6. Cấu trúc của luận văn
1.3.1. Dân tộc Mường
Địa bàn cư trú chủ yếu của người Mường là ở những thung lũng thấp, tương đối bằng phẳng, có nhiều đồng ruộng. Hiện nay Mường là tộc danh chính thức, được nhà nước công nhận và sử dụng trong các văn bản pháp quy. Tuy nhiên, trong đời sống và văn học dân gian, người Mường tự gọi mình là Mol, Mual, Mul hay mon… tùy cách gọi của từng địa phương. Mol, Mual, Mul, Mon đều có nghĩa là Người. Trước kia, Mường là một từ chỉ khu vực hành chính tương đương một châu, huyện hay một xã lớn như Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động.
Ở Hòa Bình người Mường là chủ nhân lâu đời nhất của mảnh đất này. Ngay từ thời xa xưa, người Mường đã cư trú trên khắp các huyện thị trên địa bàn tỉnh, tuy mức độ phân bố không đồng đều cả về mật độ và số lượng. Hòa Bình là khu vực đặc điểm về địa hình phù hợp với đặc điểm cư trú chủ yếu của người Mường mà nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định. Đó là vùng núi đá vôi thấp xen kẽ với những khối đá phiến, giữa các dãy núi có những mặt bằng thung lũng rộng, những đồi lượn sóng thấp. Trong quá trình
phân hóa thành hai tộc người Mường và Việt từ nguồn gốc chung là người Lạc Việt sau hơn 1000 năm thời kỳ Bắc thuộc, thì tộc người Mường không có thay đổi nhiều về địa bàn cư trú của mình.
Vùng đất Hòa Bình cũng như huyện Lạc Sơn cách các tỉnh đồng bằng Bắc bộ - nơi cứ trú chủ yếu của người Việt cổ không quá xa, cùng với một số địa bàn khác ở các tỉnh như Thanh Hóa, Phú Thọ và một số tỉnh khác trong cả nước. Nhưng những địa bàn đó chủ yếu là người Mường di cư đến sau này vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Hòa Bình cũng chính là tỉnh có số lượng người Mường sinh sống đông nhất trên cả nước. Theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê năm 2009, số lượng người Mường
trên cả nước là 1.268.963 người. Cùng với đó, huyện Lạc Sơn cũng là một trong những
huyện có người Mường sinh sống đông nhất trong tỉnh so với một số huyện khác chiếm 91% dân số của toàn huyện. Sự phân bố cư dân Mường ở Hòa Bình gắn liền với nguồn gốc lịch sử, môi trường tự nhiên của khu vực cũng như tập quán sản xuất và sinh hoạt của dân tộc Mường.
Người Mường ở Hòa Bình tập trung ở những khu vực có địa hình thấp, có độ cao trung bình 300m, nơi mà trước kia là các trung tâm trù phú nhất của người Mường ở Hòa Bình với những cái tên như Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Trong đó Lạc Sơn (Mường Bi, Mường Vang trước kia) và Kim Bôi (Mường Thàng) là nơi có người Mường sinh sống đông nhất trong tỉnh Hòa Bình. Địa hình của Lạc Sơn khá phù hợp với đặc điểm nơi cư trú của người Mường, là những vùng tương đối bằng phẳng không quá cao, có những dòng sông con suối phù hợp với đặc điểm canh tác nông nghiệp của người Mường. Trong quá trình hình thành và phát triển người Mường cũng rất ít khi thay đổi địa bàn sinh sống của mình, Lạc Sơn được coi là cái nôi
của người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Sách Đồng Khánh địa dư chí cũng ghi chép: “Trong
huyện đều là người Thổ (Mường), tính quen mạnh tợn, giỏi bắn nỏ, thích săn bắn, không học chữ Nho… tính tình quê mùa chất phác”. [71, tr.1040] Sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên cũng ghi lại: “Huyện Lạc Yên đều là thổ dân” (Thổ cách gọi người Mường) [37, tr. 86].
Hiện nay, Lạc Sơn là địa bàn sinh tụ của 16 dân tộc với tổng số dân là 136.652 được phân bố trên 24 xã, thị trấn trong huyện, trong đó dân tộc Mường là 124.354 người, chiếm 91%, còn lại là người Kinh và các dân tộc khác. Hầu hết các xã ở Lạc Sơn đều chiếm trên 90% dân số là người Mường (theo số liệu Chi cục Thống kê huyện).