Khai thác lâm,thổ sản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kinh tế, văn hóa huyện lạc sơn tỉnh hòa bình nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 77)

6. Cấu trúc của luận văn

2.3.3. Khai thác lâm,thổ sản

Lâm thổ sản là một trong những nguồn lợi quan trọng và có giá trị kinh tế ở địa phương. Ở Lạc Sơn sẵn có nhiều nguồn lợi lâm,thổ sản như gỗ, đinh, lim, mây, tre, nứa,… Ngoài ra còn có nhiều dược liệu phong phú như sa nhân, hà thủ ô, quế, màn tang,

mật ong, dổi… Việc thu nhặt lâm thổ sản vừa để cung cấp thêm thức ăn cho gia đình như măng, nấm, rau, hoa quả… Nhưng quan trọng hơn là việc khai thác gỗ và lâm thổ sản khác để bán cho Nhà nước. Hiện nay có một số cây trồng được chính quyền khuyến khích trồng để thu hoạch bán ra thị trường nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân như cây dổi. Một loại cây thu hoạch hạt rất có giá trị kinh tế ở huyện.

Săn bắn là một trong những hoạt động cũng xuất hiện trong đời sống kinh tế của người Mường ở Lạc Sơn. Mặc dù, con thú săn là món ăn không đều đặn trong các loại thực phẩm của họ. Thường thì việc săn bắn của người Mường chủ yếu vì lòng ham thích,và ở những làng mà thổ lang thích săn bắn, họ cũng ít đi một mình mà săn bắn phần nhiều chỉ diễn ra trong những dịp thuận lợi tụ họp nhau lại, cùng nhau săn bắn và khi về thường cùng nhau ăn uống. Một vài buổi lễ cúng cần thiết phải có một miếng thịt dã thú săn được, đặt bên cạnh những đồ cúng khác, do đó trước buổi lễ phải có một buổi đi săn, như ở Mường Bi, trong những buổi lễ cúng đầu năm mới, còn ở Mường Vang săn bắn diễn ra ở những buổi đi lễ theo công việc cày bừa ruộng đất. Trong tập tục của người Mường hầu hết các nơi khi nói về đồ cúng cần thiết cho các buổi lễ lớn trong làng đều có kèm theo một miếng thịt dã thú, tuy nhiên nếu không có thì có thể thay thế bằng một con lợn nhà để cúng tế thần linh. Vậy nên, săn bắn là một hoạt động có trong đời sống kinh tế của người Mường nhưng không diễn ra thường xuyên của cư dân Lạc Sơn.

Tiểu kết: Là một huyện miền núi vùng phía Bắc tình hình ruộng đất ở huyện Lạc Sơn trước thế kỷ XIX chịu sự chi phối rất lớn của các thổ tù địa phương - chế độ Lang đạo. Họ là tầng lớp nắm quyền thống trị về chính trị - xã hội và chi phối đời sống kinh tế vì vậy họ chiếm số lượng lớn ruộng đất, họ có quyền chia ruộng đất cho dân, bắt dân thực hiện một số nghĩa vụ đối với họ như nghĩa vụ làm “xâu”. “nõ”, đi phiên…. Qua việc nghiên cứu về địa bạ huyện Lạc Sơn năm Minh Mệnh 18 (1837, cho thấy, ruộng đất ở huyện Lạc Sơn đến nửa đầu thế kỷ XIX 100% là đất thực trưng, không có đất lưu hoang; Có loại đất điền và thổ. Đất điền được phân chia thành ba loại, chủ yếu là đất loại 2 và loại 3. Quy mô sở hữu rất thấp, phần lớn các xã có quy mô sở hữu ở quy mô từ 50 - 100 mẫu. Ruộng đất chủ yếu ruộng đất tư (chiếm 86,9%) nhưng thuộc sở hữu của xã. Không có sở hữu ruộng đất của các dòng họ, càng không có sở hữu của chủ nữ. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trồng trọt (lúc nước) nhưng vẫn còn lạc hậu, kỹ thuật canh tác thô sơ, năng suất thấp. Thủ công nghiệp và thương nghiệp kém phát triển, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tự cung tự cấp, chỉ là nghề phụ, bổ trợ cho sản xuất nông nghiệp.

VĂN HÓA HUYỆN LẠC SƠN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX 3.1. Làng bản và nhà cửa

Địa vực chủ yếu của người Mường ở Lạc Sơn là ven các thung lũng hẹp, trên sườn núi đá vôi và bên các dòng suối, bố trí theo hình rẻ quạt. Người Mường sống quần cư thành từng làng, đơn vị dưới làng là xóm, trên làng là mường. Xóm có khi chỉ năm sáu chục nóc nhà (mỗi nóc là một gia đình). Mường là địa phận của một vùng đất không phân chia theo đơn vị hành chính, cũng không theo tập quán cư trú, có mường rộng bằng vài xã, vài huyện,…

Bản Mường truyền thống không nằm trên các đường cái lớn như người Kinh mà nhấp nhô, thấp thoáng trong màu xanh bao la của núi rừng. Lối vào làng Mường thường khúc khuỷu, ngoằn nghèo, uốn lượn theo thế đất, thế rừng tự nhiên. Các cây cao là dấu

hiệu phổ biến của các làng bản của người Mường. “Từ rừng nhỏ nhô lên một bụi cau,

trong một kẽ lá, một mái nhà tranh hiện lên như một khối màu nâu, một chút khói bốc lên không thành từng cột, như những bức màn… Nhìn kỹ, ta thấy đó đây độ dày một mái nhà, góc của hai bức vách, bậc một cầu thang; ngừng lại để lắng nghe một lúc, ta nghe rõ nhịp chày giã lúa: một làng Mường náu mình ở đó. [28, tr. 127] Làng của người Mường không lộ toàn bộ, từng nhóm họp thành làng. Đôi khi các nhà ở tản mát trên một diện tích rộng lớn. Làng Mường không có sự thẳng hàng, không có sự cân đối, một vài nhà dựng lên ở gần các con sông nhỏ, một vài nhà khác trên sườn dốc cao hơn ruộng. Đường vào bản mường thường là những con đường mòn nhỏ quanh co men theo sườn đồi, gò hoặc phải lội qua những con suối, ngòi. Nếu biết đường, người ta đi từ làng này đến làng khác trong vài phút nhưng nếu không biết đường thì rất dễ bị lạc. Mỗi lối có nhiều nhánh, chẳng lối nào có mốc làm dấu. Người Mường lập xóm, lập mường, dựng nhà chỉ nhằm thuận tiện việc đi lại, canh tác, ăn ở mà ít chú ý đến hàng lối xóm mường… Nhà người Mường ở lộn xộn, không có hàng lối, không có cổng vào mường như cổng làng ở dưới xuôi [17, tr. 121].

Làng xóm người Mường thường về phía tây, bên cạnh có khu nghĩa địa chung cho cả bản. Nghĩa địa nằm dưới những tán cây cối um tùm. Người ta phân biệt các ngôi mộ bằng cách chôn các hòn đá tương ứng với đầu, 2 tay và 2 chân người chết. Làng của người Mường thường dựa lưng vào núi đồi, quay mặt về phía cánh đồng, con sông, con suối. Bố trí làng như vậy có nhiều tiện lợi, trời mưa không bị ngập úng, trời bão gió không đâm trực tiếp vào làng, phân tro trong làng được đưa trực tiếp ra đồng ruộng. Cho nên ruộng đầu làng “ruộng mổ” là ruộng tốt cho cấy lúa nếp. Đối với người Mường bến nước có vai trò nhân sinh và tâm linh rất quan trọng. Trước khi lập làng người ta

phải xem đâu là bến nước. Dân gian Mường có câu: “Đồng lúa xanh, lành bến nước” hay “tốt bến lành nước” là chốn ở đáng sống. Còn khi người ta phải bỏ làng ra đi vì “Bến không mát, nước không lành”.

Mỗi làng xóm của người Mường thường quần tụ nhiều dòng họ, có địa vực cư trú riêng, có phạm vi đất đai canh tác, đất rừng, khúc sông, khe suối riêng thuộc quyền quản lý, sử dụng của mỗi bản. Quy mô to, nhỏ của mỗi làng thường phụ thuộc vào hoàn cảnh địa lý, quy mô dân số, số nóc nhà trong bản đó. Nhiều làng bản họp lại thành mường. Mường có diện tích to nhỏ khác nhau. Tên gọi của các làng xóm cũng rất phong phú và đa dạng, ban đầu nghe rất tự nhiên và có vẻ ngẫu hứng, nhưng nếu có nghiên cứu thì sẽ thấy nó hoàn toàn có chủ ý và dựa theo những “nguyên tắc” khá cơ bản, đó là dựa theo địa hình, địa vật, loài cây thực vật đặc trưng ở đó, đặt tên theo nguồn nước, theo các điển tích, điển cố truyền miệng… Đây là cách đặt tên dân dã, gần gũi với đời sống nên có sức sống rất lâu bền trong dân gian. Ví dụ như làng (xóm) Rống Láo (Vũ Bình - Lạc Sơn), “láo” trong tiếng mường có nghĩa là cây nứa, xưa kia khu này có một rừng nứa nguyên sinh xanh tốt, khi người Mường định cư ở đây đặt tên làng mình là Rống Láo có nghĩa là lưng cây nứa hay xóm Bưng (Hương Nhượng - Lạc Sơn), gắn liền với tích kể về anh em một gia đình nọ trong mường có công đánh giặc. Mỗi khi quan giặc qua sông để tiến vào mường đều bị ba anh em đánh tan, bọn giặc kháo nhau, bảo rằng vào mường đó bị ba anh em đánh chặt bịt kín như bưng, chúng không làm gì được. Hay Xóm Ải (Phong Phú - Tân Lạc) là tên có từ thơi Lê. Dân gian kể rằng, vua Lê (không rõ là vị vua Lê nào) đi lên Tây Bắc đánh giặc, qua Mường Bi cho dựng ải, dựng lũy, tên xóm Ải (mường Ải) ra đời t từ đó.. Sau này, tên tổng, xã có sự thay đổi do chính quyền trung ương nhưng các tên đó chỉ tồn tại trên giấy tờ hành chính, còn đối với họ vẫn quen với cách gọi tên làng bản cũ. Hiện nay, tên gọi các làng bản cũng có sự thay đổi nhiều phần lớn do người Mường không có chữ viết riêng nên các tên làng bản chủ yếu qua truyền miệng, các điển tích, điển cố, lịch sử, ý nghĩa tên gọi các làng bản đó dần mất đi, ở xã Vũ Lâm có xóm Rống Láo nay đổi tên thành xóm Quyết Tiến.

Ở Lạc Sơn có hơn 90% là người Mường nên ở đây làng xóm của người Mường

là đặc trưng nhất, còn một số tộc người khác như Thái, H’Mông, Dao… chỉ chiếm số

ít và sống rải rác trên toàn địa phận khá rộng lớn của huyện, chính vì vậy mà với một số tộc người khác trong huyện tổ chức làng bản của họ là không đặc trưng và cũng không sống tập trung với nhau mà họ sống xen kẽ cùng với người Mường và vì vậy họ theo cách tổ chức làng xóm của người Mường. Còn đối với người Kinh họ có mặt ở Lạc Sơn muộn hơn so với dân bản địa, địa vực cư trú chủ yếu của họ là ở những vùng

trung tâm bằng phẳng, như thị trấn Vụ Bản ngày nay, nó thuận tiện cho việc đi lại, làm ăn buôn bán mà theo tiêu chí “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”.

Nhà ở của người Mường cổ truyền là nhà sàn, ở Lạc Sơn cũng vậy. Việc xuất hiện ngôi nhà sàn của người Mường từ khi nào, rất khó xác định. Chỉ biết rằng trong áng sử thi Đẻ đất đẻ nước và truyền thuyết về việc rùa giúp vua Dịt Dàng làm nhà thì đã đề cập đến việc làm nhà sàn của người Mường:

“Bốn chân tôi làm nên cột cái

Những sườn dài, sườn cụt làm nên rui Nhìn qua đuôi làm trái

Nhìn lại mặt làm cửa thẳng, cửa sổ

Nhìn vào sương sống làm đòn nóc dài dài Và theo cái mai làm mái

Lấy lá bái làm vách làm tranh

Lấy cùn bện lại mà làm keo…” [17, tr. 122].

Đối với người Mường, rùa có vị trí đặc biệt trong tín ngưỡng bái vật nhưng vừa gần gũi, thân thuộc, vừa linh thiêng. Rùa xuất hiện trong các câu chuyện thần thoại của người Mường cùng với tập quán dân gian có lẽ vì thế người Mường đã hình thành nên những suy nghĩ, lối tư duy trực quan, từ đó tạo nên tập quán ở nhà sàn phỏng theo mô hình “con rùa”, bốn chân là bốn cái cột cái, mái sườn là mái nhà, xương sống là đòn nóc, đầu là cửa chạn.Vậy nên, rùa là con vật linh thiêng của người Mường, biểu hiện sự trường tồn và nét đặc trưng văn hóa của người Mường.

Dưới thời lang đạo gia đình nào muốn làm nhà cần có sự đồng ý của nhà lang, sau đó chủ nhà báo tin cho các nhà nóc trong xóm, trong mường, để nhờ mọi người

giúp đỡ. Tục ngữ Mường có câu: Một người đàn ông không dựng được nhà. Một người

đàn bà không đánh được tranh (Một người đàn ông nếu không có sự trợ giúp thì không thể một mình làm được một ngôi nhà, một người đàn bà một thân một mình không có

sự trợ giúp không thể cắt được cỏ tranh (một loại cỏ dùng lợp mái nhà)).Câu tục ngữ

cũng nói lên lối sống tốt đẹp của người Mường, luôn giúp đỡ lẫn nhau, dựa vào nhau, cộng sức để làm những việc lớn. Làm nhà là một trong những việc lớn của đời người vì vậy mà khi những gia đình làm nhà, tùy theo từng hoàn cảnh và yêu cầu của từng nhà, mà xóm mường có sự giúp đỡ khác nhau: giúp sức và vật chất như chặt bương, đặt gỗ,…cho đến khi hoàn thành ngôi nhà cả phụ nữ và đàn ông của các gia đình khác đều bố trí công việc nhà mình mà giúp đỡ. Có thể thấy tính cố kết cộng đồng của người Mường rất cao. Đến nay người Mường vẫn giữ được tập tục tốt đẹp này.Ở người Mường, tất cả các hoạt động chuẩn bị và khởi công dựng một ngôi nhà mới

đều do mo đảm nhận. Cái hướng mà người Mường kiêng kỵ là không quay mặt nhà mình vào chân đá, tức núi.

Nhà sàn của người Mường có bốn mái, hai mái trước và sau có hình thang cân, hai mái đầu hồi có hình tam giác cân. Kết cấu của nhà sàn Mường có khá nhiều các chi tiết như: vì kèo, các hàng cột (cột cái, cột con), xà ngang (quết), đòn tay, hàng rui, các hàng mè… Mỗi một chi tiết đều có công năng riêng của nó. Cột nhà làm bằng gỗ tròn hoặc vuông nhưng phổ biến là tròn, cây gỗ được chọn làm cột cái thường là những loại gỗ tốt như: gỗ lim gỗ bồ giáng, gỗ mài lái hoặc gỗ hèo. Cột cái được dựng ở gian gốc, gian đầu tiên trong nhà. Người Mường thường gọi là cột chồ. Cột chồ trong ngôi nhà Mường có ý nghĩa rất quan trọng, người ta giữ nó sạch sẽ, khách đến nhà ngồi ở gian gốc, gần cột chồ, nhưng không được dựa lưng vào cột chồ, phần dưới sàn chung quanh cột luôn giữ sạch sẽ, không dựa bất cứ vật dụng nào vào cột chồ.

Nguyên liệu để làm nhà sàn truyền thống của người Mường là những thứ có sẵn trong tự nhiên như gỗ, tre, nứa, lá, đất, đá… Nhà lợp bằng cỏ tranh, lá cọ hoặc rạ đan thành từng phên. Sàn nhà thường lát bằng những cây bương hoặc bằng gỗ, phổ biến vẫn là cây bương. Ngày nay, nguyên liệu để làm nhà sàn có thêm gạch, ngói, xi măng…

Nhà sàn của người Mường chia thành các gian. Theo chiều ngang, tùy theo điều

kiện kinh tế gia đình mà chia thành nhiều hay ít gian, tương ứng với nhà to hay nhỏ. Với nhà dân thì thường có một đến hai gian. Mỗi gian có 2 chái. Phổ biến nhất là nhà 2 gian (4 chái). Tất cả các gian trong nhà mọi thành viên đều có thể tự do đi lại. Tuy nhiên theo tập tục người Mường thì gian ngoài (chái ngoài cùng) là nơi có cột chồ chỉ có đàn ông được nằm ở đó, đôi khi gian này cũng được dùng là nơi cho khách ngủ (phải là khách quý). Trong các việc như tang lễ, hôn lễ chỉ có những người có vai cao trong họ mới được ngồi ăn cơm ở đây. Gian này có một cột cái đối diện với cột chồ. Bên chân cột này là chỗ để chơi và vài cum lúa đã rũ hết thóc. Cột được đội một cái giỏ thủng mà xà chen lên và treo một đoạn tre hay gỗ tước xơ ra ở một đầu, đoạn tre này là biểu tượng dương tính, gọi là nõ và cái giỏ thủng là biểu tượng của âm tính gọi là nường. Chái thứ hai ngay sát chái ngoài cùng, không gian này là nơi khách và đàn ông ngủ, phía trên cùng gần cửa voóng là nơi để bàn thờ. Chỗ này thường dành cho đàn ông ngủ [132].

Gian thứ hai (2 chái còn lại) là nơi các thành viên trong gia đình sinh hoạt nhiều nhất trong ngôi nhà. Chái thứ 3 chủ yếu là nơi ngồi ăn cơm chính của cả gia đình và đặt bếp. Chái trong cùng của ngôi nhà thường được có vách ngăn gian này với ba chái

còn lại gọi là buồng. Buồng là nơi phụ nữ ngủ, có chạn bát, có đồ dùng gia đình, nơi sửa soạn cơm nước, khách hoặc người lạ không được tự đi vào nếu không được sự đồng ý của chủ nhà. Chái này, nếu con trai trong nhà mới kết hôn khi chưa ra ở riêng thì được dành cho vợ chồng người con trai mới cưới, giống như phòng tân hôn của người Kinh. Còn nếu nhà còn con gái lớn chưa lấy chồng cũng thường ngủ ở chái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kinh tế, văn hóa huyện lạc sơn tỉnh hòa bình nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)