6. Cấu trúc của luận văn
3.7. Nghi lễ và tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp
Lễ xuống đồng (lễ hạ điền): Đây là lễ rất phổ biến của người Mường, mục đích để cầu cho mùa màng của một năm mới đầy thịnh vượng, may mắn. Đồng thời, việc thực hành những nghi lễ cầu mùa cũng là dịp để người Mường nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và bày tỏ những ước vọng của mình về một cuộc sống tươi đẹp và bình yên.
Lễ nghi này diễn ra vào đầu xuân thường từ mùng 7 đến mùng 10 tháng giêng. Nhưng có những nơi lại tổ chức muộn hơn như ở Mường Chiềng, Mường Tôm (Tân Lập, Mường Vang) lễ xuống đồng không định trước thời gian mà phụ thuộc vào kết quả của các đi săn và đánh cá, đây là một lễ lớn ở vùng này. Không gian lễ cũng tại một miếu thờ chính đặt ở Đầm Đụn, trong miếu thờ một cái đầu lâu không rõ tung tích, chỉ biết cái đầu lâu này trôi theo dòng suối, lũ trẻ chăn trâu Mường Chiềng, Mường Vó nhặt được đưa lên gò giả thờ. [66, tr. 680]. Để chuẩn bị người ta tổ chức những hoạt động: Hội “đoọc moong” (săn thú rừng) do nhà lang tổ chức, hội đánh cá bến lấp. Trước lễ xuống đồng nhà lang thông báo nhốt lợn. Nhà nào còn lợn thả rông sẽ bị đập chết. Vào thời gian này nhà lang cũng cấm mọi người không được đi soi nhái, ếch ban đêm khi thấy “đỏ bờ ruộng” ở khu vực cánh đồng cạn, nơi sẽ diễn ra lễ xuống đồng. Sau tất cả các hoạt động trên, nhà lang ấn định ngày mở lễ xuống đồng. Nơi được chọn để làm lễ người ta dâng mâm cỗ để cúng. Mâm cỗ thường có cá suối, mụn măng, ruột cây lay (đằng lau), lá lốt, có mọc, nếp đồ, rượu cần do ậu lang, ậu viềng sắm sửa và dâng lên trường thờ. Sau lễ dâng là lễ xuống ruộng. Cánh đồng được chọn là cánh đồng Cạn (cả ruộng lang và ruộng dân). Bắt đầu ngày cày bừa, ậu cháu xuống ruộng cày trước, bắt đầu ngày cấy, vợ ậu cháu cấy trước, sau đó mới đến thường dân.
Lễ cầu mùa: Lễ này để cầu cho mùa màng được tốt tươi, bội thu, không có bệnh dịch phá hoại, không bị mất mùa, thiên tai. Lễ cầu mùa là lễ rất nổi bật ở Lạc Sơn. Lễ được tổ chức tại ngôi miếu thờ ông Quách Đốc - người tự xưng là vua Dù đất Mường Vang. Chuyện kể về ông còn được lưu truyền như sau: ông dấy binh cát cứ mọi cõi khiến nhà vua kinh thành tức giận, gọi lên chặt đầu. Ông không chết ở kinh thành mà ôm cái đầu bị chém về đất Mường Vang mới tắt thở. Dân nơi đây bền lập miếu thờ. [66, tr. 684]. Bên cạnh ông còn có các vị quan hầu được thờ cúng, nên trong bài khấn có nhắc đến các vị đó:
“Chắp tay lạy ba bốn đức vua Lạy vua Dù, vua Khói, vua Lò Bên trên là Tần, Kẻ, Khang
Bên bang lạy Kem, Cả, Chấu, Khụ, Mụ, Chí, Ý, Chấu, Tịch, Quen, Tài, Kem Vua” [66 tr. 684].
Lễ vật dâng cúng bao gồm: xôi nếp, thịt trâu, bánh khoai, rượu cần, một gánh khoai sọ, bánh dồi, bánh khoai vuông,… Trâu tế lễ phải là con có vòng bụng 12 nắm tay trở lên. Người đứng ra tổ chức lễ là các quan lang trong mường, các ậu vận động dân trong mường đóng góp lương thực, thực phẩm. Người tham gia chỉ là đàn ông, tất cả đều vấn khăn, mặc quần áo mới, tay cầm kiếm, cầm quạt, vai đeo túi khót (túi vải đựng đồ thiêng của thầy mo). Thầy mo khấn:
Hôm nay ngày này Quan dân toàn xã
Các ậu, đầu đạo, chúa quan Năm xã, chín mười làng Muốn nhắc đường bừa săn săn Muốn nhắc đường cày xá xá
Muốn vái mạ góc chiêm, góc mùa. Một hạt một mọc, một thóc một nên Đừng cho sâu bông
Đừng cho vàng lá [ 66, tr. 684].
Đọc xong bài khấn, thầy mo cùng tất cả mọi người vái lạy đức vua linh thiêng.
Lễ cơm mới: Tổ chức vào tháng 10 Âm lịch sau khi vụ mùa được thu hoạch xong. Lễ này với các nhà dân nó mang tính chất gia đình hơn là tính cộng đồng. Trong nghi lễ này người Mường Lạc Sơn chọn mẻ lúa đầu tiên để đồ xôi, cùng lễ thịt (gà hay lợn) tiến hành cúng tổ tiên, thành hoàng và các vị thần đã phù hộ cho họ một mùa màng thắng lợi.
Ngày này người Mường trả công cho trâu, con vật đã giúp họ làm lụng cày bừa để có vụ mùa tốt. Người ta cho trâu ăn một năm xôi, miếng thịt. Họ cũng cho con chó là con vật trung thành, gần gũi, coi nhà cho chủ quanh năm ăn những thức ăn của tết cơm mới cùng với người. [66, tr. 685]
Lễ cơm mới được các nhà lang cúng nhiều thứ hơn. Ngoài xôi, thịt còn có bánh chưng, cá để cúng vía lúa.
Người Mường ở Lạc Sơn có tục lệ rất được coi trọng, đó là trong quá trình thu hoạch lúa họ lựa chọn một số bông lúa nhiều hạt và hạt chắc tập hợp lại thành bó để
trên gác (róng) để giữ vía lúa, biểu hiện của sự “giàu cơm lắm lúa”. Người Mường còn có nhiều nghi lễ khác như: lễ cúng vía lúa, lễ cày bừa, lễ gieo mạ, lễ cầu mưa,…