1. Ngoài hai phương thế trên, để tạo chu vi ảnh hưởng, bạn còn hai phương thế quan yếu, đó là nói và viết. Về khoa nói xin bạn đọc cuốn Thuật hùng biện, Thuật cầm bút của chúng tôi.
2. Những điều kiện căn bản chung cho viết và nói là đại khái như sau:
a) Dùng trí nhớ và kiến thức tập trung ký chú. Trí nhớ giúp bạn khi tự học bằng sách, báo, nghe diễn thuyết, nói chuyện, du lịch, thu thập kiến văn sâu sắc, quảng bác, tân kỳ.
Dùng ký chú là những tài liệu ghi vào giấy sắp thứ tự theo phương pháp thập phân. Montaigne gọi ký chú này là ký chú thứ hai.
Muốn viết và nói một cái gì bổ ích phải dùng hai lợi khí ấy.
b) Dụng ngữ phong phú, chính xác, súc tích, tự nhiên, sáng sủa. c) Ngữ pháp đúng, hợp tinh thần dân tộc mà không cổ lỗ, mới mẻ mà không ngây ngô.
d) Nói và viết phải chăng, hợp lương tri, độc đáo, cao nhã, vừa đủ và khiêm tốn.
3. Các ý tưởng phải sâu sắc, được hệ thống hóa, cấu thành một lực lượng chinh phục ly phục và tâm phục. Làm sao trong văn nói cũng như văn viết của bạn có: Văn chất, văn sắc, văn khí, văn vị và văn phong.
Nghệ thuật nghỉ ngơi
1. Bạn có thấy loại cây ăn trái nào có trái tứ mùa mà sai trái không? Giống cây mà bông hoa cũng vậy, hễ sai trái sai hoa đều có lúc chỉ có cành lá thôi.
Về đêm phần đông thú vật đều ngủ. Thì ra luật nghỉ là luật của thiên nhiên. Ta là con vật có lý trí và hướng vật, nghĩa là liên quan mật thiết với thiên nhiên nên không thể đi ngược luật ấy. Bác sĩ Henri Arthur nói: “Nghỉ là làm lại”. Cam quýt ngưng trái để trổ bông. Gà ngưng đẻ để đẻ nữa. Chiếc xe hơi nóng máy quá, ngưng một lúc rồi chạy nữa. Ta là xương là thịt. Không ai đốt cây nến hai đầu. Phải nghỉ ngơi để làm việc đắc lực hơn.
2. Hai thái cực phá hoại con người là ở không mãi và làm việc không chịu nghỉ.
Con người sẽ giảm chất người đi nếu trốn tránh làm việc vì làm việc đào tạo nhân cách, trả nợ xã hội.
Làm việc đến không nghỉ ngơi là một hình thức tự tử.
3. Không nên lười biếng đã đành, nhưng không phải sống là hành khổ tấm thân. Nhàn bao giờ cũng sung sướng. Nhưng phải là thứ nhàn sau khi làm việc. Thứ nhàn này vừa khỏe thân vừa vui trong tâm hồn vì ý thức rằng mình đã làm được việc này việc nọ hữu ích. 4. Cho phần đông chúng ta thì không cần nghỉ ngơi. Ai cũng tự nhiên hướng về việc đó. Có điều quan trọng là phải tổ chức những lúc rảnh rang. Tránh những hình thức nghỉ ngơi phá hoại về nhiều phương diện như đánh bài, đánh cờ, be bét nhậu nhẹt. Nghỉ ngơi mà ở không, đi ra đi vô ngáp dài, ngáp vắn cũng không phải nghỉ. Sự chán nản làm cho tâm hồn mệt mỏi hơn. Có thể làm một hai việc nhẹ có tính cách vui vẻ, giải trí cũng là nghỉ, như trồng hoa, săn sóc thú vật…
Nằm thảnh thơi đọc sách, đọc mệt rồi ngủ, bạn không thấy là một thú thần tiên sao?
Còn nghỉ ngơi mà du lịch, tắm lội, chơi các môn trượt tuyết, bơi thuyền, bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền, túc cầu thì tiên cũng phải thèm.
5. Nhưng khi nói nghỉ, người ta hay nghĩ đến ngủ hoặc nằm dài ra, để tâm trí yên tĩnh.
Bạn đọc vấn đề này trong phần Người yên tâm của chúng tôi. a) Mỗi đêm bạn ngủ 8 giờ. Trưa ngủ 1 giờ. Phòng ngủ thoáng khí. Nếu bị mất ngủ đi bác sĩ.
Lúc thao thức, ngủ không được đừng khổ tâm. Ngủ không được thì làm việc, làm cho đến khi mệt sẽ buồn ngủ. Để dễ ngủ đừng ăn no ngủ liền, có thể nghe nhạc du dương, uống một ly nước mát, tránh các loại kích thích như rượu, trà, cà phê, xì-gà…
b) Bạn thử thực hiện lối nghỉ này coi: Là sau lúc làm việc mệt đừ, bạn nằm dài ra, chân tay duỗi thẳng ra mắt nhắm lại, trí không bận gì hết, tưởng tượng hai đường thẳng chạy song song về một điểm vô cùng xa tắp. Lúc tưởng như vậy bạn thở ra chậm chậm. Làm vậy nếu bạn không mơ màng ngủ luôn thì tâm thần cũng yên tĩnh sảng khoái.
6. Có một cách nghỉ lý tưởng nữa là nghỉ, xen kẽ với làm việc. Dĩ nhiên hễ làm việc thì làm tận tâm. Song bạn không làm mải miết đến mệt nhoài. Làm thấy hơi mệt là bạn nghỉ và như vậy bạn sẽ làm việc dai.
Rồi trong khi bận việc đến đâu, bạn cũng cứ làm việc với tinh thần thảnh thơi. Chú tâm vào việc, không có nghĩa là lo âu, băn khoăn, xao xuyến, giữ thần kinh quân bình. Không phải mình quýnh mà việc đắc lực đâu. Quýnh chỉ làm giảm thể lực và tâm lực. Làm việc có kế hoạch, có phương pháp, làm tận tâm thì việc sẽ thành, còn bối rối, lăn xăn chỉ hành khổ mình thôi. — Gandhi
Phần IIYên tâm
Không bình an nào bằng bình an trong tâm hồn cả.
Những sự “hụp lặn” có hại