Thảm thực vật, động vật và phân bố của các loài quý hiếm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu bảo tồn một số loài thực vật quý hiếm tại vườn quốc gia xuân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 33 - 38)

3.1.6.1. Hệ sinh thái

- Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới

Phân bố thành các mảng tương đối lớn ở độ cao dưới 700m tại khu vực phía Nam của Vườn. Thực vật tạo rừng khá phong phú, phổ biến là các loài

trong họ Dầu (Dipterocarpaceae), họ Bồ hòn (Sapindaceae), họ Trinh nữ (Mimosaceae), họ Vang (Caesalpiniaceae) …

- Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình

Phân bố ở khu vực núi Ten, núi Voi và phần đất phía Tây của Vườn từ độ cao 700m trở lên. Thực vật chủ yếu là các loài cây lá rộng thuộc các họ Dẻ (Fagaceae), họ Re (Lauraceae), họ Ngọc lan (Magnoliaceae), họ Thích (Aceraceae), họ Chè (Theaceae), họ Sến (Sapotaceae)…

- Rừng kín thường xanh nhiệt đới trên đất đá vôi xương xẩu

Phân bố tập trung ở hai đầu dãy núi Cẩn. Các loài đại diện chính như Nghiến (Excentrodendron tonkinense), Trai (Garcinia fagraeoides), Mậy tèo, Ô rô, Teo nông (Streblus spp.), Lát hoa (Chukrasia tabularis), Sâng (Pometia pinnata)…

- Rừng kín thường xanh á nhiệt đới trên đất đá vôi xương xẩu

Phân bố thành những mảng tương đối rộng ở khu vực núi Cẩn từ độ cao 700m trở lên. Các loài trong họ Dầu không còn thấy xuất hiện thay vào đó là sự xuất hiện một số loài lá kim như Sam bông (Amentotaxus argotaenia),

Thông tre (Podocarpus neriifolius) và sự gia tăng của các loài thực vật á nhiệt đới như Re, Dẻ, Chè....

- Rừng thứ sinh phục hồi sau nương rẫy

Phân bố rải rác trong Vườn quốc gia. Các loài đại diện như Hu đay

(Trema oriantalis), Ba gạc lá xoan (Euvodia meliaefolia), Xoan nhừ

(Choerospondias axillaries), Màng tang (Litsea cubeba), Chò chỉ (Shorea

chinensis)

- Rừng thứ sinh Tre nứa

Rừng tre nứa chỉ chiếm một diện tích nhỏ (56 ha) ở khu vực phía Đông của Vườn. Thực vật tạo rừng chủ yếu là loài Nứa lá nhỏ và một số loài cây gỗ mọc rải rác. Dưới tán Nứa, thảm tươi ít phát triển thường là một số loài trong

họ Gừng (Zingiberaceae), họ Cỏ (Poaceae), mọc rải rác. Dây leo phổ biến là Sắn dây, Kim cang, Dất, Bìm bìm.... Loại rừng này có giá trị kinh tế kém, tuy nhiên trong điều kiện đất rừng ít màu mỡ và có mức độ chiếu sáng cao, rừng tre nứa có vai trò lớn trong việc giữ đất, chống xói mòn và tạo ra những điều kiện môi trường sống cho một số nhóm động vật hoang dã.

- Rừng trồng

Trong Vườn có một số diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên người dân tự đầu tư trồng rừng. Tuy nhiên, việc trồng các loài cây nhập nội với mục tiêu kinh tế tại Vườn quốc gia là không phù hợp. Loài cây gây trồng chủ yếu là Bồ đề, Keo. Diện tích rừng trồng phân bố chủ yếu ở vùng thấp nằm ở phía Đông và phía Nam của Vườn. Việc phục hồi lại rừng ở đây ngoài biện pháp khoanh nuôi bảo vệ lợi dụng tái sinh tự nhiên, có thể tiến hành trồng rừng bằng các loài cây bản địa như: Lát hoa, Chò chỉ, Chò nâu, Giổi ăn quả, Giổi xanh, Mỡ, Chò xanh...

- Trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác

Phân bố rải rác khắp các khu vực ở cả 2 đai độ cao, nhưng tập trung hơn cả vẫn là ở đai rừng nhiệt đới thuộc phần đất phía Đông của Vườn. Phần lớn loại thảm này là các trảng cỏ như cỏ tranh, laulách…. Dưới các trảng cỏ này, tình hình tái sinh của các cây gỗ trở nên khó khăn. Bởi vậy, khả năng phục hồi rừng tự nhiên trên đất chưa có rừng đòi hỏi phải có một thời gian dài.

- Hệ sinh thái nương rẫy, đồng ruộng và dân cư

Phân bố rải rác khắp Vườn quốc gia, nhưng tập trung thành diện tích lớn ở phía Đông của Vườn nơi có nhiều bản làng, bao gồm ruộng lúa nước, nương rẫy trồng lúa, hoa màu, chè...

3.1.6.2. Thành phần và Số lượng các taxon thực vật

Kết quả điều tra đã phát hiện và giám định được 1.218 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 680 chi của 181 họ, trong 6 ngành thực vật (Xem danh

lục thực vật kèm theo ở phần phụ lục). Kết quả tóm tắt danh mục thực vật rừng như sau

Bảng 3.3: Thành phần Thực vật rừng Vườn quốc gia Xuân Sơn Ngành thực vật Số họ TV Số chi TV Số loài TV

Quyết lá thông (Psilotophyta) 1 1 1

Thông đất (Lycopodiophyta) 2 3 6 Cỏ tháp bút (Equisetophyta) 1 1 1 Dương xỉ (Polypodiophyta) 22 38 74 Ngành Thông (Pinophyta) 3 4 5 Ngành Mộc Lan (Magnoliophyta) 151 633 1130 Tổng cộng: 180 680 1217

Trong ngành hạt kín chia ra:

Hạt kín hai lá mầm (Magnoliopsida) 129 545 954 Hạt kín một lá mầm (Liliopsida) 22 107 183

- Tổng số loài cây có nguy cấp, sắp nguy cấp và sắp bị đe dọa... của VQG đã xác định nằm trong sách đỏ Việt Nam và trong danh lục đỏ thế giới là 47 loài; trong đó:

+ Số loài cây ở mức có nguy cấp, sắp nguy cấp và sắp bị đe dọa... có tên trong sách đỏ Việt Nam là 44 loài, còn 3 loài (Chò chỉ, Máu chó và Vàng tâm) có tên trong danh lục đỏ thế giới nhưng không có tên trong sách đỏ Việt Nam là vì loài này ở Việt Nam chưa nguy cấp.

+ Số loài cây ở mức có nguy cấp, sắp nguy cấp và sắp bị đe dọa...có tên trong danh lục đỏ Thế giới là 17 loài.

+ Trong tổng số 47 loài cây có nguy cấp, sắp nguy cấp và sắp bị đe dọa... tại Vườn quốc gia Xuân Sơn có 5 loài Trai lý (Garcinia fagraeoides A. Chev); Gù hương (Cinnamomum balansae Lecomte); Nghiến

(Burretiodendron tonkinensis Chun et How); Thiết Đinh (Markhamia

stipulata (Wall.) Seem. ex Schum) và Hoàng tinh hoa trắng

(Disporopsislongifolia Craib) có tên trong danh sách nhóm IIA ban hành kèm

theo Nghị định 32 của chính phủ.

3.1.6.3. Khu hệ động vật

Bảng 3.4: Thành phần động vật Vườn quốc gia Xuân Sơn

Lớp Số bộ Số họ Số loài Thú 8 26 94 Chim 15 50 223 Bò sát 2 11 30 Ếch nhái 1 7 23 Tổng 25 94 370

Trong số các loài động vật có tên trong danh mục đã xác định được 51 loài động vật quý hiếm, trong đó:

+ Thú: 32 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007), trong đó có 2 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp (CR), 8 loài ở thứ hạng nguy cấp (EN) và 12 loài ở thứ hạng đang bị đe doạ (VU). Nếu đối chiếu với Nghị định 32/2006/NĐ-CP thì có 15 loài ở phụ lục IB và 12 loài có tên trong phụ lục IIB và 3 loài có tên trong Danh mục đỏ của Thế giới IUCN (năm 2011).

+ Chim: 10 loài, trong đó có 1 loài ở thứ hạng đang bị đe doạ (VU); trong số này nếu đối chiếu với Nghị định 32/2006/NĐ-CP thì có 2 loài ở phụ lục IB và 8 loài nằm trong phụ lục IIB.

+ Bò sát và ếch nhái: 9 loài, trong đó có 2 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp (CR), 4 loài nguy cấp (EN) và 2 loài ở thứ hạng bị đe doạ (VU). Nếu đối chiếu với Nghị định 32/2006/NĐ-CP thì có 1 loài ở phụ lục IB và 5 loài có tên trong phụ lục IIB.

Từ số liệu trên cho thấy trong Vườn quốc gia Xuân Sơn đang hiện hữu 51 loài động vật hoang dã quý hiếm, trong đó điển hình là Gấu ngựa, Gấu chó, Sơn dương, Sóc bay lông tai, Trăn đất, Báo hoa mai, Beo lửa,...đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý, là di sản của Vườn quốc gia. Những nguồn gen động vật quý hiếm này có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao cần được đưa vào danh mục các loài được ưu tiên bảo tồn theo Luật đa dạng sinh học.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu bảo tồn một số loài thực vật quý hiếm tại vườn quốc gia xuân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 33 - 38)