VAS 22 sau khi IFRS 7 ra đời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lập và công bố báo cáo tài chính ngân hàng thương mại theo chuẩn mực kế toán việt nam và quốc tế (Trang 50 - 52)

1. Tổng quan về báo cáo tài chính

2.1.2.2. VAS 22 sau khi IFRS 7 ra đời

IFRS 7 ra đời (có hiệu lực vào ngày 01/01/2007) đã thay thế IAS 30, mục đích của IFRS 7 nhằm hướng dẫn thuyết minh về công cụ tài chính để giúp cho người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá ảnh hưởng của công cụ tài chính đến tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đánh giá bản chất, phạm vi và cách thức quản trị các rủi ro phát sinh từ công cụ tài chính của chính doanh nghiệp. Chuẩn mực này được ban hành dựa một phần vào Chuẩn mực IAS 30. Tuy nhiên, IFRS 7 bổ sung nhiều yêu cầu bắt buộc phải trình bày thông tin, như thông tin định tính và định lượng liên quan đến rủi ro thị trường. Hơn nữa, chuẩn mực này áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức, doanh nghiệp có nắm giữ các công cụ tài chính, chứ không chỉ các tổ chức tín dụng.

Kể từ khi ban hành cho đến nay, VAS 22 chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế. Do đó, các yêu cầu trong IFRS 7 chưa được đáp ứng trong VAS 22, cụ thể:

- Thuyết minh về giá trị hợp lý: Ngân hàng phải thuyết minh giá trị hợp lý của những tài sản và nợ phải trả tài chính để có thể so sánh với giá trị ghi sổ, cùng với thông tin về các phương pháp xác định giá trị hợp lý. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với nhiều ngân hàng ở Việt Nam do phần lớn khoản mục hiện ghi sổ theo giá gốc và việc xác định giá trị hợp lý trong nhiều trường hợp không đơn giản và có thể phải dùng tới các mô hình tính toán.

- Thuyết minh định tính và định lượng: Đối với mỗi loại rủi ro phát sinh từ các công cụ tài chính, doanh nghiệp phải thuyết minh các thông tin về số liệu, mức độ và cách thức phát sinh rủi ro, các mục tiêu, chính sách, quy trình quản lý rủi ro và phương pháp sử dụng để đo lường rủi ro. Ngân hàng cũng sẽ phải xác định mức độ ảnh hưởng đến kinh doanh khi nhiều thông tin quản lý rủi ro được sử dụng nội bộ bởi Ban giám đốc thì nay phải thuyết trình ra bên ngoài.

- Thuyết minh về rủi ro tín dụng: Sẽ có nhiều thông tin phải trình bày, trong đó có những nội dung không đơn giản trong việc lấy dữ liệu, như ước tính về giá trị hợp lý của tài sản đảm bảo nắm giữ bởi ngân hàng đối với tài sản tài chính đã quá hạn hoặc giảm giá.

- Thuyết minh về rủi ro thanh khoản: Ngân hàng phải phân tích thời gian đáo hạn còn lại dựa theo hợp đồng của các khoản nợ phải trả tài chính. Đối với nhiều ngân hàng, việc quản lý thanh khoản được dựa nhiều hơn trên thông tin về luồng tiền ước tính. Do đó, thông tin về đáo hạn theo hợp đồng có thể đưa ra bức tranh xấu hơn trên thực tế. Vì vậy, ngân hàng nên cân nhắc giải thích bổ sung trong những trường hợp như vậy.

- Thuyết minh về rủi ro thị trường: Ngân hàng phải thuyết minh và phân tích độ nhạy cảm đối với mỗi loại rủi ro thị trường (như lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán) tại ngày báo cáo, chỉ rõ mức độ ảnh hưởng tới kết quả của doanh nghiệp bởi thay đổi hợp lý trong các biến số rủi ro liên quan có khả năng tồn tại tại ngày báo cáo.

Ngân hàng nên khảo sát xem hệ thống kế toán hiện tại đáp ứng được đến đâu yêu cầu thông tin và nếu cầu thiết sẽ phải có giải pháp thay thế, ví dụ như xây dựng mô hình định lượng phân tích độ nhạy cảm hoặc áp dụng phương pháp quản lý rủi ro phù hợp để xác định ảnh hưởng của rủi ro. Việc xác định mức độ thay đổi hợp lý cũng không đơn giản và cần các ước tính và cách tiếp cận nhất định.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lập và công bố báo cáo tài chính ngân hàng thương mại theo chuẩn mực kế toán việt nam và quốc tế (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)