Quan hệ dòng họ, gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kinh tế, văn hóa huyện lạc sơn tỉnh hòa bình nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 107 - 109)

6. Cấu trúc của luận văn

3.6. Quan hệ dòng họ, gia đình

Quan hệ họ hàng thân tộc ở người Mường cũng mang tính song phương giống như người Kinh, tính theo cả bên nội và bên ngoại. Nhưng quan hệ thân tộc của người Mường đơn giản hơn người Kinh, vì người Mường quan hệ thân tộc ít dòng họ hơn so với người Kinh. Trước kia, xã hội Mường được chia thành hai “đẳng cấp” là thống trị và bị trị. Tầng lớp thống trị là Lang đạo chủ yếu bốn dòng họ: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng. Ở Lạc Sơn có hai dòng họ lang đạo là Đinh, Quách. Hai họ này cai quản một mường nào đó thuộc về một dòng họ (Mường Bi là dòng họ Đinh, Mường Vang là dòng họ Quách), nên ít khi xảy ra sự mâu thuẫn. Lang cun là lang có quyền lực nhất và các lang đạo phải phục tùng lang cun. Lang cun được truyền lại theo thể thức cha truyền con nối, khi lang cun qua đời mà không có con trai thì vợ lang cun sẽ lên thay chồng cho đến khi không làm được chức vị thì họ nhà lang và những người tin cẩn trong dòng họ sẽ tìm một người thay thế. Tầng lớp bình dân chủ yếu mang họ Bùi, ngoài ra cũng có một số họ khác nhưng rất ít. Quan hệ dòng họ của người Mường chi phối đến tất cả mọi mặt của đời sống dân cư, đặc biệt trong hôn nhân và tang ma. Vào những dịp này

dòng họ quan lang coi đây là dịp để phô trường thanh thế và sự giàu có của gia đình, dòng họ mình.

Người Mường có quan niệm “anh em chín đời còn hơn người dưng”, nếu anh

em trong dòng họ lấy nhau hay có quan hệ tính giao với nhau sẽ bị dư luận lên án và xử theo luật tục, vì đây là những người nội ruộng nghĩa là cho đến đời thứ chín vẫn còn được nhận ruộng của tổ tiên. Nếu anh em trong họ lấy nhau tức là phạm tội loạn luân sẽ bị đuổi ra khỏi dòng họ và đuổi đi nơi khác. Lạc Sơn là một trong những trung tâm lớn của người Mường ở Hòa Bình, và tầng lớp bình dân ở đây cũng chủ yếu là họ Bùi, ngoài ra còn có một số dòng họ như Nguyễn, Hoàng nhưng số lượng rất ít. Vì vậy khi kết hôn thường phải “điều tra” rất rõ nguồn gốc dòng họ để tránh việc kết hôn trong dòng họ. Về sau do sự phát triển ngày càng đông, dòng họ gốc chia ra thành nhiều chi nhánh, nên ngoại hôn chỉ được thực hiện với chi nhánh.

Về quan hệ trong họ hàng thân tộc. Người Mường quan niệm đứa trẻ ra đời trước, nhìn thấy mặt trời trước, đứa ấy làm anh, làm chị. Vì vậy, dù con nhà bác nhưng đẻ sau vẫn phải gọi con nhà chú bằng anh hoặc chị. Trong quan hệ thân tộc ở người Mường, từ thế hệ I sang thế hệ II, rất có thể có sự thay đổi về vị thế.

Gia đình truyền thống của người Mường là gia đình nhỏ, đơn giản, một vợ một chồng và các con trai gái, dâu rể. Đặc điểm của các gia đình nhỏ trong xã hội Mường truyền thống là kết hôn sớm và sinh nhiều con. Họ quan niệm, đông con để có thêm lao động, đông con để khi về già có con phụng dưỡng. Một nét văn hóa nổi bật trong gia đình người Mường là: sống hòa thuận.Trong gia đình người Mường gần như không có sự to tiếng, đánh chửi nhau. Quan hệ gia đình mang tính phụ quyền rõ nét. Gia đình nào cũng mong có con trai để nối dõi tông đường. Người cha, người chồng luôn là người chủ gia đình, có quyền quyết định mọi việc quan trọng trong gia đình: công việc làm ăn, việc tang ma, cưới hỏi, cúng giỗ, tế lễ, đối ngoại với hàng xóm làng giềng, họ hàng và các chức sắc địa phương… Những tài sản trong gia đình như ruộng, trâu, bò đều thuộc quyền thừa kế của người con trai cả. Khi cha mẹ về già, mọi công việc xưa kia người cha là chủ sự đều giao lại cho con trai trưởng.

Phụ nữ hầu như không có quyền gì trong gia đình, họ không được chia phần tài sản của bố mẹ để lại. Người Mường có tục thu lụt, tức là những nhà sinh toàn con gái, khi cha mẹ qua đời, ruộng đất bị nhà lang thu hồi lại để chia cho các gia đình khác. Khi bước chân về nhà chồng người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình chồng mà không có quyền hành gì. Phụ nữ Mường làm phần lớn công việc trong gia đình, từ làm ruộng, làm nương, làm thủy lợi, cho đến công việc bếp núc. Vào mùa vụ họ phải làm

việc từ 12 - 14 giờ một ngày, từ sáng sớm cho đến đêm muộn. Trong quan hệ vợ chồng của người Mường rất hòa thuận, bền vững, ít khi xảy ra li hôn.

Quan hệ giữa bố mẹ và con cái đề cao chữ hiếu. Trong nhà, con cái phải nghe lời cha mẹ. Khi cha mẹ về già thì con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ già. Cha mẹ luôn uốn nắn, dạy bảo con cái về cách ứng xử trong nhà, với họ hàng, làng xóm. Trong lao động sản xuất, trẻ em sớm biết giúp đỡ bố mẹ làm ruộng nương, đi rừng lấy củi, lấy măng… Khi lớn lên được bố mẹ dựng vợ gả chồng và cho ở riêng nhưng các con trai, con gái, con dâu, con rể và người con trai trưởng vẫn luôn chu đáo chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ. Khi bố mẹ qua đời, mọi người trong gia đình đều có nghĩa vụ đóng góp và tổ chức tang lễ chu đáo.

Trong gia đình người Mường, anh chị em sống với nhau hòa thuận, lễ nghĩa, tình cảm anh em khăng khít, có trách nhiệm với nhau. Điều này được thể hiện qua câu thành ngữ: “Chém kha đác chăng loi, choi kha đác chăng lìa” nghĩa là: anh em như dòng nước dù chém cũng không đứt, dù chặt cũng không lìa. Người Mường rất coi trọng quyền của người anh cả trong gia đình, nếu chẳng may cha mẹ mất sớm thì người anh cả thay cha mẹ nuôi dạy các em, dựng vợ, gả chồng cho các em. Đặc biệt, ở người Mường không có cảnh anh em cãi vã, tranh giành của cải khi cha mẹ qua đời.

Nét đẹp trong văn hóa gia đình người Mường là họ rất yêu trẻ con và trọng người già. Nhà có khách, chủ nhà thịt gà đãi khách, thì việc đầu tiên trước khi đưa lên mâm là chặt cái đùi để lại cho con trẻ. Trẻ con thường được ăn cơm trước.

Theo chế độ phụ hệ, nhưng sinh hoạt trong gia đình người Mường khá bình đẳng. Tuy vậy, tục lệ Mường quy định rất chặt chẽ một số mối quan hệ trong gia đình như là: mối quan hệ giữa bố chống và nàng dâu, mẹ vợ với con rể, anh chồng với em dâu. Người Mường đặc biệt quý con dâu, con rể, tuy nhiên trong mối quan hệ này họ luôn tế nhị và giữ một khoảng cách nhất định. Con dâu không được ngồi ăn cơm, uống nước và không được ngồi bàn công việc cùng bố chồng. Con dâu phải đi một cầu thang riêng dành cho phụ nữ trong nhà, buổi tối phải mắc màn, trải chiếu cho bố chồng, phải đi ngủ sau mọi người chứ không được đi ngủ sớm, sáng ra phải dậy đầu tiên trong nhà. Bố chồng luôn giữ thái độ nghiêm nghị và có khoảng cách với các con dâu trong gia đình. Cũng tương tự như vậy, mẹ vợ với con rể, anh chồng với em dâu không được ngồi ăn cùng mâm, không được bông đùa với nhau, không đi cùng nhau, anh chồng không vào buồng ngủ của em dâu và ngược lại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kinh tế, văn hóa huyện lạc sơn tỉnh hòa bình nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 107 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)