NGUYÊN VẸN
Thấy tôi lum khum lượm từng mảnh kính bể nát để hàn gắn lại thành chiếc gương nguyên, bạn cười. Bạn có lý lắm. Tôi đã khùng. Biết bao chuyện trên đời xảy ra thế này, thế nọ, không thể thay được mà ta cứ khổ tâm lo thay đổi. Trước cửa một cơ sở ở
Amsterdam có khắc câu: “Như vậy và không thể khác được”. Phải! Vô số chuyện như vậy mà không làm sao khác được. William
James khuyên muốn thắng bước đầu tai họa nào là phải chấp nhận một tình thế đã xảy ra, phải chuyển bại thành thắng. Mà cái gì
không chuyển được thì sao? Chấp nhận nó vui sống để có lợi hay là cứ trốn nó không được và rên rỉ? Thi sĩ Milton nói: “Đui không khổ mà chịu đui không nổi mới khổ”. Hằng trăm ngàn việc xảy ra thoát ngoài vòng tay kiểm soát của bạn. Bạn thấy chúng bất lợi. Bạn làm sao? Hãy giải quyết giống Henry Ford: “Lúc tôi không lái được biến cố thì để tự nó lái lấy”. Đúng là triết lý nhẫn nhục mà mấy chục thế kỷ trước Epictète đã rao giảng và Shopen Chauer gọi là thứ hành lý
quan trọng nhất phải mang theo trên đường đời. Không xử trí như vậy, người ta sẽ loạn óc trước những việc xảy ra ngoài ý muốn của mình. Không chấp nhận cái không thay đổi được, người ta phải làm sao trước các sự kiện sau đây: Người yêu lý tưởng đụng xe chết, một văn phẩm công phu biên soạn 10 năm cháy nhà, bản thảo ra tro. Chấp nhận ở đây không có nghĩa là đầu hàng hoàn cảnh mà là không để con quỷ hối tiếc cầm tù mình trong sầu thảm hay nói như Cormik trong Reader’s Digest31 là lấy lại năng lực, tạo một đời sống mới. Vậy từ nay khi chạm trán với một tình thế không làm sao thay đổi được, bạn hãy bắt chước giáo sư Reinhald Niebur cầu nguyện rằng: “Lạy Trời xin cho con một tâm hồn điềm đạm, một tinh thần sáng suốt biết phân biệt tình thế nào hoán cải được, tình thế nào không?”
31 Reader’s Digest là một tạp chí gia đình của Mỹ, mỗi năm xuất bản 10 số, được thành lập năm 1922, bởi DeWitt Wallace và Lila Bell Wallace.