6. Cấu trúc của luận văn
3.8. Tín ngưỡng, tôn giáo
Quan niệm vũ trụ của người Mường với “ba tầng bốn thế giới”. Tầng cao nhất
là thế giới Mường Trời (Mương K’lơi), là nơi trú ngụ của Vua Trời và các phò tá của
Vua Trời. Tầng giữa là Mường Pưa (Mương Pưa), là thế giới của người sống, tập hợp lại thành các gia đình, xóm và mường. Tầng thứ ba có hai thế giới là Mường Pưa Tín ở dưới mặt đất và Mường Vua Khú (Mương Bua Khú) ở đáy nước. Thế giới ở dưới mặt đất không phải là âm ty, không phải là thế giới siêu nhiên của tinh linh, mà là thế giới của những người tí hon, gia súc cũng tí hon, có lối thông lên với thế giới của người trên mặt đất. Thế giới của Vua Khú là vương quốc của bọn khú dưới quyền cai quản của Vua Khú.
Hệ thống vũ trụ “ba tầng bốn thế giới” của người Mường lấy Mường Pưa, thế giới của người sống làm trung tâm: mọi đường đi đều xuất phát từ đây, mọi thế giới đều quy tụ về đây. Tuy đều ở trong không gian hữu hạn, mỗi thế giới lại có một bản chất riêng, do đó sự thông thương giữa các thế giới bị hạn chế. Mường Pưa là thế giới tự nhiên, là “cõi sống” của người Mường. Mường Pưa Tín vốn thông thương với Mường Pưa, cũng là thế giới tự nhiên nhưng thấp kém hơn. Mường Trời là thế giới siêu nhiên hoàn chỉnh nhất: thời gian ở đây vô tận. Mường Vua Khú, mang nặng tính chất cổ tích hơn tôn giáo, cũng là một thế giới siêu nhiên [7, tr. 25].
Tín ngưỡng của người Mường là tín ngưỡng đa thần giống như các dân tộc khác sống ở vùng núi rừng Tây Bắc.
Thờ các hiện tượng thiên nhiên: Người Mường cũng tin vào thuyết vạn vật hữu hình và luôn trân trọng thờ cúng các linh hồn (vía). Từ đó người Mường có khái niệm “ma”: ma rừng, ma núi, ma sông, ma suối, ma nương, ma ruộng… còn tổ tiên là ma nhà. Một số loại động vật cũng được người Mường thờ như: hổ, thuồng luồng, chim chóc… có nhiều động vật trở thành tô tem của dòng họ. Người Mường thờ nhiều nhất là núi, họ còn gọi núi là thần. Họ thờ núi ở địa phương, trong đó vị thần núi cao cả và linh thiêng nhất được tất cả các mường thờ đó là núi Tản Viên “Tản Viên Sơn Thánh”. Bàn thờ của Thánh Tản Viên được coi là nơi liêng thiêng trong nhà. Ngày 27 tháng chạp và rằm tháng 7 hàng năm người Mường có lễ cúng ngài. Đền, miếu thờ Thánh Tản Viên được dân làng lập ở trung tâm mường. Với người Mường, thánh Tản Viên là vị anh hùng chống lũ lụt, bảo vệ mùa màng.
Thờ thành hoàng làng: Cũng là một tín ngưỡng phổ biến ở người Mường. Thành hoàng là vị thần bảo trợ chung cho bản mường, che chở, đỡ đầu cho bản mường. Thành
hoàng mường có thể là một hay nhiều vị được thờ tại quán, miếu hay đền. Trong đó, gian giữa là nơi thờ đức thánh Tản Viên Ba Vì - vị thần nú, gian trái thờ thành hoàng quan lang, gian phải thờ những người cùng lang đến địa phương và trực tiếp bỏ sức ra khai phá đất đai. Ngoài đức Thánh Tản Viên là một nhân vật nổi tiếng được thờ khắp vùng Mường, mỗi vùng lại thờ những nhân vật thần thành hoàng khác nhau, ở Mường Vang thuộc (xã Cộng Hòa) thờ ông Quách Đốc, ở Mường Chiềng, Mường Tôm (xã Tân Lập) thờ một cái đầu lâu không rõ tung tích, người Mường Tre, (xã Văn Nghĩa) thờ thần đá và Ả Đắng… các vị thần thành hoàng ở các nơi được thờ rất phong phú. Nó biểu hiện khác đầy đủ cả tín ngưỡng thờ nhân thần, thờ đá, thờ nước thờ cây… Người Mường cũng thờ thần đất phổ biến như người Kinh với tâm thức “đất có thổ công, sông có hà bá”.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: Theo quan niệm của người Mường sau khi qua đời, con người chết đi về mặt thể xác nhưng vẫn có linh hồn (người Mường gọi là ma). Trên bàn thờ của người Mường những hồn (wại) được thờ bao gồm: bố đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông cụ nội, bà cụ nội. Trong hệ thống gia phả các dòng họ của người Mường, việc thờ cúng tổ tiên (tính theo họ nội) được xác định đến ông tổ 4 đời, còn tổ tiên của họ ngoại chỉ tính đến ba đời. Ở người Mường khái niệm tổ tiên không chỉ bao gồm họ nội mà còn có cả họ ngoại. Người Mường thờ cúng tổ tiên theo quy ước. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà người ta làm bàn thờ to nhỏ, đẹp hay đơn giản khác nhau. Đồ thờ ở trên bàn thờ cũng vậy, nhà giàu thì trang hoàng. Bàn thờ luôn được đặt ở những vị trí trang trọng (gian voóng - gian khách). Ngoài bàn thờ chính thờ tổ tiên, bên trái bàn thờ chính có thể có bàn thờ phụ khác thờ những người chết mà không có con cái, hay các vị khác. Người Mường không tổ chức cúng lễ thường xuyên như người Kinh, họ tổ chức cúng lễ vào dịp Tết Nguyên đán, mừng cơm mới, ngày làm vía, ngày cầu mát, làm nhà mới… Điều kiêng kỵ đặc biệt không được nằm hướng chân về phía bàn thờ từ tất cả các phía trong nhà. Ngày giỗ là ngày chôn cất, không phải ngày chết.
Ngày cúng lễ tổ tiên lớn nhất của người Mường không phải ngày giỗ mà là dịp Tết Nguyên Đán. Dưới chế độ lang đạo, các gia đình dân thường không được thờ cúng tổ tiên trước khi đến dự lễ cúng tổ tiên của nhà lang, bởi người ta cho rằng nhà lang là chúa đất, là vị bảo hộ cả cộng đồng. Trong buổi lễ này, dưới sự giúp đỡ của thầy mo, nhà lang đại diện cho cả cộng đồng thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên cho cả cộng đồng. Đối với những nhà dân thường thì họ chuẩn bị lễ cúng tổ tiên từ ngày “chỉn lùn” và ngày 30 Tết Nguyên đán. Theo quan niệm của người Mường, cúng vào những ngày đầu năm tổ tiên sẽ về đông đủ, cùng “ăn tết” với con cháu. Trên bàn thờ tổ tiên người ta bày tất cả thức ăn, các loại có trong ngày tết, bát nước, ít muối và tăm tre sau đó gia
chủ thực hành nghi thức khấn vái để cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho gia đình một năm thuận hòa, bình an đồng thời cầu mong một năm mới tổ tiên phù hộ cho mùa màng bội thu, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà,… không bị dịch bệnh, mọi người trong gia đình khỏe manh, không bệnh tật. Sau bài khấn người ta vẫn để lễ vật trên mâm bàn thờ cho đến hết ngày mùng 30 Tết.
Ở Lạc Sơn có một nghi thức thờ cúng tổ tiên khác nữa diễn ra từ đêm “chỉn lùn” (ngày 30 tháng 12 Âm lịch) đến hết ngày 30 tết (ngày mùng 1 tháng 1 Âm lịch). Nghi thức này thường chỉ diễn ra ở nhà gốc (nhà con cả). Từ chiều “chỉn lùn’ gia đình người Mường đã chuẩn bị những lễ vật để chuẩn bị cho lễ cúng tổ tiên. Người ta chuẩn bị tất cả các món ăn như: xôi, bánh chưng, món ăn được chế biến từ thịt lợn (thịt luộc có đầy đủ nội tạng của con lợn, thịt sườn nướng, chả lá bưởi), và nhất thiết phải có ít muối, tăm tre, một chén nước. bát, đũa, trầu, cau, chai rượu, các lễ vật này được bày trên mâm kloọng (mâm trọng) - một loại mâm được làm bằng gỗ cao hơn mâm gỗ dùng để dọn mâm cơm của người Mường (cao khoảng 30cm), bên cạnh là quần áo, vải vóc… Tùy theo gia đình có bao nhiêu người được cúng (trong 4 đời họ nội) và người chết không có con mà người ta bày bấy nhiêu mâm. Các mâm cỗ được bày biện theo thứ tự từ trái qua phải từ trên xuống dưới theo thứ tự cấp bậc người được cúng. Công việc chuẩn bị đến rạng sáng mùng 1 Tết phải xong, sau đó người ta mời thầy mo về làm lễ cúng. Lễ đầu tiên là đón tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, thầy mo sẽ đọc bài khấn đồng thời dùng hai đồng tiền cổ tung lên, khi nào hai đồng tiền một sấp một ngửa, nghĩa là tổ tiên đã về. Thầy mo kết thúc bài khấn, gia chủ đến mâm cúng đến chiều tối thầy mo quay lại một lần nữa để đưa tổ tiên về mường Trời, nghi thức hành lễ giống như buổi sáng, tuy nhiên bài khấn là khác. Sau khi thầy mo thực hành xong nghi lễ gia chủ thiết đãi thầy mo một bữa ăn và có phần cho thầy mo mang về (thường là xôi, rượu, thịt gà, lợn sau này thì thay bằng tiền). Sau khi thầy mo ra về thì gia chủ mới thu dọn các mâm cỗ. Đến đây nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Mường vào ngày tết kết thúc. [132]
Người Mường còn có những tín ngưỡng rất phong phú liên quan đến vòng đời một con người với việc thờ cúng những người bảo vệ linh hồn của người sống, những vị thần bảo vệ thân thể cho người sống, những tín ngưỡng liên quan đến hôn nhân, tang tế, sinh nở và những việc diễn ra xung quanh cuộc sống của con người, của dòng họ. Điều này cho thấy sự phong phú trong cuộc sống tâm linh của người Mường, mặt khác cho thấy vũ trụ quan, nhân sinh quan của người Mường gắn bó chặt chẽ với môi trường tự nhiên và đời sống xã hội của họ.
Về các nhân vật thực hành tín ngưỡng của người Mường, có hai người phổ biến nhất là ông mo và bà mỡi. Ông mo là người thực hành nghi lễ và kể mo trong đám ma
là chủ yếu, ngoài ra còn có thể thực hành một số nghi lễ khác. Bà mỡi là người thực hành các nghi lễ cúng chữa bệnh. Người làm mỡi phải từ 30 tuổi trở lên. Thường các bà mỡi phải trải qua các sự kiện gì đó như ốm đau, tai nạn… Số người làm mỡi ít hơn số người làm mo. Mo có thể học được, nhưng mỡi thì không thể. Người làm mỡi thường là người cao số và không truyền lại được cho con cái. Cũng có những người vừa làm mo vừa làm mỡi.
Người Kinh cũng theo tín ngưỡng đa thần. Họ thờ các vị thần, cầu xin sự che chở và giúp đỡ từ các lực lượng siêu nhiên. Ngoài các vị thần có ích cho con người, họ thờ cả các thần gieo tai vạ, ma quái ở khắp mọi nơi đang cùng sinh sống với con người “thần cây đa, ma cây gạo”, các hòn đá, hốc cây, bến sông, thần sông, thần núi, thần thổ địa… Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng là một trong những nét văn hóa tốt đẹp và bền vững của người Kinh như nhiều dân tộc khác. Người Kinh cũng tin vào việc con người có linh hồn. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Kinh diễn ra thường xuyên hơn so với người Mường, họ tiến hành nghi lễ cúng tổ tiên vào ngày rằm và mùng một hàng tháng. Có thể cúng ngọt hoặc cúng mặn, nếu cúng mặn thì có: thịt lợn, thị gà, xôi, rượu,... còn cúng ngọt thì có bánh trái. Một tục lệ của người Kinh trên bàn thờ cúng phải có vàng mã, cúng xong thì đốt đi với mong muốn ở “thế giới bên kia” những người đã khuất có vật dụng, tiền bạc để tiêu. Người Kinh không những chỉ lập bàn thờ trong mỗi gia đình để thờ cúng tổ tiên mà họ còn họ còn có nhà thờ của dòng họ. Nhà thờ của dòng họ được xây dựng là sự đóng góp của tất cả các thành viên trong dòng họ, người Kinh tính theo “đinh” (đinh là con trai trong gia đình, dòng họ). Nhà thờ tổ thường giao cho con trai trưởng của chi trưởng dòng họ chịu trách nhiệm coi sóc, tới ngày lễ người trưởng họ sẽ báo cho mọi thành viên trong họ đúng ngày đến lễ tổ, cùng nhau đóng góp vào ngày lễ và ăn uống. Người Kinh cũng tổ chức cúng giỗ rất tỉ mỉ va được tổ chức hàng năm. Đặc biệt là ngày giỗ đầu của người chết, ngày giỗ của người Kinh là ngày mất chứ không phải ngày chôn cất như người Mường.
Tôn giáo: Trong khi tín ngưỡng dân gian của người Mường rất phong phú thì các tôn giáo chính thống của người Mường lại khá nghèo nàn, so với người Kinh và nhiều dân tộc khác thì tôn giáo chính thống của người Mường không phát triển bằng.
Phật giáo: Trước khi đạo Phật ảnh hưởng vào đời sống văn hóa của người Mường thì người Mường đã có một bề dày tín ngưỡng khá lớn, đặc biệt là những áng mo Mường vô cùng phong phú và súc tích. Do vậy, khi người Mường tiếp nhận Phật giáo với biểu hiện đan xen vào trong các bài mo của người Mường. Thậm chí, Phật giáo đôi chỗ còn đóng vai trò quan trọng như bài mo lễ giải oan. Ở Lạc Sơn, đối với các thầy mo, Phật Bà có quyền cao nhất, phải thỉnh cầu đầu tiên. Trên bàn thờ của các
bà mỡi thì Bua mê pật pà cũng là vị thần được thờ đầu tiên, đứng đầu trong tất cả các vị thần của bà mỡi [66, tr. 704].
Do địa hình tự nhiên có nhiều hang động, nên các ngôi chùa ở Hòa Bình được dựng ở trong hang, đôi khi các hình thù hang đá được người dân tưởng tượng thành tượng Phật để tôn thờ. Ở Lạc Sơn có tượng Phật bằng đá ở Mỹ Thành, hang Bụt ở Mường Khến, Tân Lạc (Mường Bi) - nơi đặt bàn hương và tượng Phật để thờ cúng.
Sinh hoạt Phật giáo chỉ là những sinh hoạt tín ngưỡng kết hợp cùng tín ngưỡng của người Mường, kinh Phật được “hòa trộn” vào các bài mo, bài cúng của các thầy cúng. Người dân khi tiếp xúc với Phật thì thấy Phật cũng là một vị thần như các vị thần của họ. Hình thức sinh hoạt cũng là sự kết hợp với những dịp lễ của bản mường mà lễ chung, cùng bày biện dâng lễ vật để cúng các vị thần và cúng Phật rồi tổ chức ăn uống vui chơi chứ chưa có lễ hội thờ Phật riêng, quy mô. Đến đầu thế kỷ XX, “Người Mường cũng đi đạo Thích như ta, nhưng họa lắm mới có một gian nhà tre gọi là chùa, trong thờ vài ba cái mũ, như mũ ông công, chứ ít khi có tạc tượng bằng g hay đắp bằng đất: [7, tr. 143]. Hiện nay, Phật giáo khá phát triển ở người Mường Hòa Bình cũng như Lạc Sơn, đặc biệt là các vùng trung tâm, các chùa chiền được tu sửa nhiều hơn, việc thực hành đạo Phật cũng phần tăng lên. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Lạc Sơn hiện nay có 660 tín đồ Phật giáo, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Vụ Bản và xã Thượng Cốc (số liệu thống kê năm 2017).
Thiên chúa giáo: Xuất hiện ở Hòa Bình vào khoảng năm 1832, do một tín đồ nam và hai tín đồ nữ chạy trốn sự truy bắt của nhà Nguyễn lên vùng sâu thuộc khu vực Văn Nghĩa, xã Mỹ Thành, Lạc Sơn. Chính quyền nhà Nguyễn bắt được tín đồ nam và hành hình tại một ngọn đồi (đồi Thánh Giá), còn lại hai tín đồ nữ trốn thoát trong hang đá, sau đó làm một nhà thờ bằng tranh nứa lá ở vùng này [66, tr. 706]. “Dân theo Thiên chúa giáo trong huyện chỉ có 2 xã Văn Lãng, Mỹ Thành mà thôi” [71, tr. 1040]. Hiện nay, ở Lạc Sơn có hai cơ sở giáo xứ là giáo xứ Mường Riệc và Hướng Nghĩa (Mỹ Thành) được cơ quan chức năng công nhận là nơi sinh hoạt tôn giáo hợp pháp. Tuy nhiên tín đồ theo đạo Thiên Chúa giáo không nhiều (2.630 tín đồ, số liệu thống kê năm 2017 của phòng Tuyên giáo huyện) trong đó phần lớn là người Kinh, người Mường theo đạo Thiên Chúa giáo rất ít.
Nhìn chung, về tín ngưỡng tôn giáo của người Mường thì tín ngưỡng dân gian rất phong phú, có nhiều nét đặc trưng riêng của họ, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như người Kinh. Đến nay, họ vẫn duy trì được nhiều tín ngưỡng tốt đẹp của mình, góp phần vào đời sống văn hóa đa dạng của tộc người Mường nói riêng và các
tộc người trên lãnh thổ Việt Nam nói chung. Người Mường bảo lưu nhiều quan niệm và thực hành tín ngưỡng nguyên thủy của mình. Nhưng về tôn giáo chính thống lại không phát triển bằng các dân tộc khác như người Kinh. Đạo Phật và đạo Thiên chúa đã xâm nhập vào người Mường nhưng ảnh hưởng còn rất mờ nhạt. Có thể nói người Mường vẫn cơ bản sống với các tín ngưỡng nguyên thủy của họ.
Tiểu kết: Văn hóa truyền thống của các dân tộc ở huyện Lạc Sơn là văn hóa