. Mức sống là điều kiện và kết quả của hoạt động sống song mức sống không phải là điều kiện duy nhất quyết định lối sống.

Kiểu sống là hình thức biển hiện cụ thể của lối sống theo cá tính và theo thị hiếu của cá nhân hoặc theo điều kiện quy định cụ thể nào đó của môi trường nhỏ. Những người có mức sống khác nhau có thể có những kiểu sống khác nhau. Nhưng kiểu sống đó có đẹp, có đúng hay không lại phụ thuộc vào một lối sống, một nếp sống nào đó. Kiểu sống chính là hình thức biểu hiện của lối sống ở cấp độ nhỏ. Tuy mỗi cá nhân có một kiểu sống riêng nhưng lối sống của mỗi cá nhân đều có tính chất xã hội và bao giờ cũng có những chuẩn mực nhất định để từ đó có thể dễ dàng nhận thấy đâu là hành vi đúng chuẩn và đâu là biểu hiện lệch chuẩn. Đó chính là sự lên tiếng của dư luận xã hội, của đạo đức, của thẩm mỹ và chặt chẽ hơn là của pháp luật. Đó chính là cơ chế điều chỉnh hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ, lời nói theo hướng cải thiện, cái tốt, cái đẹp trong lối sống.

Khác với lối sống, lẽ sống là sự chọn lựa chủ quan của con người về mặt lối sống. Nó là sự phản ánh tính tất yếu khách quan của một lối sống vào đầu óc con người. Nó là sự khẳng định về một lối sống, là mặt tự giác của lối sống ấy. Lối sống là cơ sở đầu tiên để hình thành nếp sống và lẽ sống. Nếp sống làm cho lối sống được ổn định và lẽ sống dẫn dắt lối sống ấy.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 41 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w