Chương 1 : TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
3.3. Điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội huyện Lang Chánh
3.3.1. Điều kiện tự nhiên
3.3.1.1. Vị trí địa lý
Lang Chánh là huyện miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, có diện tích tự nhiên là 58.659,18 ha chiếm 5,3% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trung tâm huyện cách thành phố Thanh Hóa 100 km về phía Tây - Tây Bắc, cách đô thị miền Tây của tỉnh 16 km về phía Tây.
- Tọa độ địa lý: Từ 20o00’13” - 20o18’15” Từ 105o17’30” – 105o45’20” - Ranh giới cụ thể:
+ Phía Bắc giáp huyện Bá Thước + Phía Nam giáp huyện Thường Xuân + Phía Đông giáp huyện Ngọc Lặc
+ Phía Tây giáp huyện Quan Sơn và Piềng Xây Sầm Tớ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
3.3.1.2. Địa hình
Lang Chánh nằm ở khu vực miền núi có địa hình cao và phức tạp, nhiều núi cao, độ dốc lớn và chia cắt mạnh bởi các đồi núi, sông, suối... gây trở ngại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cho xây dựng kết cấu hạ tầng; độ cao trung bình toàn huyện từ 500 m - 700 m (so với mặt nước biển), cao nhất là đỉnh Bù Rinh 1.291 m, địa hình thấp dần từ phía Tây Bắc huyện Lang Chánh. Độ dốc trung bình từ 20 - 30°, có nơi tới 40 - 50°.
3.3.1.3. Khí hậu thủy văn
Khí hậu của Lang Chánh nhìn chung không quá nóng, mưa nhiều, lắm sương mù (bình quân mỗi năm có tới 70 - 80 ngày sương mù), mùa đông lạnh và tương đối khô, biên độ nhiệt tương đối lớn. Thiên tai cần đề phòng là rét đậm, lũ, sương muối, sương giá. Khí hậu có sự khác nhau giữa phía Đông và
phía Tây. Phía Đông có nhiệt độ trung bình năm là 20°C - 25°C, lượng mưa trung bình năm là 2.200 mm (có nơi 2.500 mm); mùa mưa kéo dài 6 - 7 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 10. Hàng năm có 20 - 25 ngày có gió tây khô nóng.
Huyện Lang Chánh có ba con sông lớn là: Sông Cảy, sông Sạo, sông Âm chảy qua. Thác Ma Hao là thác lớn nhất của sông Cảy có tiềm năng phát triển thuỷ điện và du lịch sinh thái, rừng cây cung cấp nước ngọt và thực phẩm cho đồng bào các dân tộc, là con đường vận chuyển lâm sản về đồng bằng ngoài ra còn có nguồn nước ngầm phong phú.
3.3.1.4. Đất đai
Lang Chánh có hệ đất feralit với các loại sau: Đất feralit phát triển trên đá macma bazơ và trung tính, đất feralit phát triển trên đá macma chua, có mùn vàng đỏ trên núi, đất feralit phát triển trên đá trầm tích và biến chất. Ngoài ra còn có đất dốc tụ và đất lầy thụt, phân bố ở vùng thấp bị ngập nước. Nhờ thủy lợi hoá có thể trồng lúa. Toàn huyện có:
+ Tổng diện tích (ha): 58.659,18 + Đất nông nghiệp (ha): 3.945,57 + Đất lâm nghiệp (ha): 50.632,58 + Đất chưa khai thác (ha): 2.334,00
3.3.1.5. Thực vật rừng
Tài nguyên rừng Lang Chánh hiện nay có 11.632 ha rừng tự nhiên và 9.732 ha rừng trồng. Độ che phủ là 72%. Rừng ở Lang Chánh có nhiều loại gỗ quý như: Lim, Lát hoa, Pơ mu, Dổi, Vàng tâm, Luồng, Tre nứa và có nhiều dược liệu quý như: Quế, Xa nhân, Nấm hương, Trầm hương,… cùng một số loại động vật quí hiếm: lợn rừng, khỉ v.v..
Huyện hiện có có 11.632,6 ha rừng tự nhiên và 9.732,7 ha rừng trồng. Rừng tự nhiên chủ yếu phân bố chủ yếu ở phía Tây (các xã Lâm Phú, Yên
Thắng, Yên Khương, Trí Nang) cây lâm nghiệp nổi tiếng của Lang Chánh là cây Luồng, với diện tích hơn 10.000 ha. Luồng Lang Chánh dài, thẳng và ít mọt, được vùng đồng bằng Thanh Hoá và các tỉnh Bắc Bộ ưa chuộng. Các sản phẩm chủ yếu của lâm nghiệp ở huyện là gỗ tròn, gỗ nguyên liệu, củi, Luồng, tre, nứa, măng, mộc nhĩ, nấm hương ...
3.3.2. Điều kiện dân sinh - kinh tế - xã hội
Dân số - dân tộc - lao động
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2008, dân số toàn huyện có 9.773 hộ với 48.803 nhân khẩu, bao gồm mô ̣t số nhóm dân tộc chủ yếu sinh sống trên địa bàn như: Thái khoảng 53%; Kinh 13%; Mường 33%; các dân tộc khác 1%.
Mật độ dân số trung bình là 83 người/km2. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,17%.
Toàn huyện có 25.231 người trong độ tuổi lao động, chiếm 51,7% tổng dân số. Trong đó lao đô ̣ng nam là 11.693 người, chiếm 48%; lao đô ̣ng nữ 13.268 người, chiếm 52%.
Điều kiện kinh tế
Trong những năm qua, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá, GDP năm 2005 đạt 162,2 tỷ đồng, năm 2009 đạt 220 tỷ đồng, ước tính năm 2010 đạt 250 tỷ đồng. Thu nhập bình quân năm 2010 ước đạt 5.454.000 đồng/người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2005 đạt 6,99%; năm 2009 đạt 11% (cả tỉnh 10,8%) ước năm 2010 đạt 13%.
Cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế năm 2005 là lâm - nông nghiệp: 73%, công nghiệp: 14,8%; dịch vụ: 12,2% (trong GDP cả tỉnh là 31,6% - 35,1% - 33,3%), ước đạt năm 2010 lâm nghiệp 64,4%, công nghiệp 19,4%, dịch vụ 16,2%.
Tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển là 580,408 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 241,172 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp đạt 20 tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư phát triển đạt 319,236 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư liên tục tăng qua các năm.
Xã hội - văn hóa - y tế - giáo dục
Nhìn chung cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, cho tới nay trên các xã của huyện đều có trường tiểu học và trường trung học cơ sở, toàn huyện có 2 trường phổ thông trung học và văn hóa tập trung. Về y tế, hiện đã có 23 trạm y tế xã, thị trấn và trung tâm y tế huyện. Tại huyện, với hơn 80% là đồng bào các dân tộc, vẫn còn một số hộ giữ phong tục tập quán phát nương làm rẫy, độc canh cây lương thực trên đất đồi. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cải tạo vườn tạp và xây dựng trại rừng, vườn rừng chưa được nhân rộng. Giao thông đi lại giữa các vùng đã được đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại địa phương phát triển, giao lưu hàng hóa với các khu vực lân cận.