Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh lào cai (1991 2018) (Trang 77 - 80)

7. Kết cấu của luận văn

3.3.2. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa phát triển đã tạo diện mạo mới cho thành thị, nông thôn. Trước năm 2000, việc thực hiện công tác xây dựng nếp sống văn hóa tuy đã được tiến hành nhưng mới chỉ mang tính hình thức, còn nhiều hạn chế, nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội vẫn tồn tại, mức thụ hưởng về văn hóa, tinh thần của nhân dân toàn tỉnh còn thấp. Năm 2000, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động phong trào “TDĐKXDĐSVH”. Hàng năm, tỉnh đã tăng cường hàng trăm lượt cán bộ xuống các cơ sở vùng đặc biệt khó khăn để hướng dẫn, giúp đỡ bà con, đồng bào thực hiện xây dựng GĐVH, làng bản văn hóa, xây dựng đội văn nghệ, thể thao, hương ước, quy ước đưa văn hóa về cơ sở, tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, vận động cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu. Các huyện, thành phố đã ban hành nhiều đề án về xây dựng nếp sống văn hóa, cải tạo hủ tục lạc hậu, tổ chức tuyên truyền lưu động, cổ động, giới thiệu pháp luật tại các làng văn hóa. Nhờ vậy, nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang được bài trừ, hình thành nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở cả vùng nông thôn và thành thị.

Phong trào xây dựng GĐVH được triển khai rộng khắp và được nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Từ năm 2000, khi tiêu chí xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa được xác định và áp dụng trong bình xét hàng năm, việc xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh. Số hộ gia đình, thôn, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa tăng nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng. Đã xây dựng được nhiều mô hình làng văn hóa đặc thù như mô hình làng văn hóa du lịch ở huyện Sa Pa, Bắc Hà, làng văn hóa vùng đặc biệt khó khăn ở Bảo Yên, Bát Xát, làng văn hóa sức khỏe ở huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Thắng. Các mô hình làng văn hóa này đã có tác động tích cực tới phát triển đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân. Bộ mặt nông thôn nhờ đó thay đổi: các gia đình ăn ở vệ sinh hơn, đường làng ngõ

xóm sạch sẽ hơn, số hộ gia đình đói nghèo giảm đi, tệ nạn xã hội giảm đáng kể, hủ tục dần được bãi bỏ, bài trừ, kinh tế phát triển, môi trường sinh thái được bảo vệ, khối đoàn kết cộng đồng được củng cố, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc được giữ gìn. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được bảo đảm, người dân có ý thức tốt trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong việc xây dựng GĐVH, tỉnh đi sâu giải quyết những vấn đề nổi cộm và cấp bách về xây dựng gia đình ở vùng cao như: hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, bất bình đẳng giới, phụ nữ đi khỏi địa phương, chăm sóc, giáo dục trẻ em,… Về cách làm, tỉnh chủ trương xây dựng các câu lạc bộ tuyên truyền, các mô hình mẫu, xây dựng hương ước, quy ước, chú trọng, tôn trọng hương ước, quy ước dân gian; thành lập các hội đồng bao gồm những người có uy tín trong cộng đồng, gắn với vai trò của già làng, trưởng bản để tuyên truyền triển khai thực hiện. Vì vậy, phong trào xây dựng GĐVH đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư tưởng, đạo đức của người dân, huy động được sức người, sức của, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Nổi bật là công tác xóa bỏ tập quán, hủ tục lạc hậu, xóa đói, giảm nghèo; giữ vững ổn định trật tự xã hội; thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan môi trường; thực hiện phong trào đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo” mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Nếu như năm 2000, toàn tỉnh có 51.636 hộ GĐVH (chiếm 44%), đến năm 2011 đã công nhận 97.920 hộ GĐVH (chiếm 69,8%) [4], đến năm 2014 đã tăng lên 122.398 hộ GĐVH (chiếm 82,6%) [32]. Điển hình phong trào này là các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai. Tính đến 2015 toàn tỉnh có 78% gia đình được công nhận danh hiệu “GĐVH”. Đến hết năm 2018, tỷ lệ GĐVH đạt 81% [33].

Phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa được đẩy mạnh góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho nhân dân. Các làng, bản văn hóa đã đạt được các tiêu chí về phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Năm 2000 toàn tỉnh có 256 thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chí văn hóa. Năm 2005 tăng lên 794 làng, bản, tổ dân phố văn hóa (chiếm 39% tổng số thôn, bản trong toàn tỉnh). Đến năm 2012 con số này là 1.319/2.199 làng, bản, tổ dân phố (chiếm 60%), trong đó có 315 làng bản giữ vững được danh hiệu văn hóa liên tục từ 8 đến 10 năm. Điển hình là các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà. Tính đến hết

năm 2014, toàn tỉnh có 1.773/2.202 làng, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa [32]. Toàn tỉnh xây dựng được 1.111 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn [31]. Một số huyện đạt tỷ lệ xây dựng nhà văn hóa cao như Văn Bàn, Bảo Thắng, Mường Khương, Bảo Yên, Bát Xát, Si Ma Cai. Đặc biệt, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nên hiệu quả của phong trào ngày càng cao. Nếu năm 2013, toàn tỉnh có 1.358 làng, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa (chiếm tỷ lệ 61,7%), năm 2014 đã tăng lên 1.514 làng, bản, tổ dân phố (chiếm tỷ lệ 68,8%). Năm 2014, phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, nhất là phong trào xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cải thiện mọi mặt đời sống cho người dân.

Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa được duy trì và từng bước nâng cao về chất lượng. Nét nổi bật nhất là các cơ quan, đơn vị, trường học đã đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ để giao lưu, học hỏi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, học sinh. Đến năm 2015, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã xây dựng được 495 đội văn nghệ xung kích với hơn 2.745 người và thường xuyên tổ chức giao lưu ở cơ sở. Năm 2012, đã tổ chức được 1.080 đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn nhân dịp các ngày lễ kỷ niệm. Năm 2000, toàn tỉnh có 253 cơ quan, đơn vị được công nhận có nếp sống văn hóa, sang năm 2005 là 837 cơ quan, đơn vị và đến năm 2014 con số này tăng lên mức 1.676 cơ quan, đơn vị [31]. Năm 2015 có 67% thôn, làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, 95% cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa. Đến hết năm 2018, tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đạt 84%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đạt 93%; tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 74%.

Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và tín ngưỡng có nhiều chuyển biến tích cực. Quán triệt và thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Lào Cai đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó nổi bật là việc triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá đúng, khách quan những kết quả, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW; tổ chức

nhiều hội nghị cho già làng, trưởng bản để phổ biến quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội của tỉnh và ký cam kết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong cưới xin, tang lễ,… Nhờ đó diện mạo đời sống sinh hoạt văn hóa của nhân dân các dân tộc Lào Cai đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2018, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có sự chuyển biến rõ rệt: Hôn nhân cận huyết thống cơ bản không còn xảy ra; tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra song đã giảm nhiều, tính đến hết năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 250 trường hợp tảo hôn, giảm 41,5% so với năm 2015 [36].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh lào cai (1991 2018) (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)