mại
1.3.2.1 Quy mô nguồn vốn huy động
Quy mô là chỉ tiêu phản ánh số lượng nguồn vốn huy động của ngân hàng . Với quy mô nguồn huy động ngày càng tăng sẽ hỗ trợ vốn cho ngân hàng hoạt động, phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động của mình, quy mô cũng tạo điều kiện nâng cao tính thanh khoản, tính ổn định và tăng niềm tin của khách hàng.
Nguồn vốn huy động có quy mô khác nhau theo từng giai đoạn. Các ngân hàng có quy mô lớn thì thường có ưu thế huy động hơn các ngân hàng quy mô nhỏ. Trong tình hình cạnh tranh nhau về thị phần khách hàng, lãi suất thường không có sự khác biệt nhiều giữa các ngân hàng, do vậy khách hàng thường lựa chọn các ngân hàng có quy mô lớn để đảm bảo tính an toàn, thanh khoản cho khoản tiền gửi của mình.
Một số chỉ tiêu xác định quy mô nguồn vốn huy động gồm:
Tỷ lệ vốn huy động/vốn tự có, Vốn huy động/tổng nguồn vốn: chỉ tiêu này phản ánh tỷ lệ vốn huy động trên vốn tự có hoặc tổng nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ này càng lớn thể hiện vai trò vốn huy động trên nguồn vốn của ngân hàng càng cao.
Thị phần vốn huy động trên thị trường: chỉ tiêu này phản ánh vị thế, vai trò huy động vốn của ngân hàng so với các NHTM và TCTD trên thị trường. Việc so sánh thị phần huy động vốn giúp ngân hàng có chính sách, chiến lược cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả huy động vốn từng thời kỳ.
Vốn huy động/dư nợ: chỉ tiêu này phản ánh khả năng huy động vốn của ngân hàng. Nếu tỷ lệ trên nhỏ thể hiện vốn huy động tham gia vào dư nợ ít, khả năng huy động vốn và tự lực vốn của ngân hàng chưa tốt.
1.3.2.2 Mức độ tăng trưởng ổn định của vốn huy động
Vốn huy động tăng trưởng ổn định theo thời gian sẽ đáp ứng nhu cầu tín dụng cũng như hoạt động kinh doanh khác ngày càng tăng của ngân hàng. Một ngân hàng có đủ tiềm năng về tài chính cũng như uy tín mới có thể giữ được mức tăng trưởng về huy động vốn ổn định qua các năm. Tính ổn định của vốn huy động quyết định một phần an toàn trong kinh doanh ngân hàng và thời hạn tín dụng. Nó phản ánh khả năng tìm kiếm các khoản nợ mới nhanh chóng với lãi suất thấp nhằm tăng cường khả năng thanh khoản cho ngân hàng. Các chỉ tiêu giúp xác định mức tăng trưởng ổn định của vốn huy động gồm:
Mức độ biến động trong tăng trưởng nguồn vốn huy động: chỉ tiêu này đánh giá mức độ tăng trưởng ổn định nguồn vốn của NHTM. Từ đó, cho thấy kết quả nguồn vốn qua các năm, tỷ lệ tăng trưởng tuyệt đối hoặc tỷ lệ % tăng trưởng qua các năm. Việc mở rộng quy mô nguồn vốn huy động một cách liên tục cộng với tốc độ tăng trưởng ngày càng cao sẽ chứng tỏ quy mô hoạt động của ngân hàng ngày càng lớn, hiệu quả huy động vốn được cải thiện và nâng cao.
Tỷ lệ tổng vốn huy động thực hiện/tổng vốn huy động theo kế hoạch: chỉ tiêu này được dùng so sánh giữa số thực hiện và kế hoạch đã đề ra về hoạt động huy động vốn, từ đó đánh giá hiệu quả huy động vốn của ngân hàng thương mại qua từng năm.
1.3.2.3 Cơ cấu nguồn vốn huy động
Cơ cấu vốn tiền gửi huy động phải xuất phát từ kế hoạch sử dụng vốn về kỳ hạn, danh mục, số lượng ngoại tệ, lãi suất cho vay…để có chiến lược huy động sao cho có hiệu quả nhất. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ xây dựng cơ cấu vốn tiền gửi huy động hợp lý về thời hạn gửi, loại tiền tệ, đối tượng gửi tiền. Cơ cấu nguồn tiền gửi thể hiện ở tỷ trọng từng loại tiền gửi trong tổng nguồn tiền gửi, được tính theo công thức:
Tỷ trọng nguồn tiền gửi i = (Nguồn tiền gửi i)/(Tổng nguồn tiền gửi) * 100
Để đánh giá cơ cấu huy động có hợp lý hay không cần so sánh cơ cấu huy động thực tế với cơ cấu huy động theo kế hoạch. Trong trường hợp sự tăng trưởng về quy mô vốn huy động khá phù hợp với quy mô tăng trưởng của dư nợ song lại không phù hợp về cơ cấu thì sẽ dẫn đến tình trạng chi phí đầu vào của ngân hàng tăng nếu huy động tiền gửi trung dài hạn lớn hơn nhiều so với dư nợ cho vay trung dài hạn và khả năng rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất sẽ cao nếu tiền gửi trung dài hạn nhỏ hơn nhiều so với dư nợ cho vay trung dài hạn. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra trong trường hợp không có sự phù hợp về loại tiền tệ trong cơ cấu huy động vốn và cho vay. Do đó, ngay cả khi ngân hàng huy động được nhiều vốn nhưng hiệu quả kinh doanh vẫn không cao. Cơ cấu tiền gửi huy động hợp lý có thể đáp ứng được tối đa nhu cầu sử dụng vốn góp phần đem lại lợi nhuận cao hơn cho các NHTM. Sự biến đổi trong cơ cấu huy động sẽ kéo theo sự biến đổi trong cơ cấu cho vay, đầu tư. Sự thay đổi cơ cấu huy động vốn không chỉ phụ thuộc vào kế hoạch điều chỉnh của các NHTM mà thực tế nó còn luôn luôn chịu tác động từ các nhân tố bên ngoài đòi hỏi ngân hàng phải thường xuyên nghiên cứu, tiếp cận và thích ứng với sự biến động của thị trường.
1.3.2.4 Chi phí huy động vốn bình quân hợp lý
Đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả của hoạt động huy động vốn vì nó quyết định trực tiếp tới phương thức sử dụng vốn và đặc biệt hơn cả là lợi nhuận của ngân hàng. Có thể với biểu lãi suất như nhau nhưng do khác nhau về tỷ trọng của từng loại tiền gửi dẫn đến lãi suất huy động bình quân giữa các NHTM rất khác nhau. Chi phí huy động thấp là một trong những điều kiện cơ bản giúp NHTM tăng khả năng sinh lời nhưng ít gặp rủi ro. Vì vậy, các ngân hàng luôn phấn đấu đạt được chi phí huy động bình quân hợp lý nhất, đảm bảo đáp ứng được như cầu cho vay, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay lớn nhất có thể, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thông thường ta dùng chỉ tiêu sau để xác định:
Tỷ lệ chi phí huy động vốn/ Tổng chi phí: chỉ tiêu này phản ánh cơ cấu chi phí hoạt động huy động vốn trên tổng chi phí của ngân hàng. Tỷ lệ này càng lớn thể
hiện các khoản chi phí của ngân hàng tập trung nhiều vào hoạt động huy động vốn. Từ đó, ngân hàng phải cân đối các khoản chi phí trong hệ thống, so sánh với lợi nhuận ngân hàng nhận được để có giải pháp và kế hoạch huy động vốn cụ thể.
Chi phí trả lãi tiền gửi bình quân (chi phí trả lãi tiền gửi/tổng vốn huy động): chỉ tiêu này phản ánh số tiền mà ngân hàng phải bỏ ra cho một đồng vốn huy động được. Nếu chi phí trả lãi bình quân giảm theo từng năm, kèm theo sự tăng trưởng về quy mô nguồn vốn huy động chứng tỏ công tác huy động vốn của ngân hàng đạt được những hiệu quả nhất định.