Họa đến thật thì buồn khổ đã đành. Ai cũng vậy. Còn họa sẽ đến hay không, không biết mà mất ăn mất ngủ lo sợ thì thiệt thòi lãng lối quá. Đọc truyện cổ thấy có người đòi tự tử vì sợ “trời sập đè chết”.
Bạn cười. Song họ có đáng cười bằng chúng ta không? Thấy một điềm lạ, ta sợ sẽ vong mạng hay tán gia bại sản. Làm ở sở, ta hồ nghi ở nhà có tắt điện kỹ không, tàn thuốc quăng lúc nãy tắt chưa. Đây rồi hỏa hoạn xảy ra làm sao? Chưa thi chúng ta sợ rớt, bị cha mẹ rầy la, tương lai đen tối. Đang phục vụ trong một sở, một đơn vị nào đó ta sợ bị trù, bị thưa thọt đổi đi xa gia đình, nguy tính mạng. Không biết chừng có nhiều người sẽ bị xe cán, chết trôi, trời đánh, rắn mổ hay bị trúng gió nữa. Tôi có một ông bạn sợ “năm tuổi” như sợ nanh vuốt tử thần. Đi đâu ông cũng than sợ năm tuổi có gì nguy không. Trong cuốn tự truyện của ông, Đại tướng George Grook nói: “Phần nhiều nỗi khổ lo của con người phần nhiều do tưởng tượng”. Người ta hay mắc bệnh tâm thần sợ tai họa một cách vô căn cứ. Muốn trừ bệnh ấy, hãy tin luật trung bình. Thí dụ một người Hoa Kỳ sợ sét đánh thì tính kiểu này: Theo thống kê ở Hoa Kỳ trong số
350.000 người chỉ có một người bị sét đánh nghĩa là rủi về người ấy chỉ có trong 35.000 thôi. Nhờ thấy con số đó mà đám mây mù tưởng tượng hoảng hốt bị tan. Trong việc gì con số khô khan chứ trong việc nát óc, chống sợ bá láp thì con số hữu hiệu nhất.