Giải pháp kỹ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu bảo tồn một số loài thực vật quý hiếm tại vườn quốc gia xuân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 82 - 85)

4.4.1.1. Bảo tồn nguyên vị (in-situ conservation)

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và bảo vệ nghiêm ngặt, đặc biệt là các loài Đinh, Nghiến, Trai lý, Gù Hương bởi số lượng loài còn rất ít. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với công an, kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương, người dân thôn bản trong việc tuần tra, kiểm soát.

Tuyên truyền để thông báo cho người dân biết vị trí, tầm quan trọng của khu vực bảo vệ nghiêm ngặt là khu vực đặc biệt, tuyệt đối không được người dân nào vào và khai thác ở khu vực này.

Vận động quần chúng tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng, xây dựng thùng thư phát giác để kịp thời ngăn chặn, xử lý những đối tượng có những hành vi phá rừng trái phép, xây dựng nội quy và hương ước làng bản.

Xúc tiến tái sinh bằng việc phát dọn các thực bì để tăng cường ánh sáng dưới tán rừng cho cây con tái sinh phát triển. Tạo điều kiện cho cây tái sinh có khả năng sống sót và tổ chức làm đất dưới tán rừng để tăng khả năng tiếp xúc của hạt tạo điều kiện cho quá trình nảy mầm.

Thực hiện tốt chương trình nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu theo hướng chuyên sâu đến từng loài thực vật quý hiếm hiện có trong VQG Xuân Sơn để có những đánh giá chi tiết về vùng phân bố, đặc điểm sinh thái, khả năng tái sinh, khả năng phát triển của loài trong khu vực.

4.4.1.2. Bảo tồn chuyển vị (ex-situ conservation)

Cần xây dựng các vườn giống, nguồn giống chất lượng cao và nhân rộng phục vụ cho công tác bảo tồn và trồng rừng, tập huấn chuyển giao, những loài cây chưa có các nghiên cứu về cải thiện giống cần khẩn trương tiến hành nghiên cứu để phục vụ cho công tác bảo tồn

Bảo tồn, phát triển các loài loài thực vật quý hiếm bằng phương pháp nhân giống vô tính bằng hom. Xây dựng các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật gây trồng cho các loài thực vật quý hiếm chưa có để phát triển ở các vùng sinh thái khác nhau

4.4.2.Giải pháp quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng

4.4.2.1. Bảo vệ rừng

- Xác định ranh giới và đóng mốc phân định ranh giới các phân khu. - Đặt các biển bảng bảo vệ Vườn tại các điểm ngã ba đường, nơi tiếp giáp dân cư, cửa rừng. Niêm yết bảng nội quy bảo vệ Vườn quốc gia tại các Trạm bảo vệ rừng.

- Thực hiện chặt chẽ nội quy bảo vệ xây dựng rừng

+ Tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: Nghiêm cấm các hoạt động làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, cấm chặt phá cây rừng, cấm săn bắt chim thú, cấm các hoạt động làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, cấm các hoạt động canh tác, cấm thả dông gia súc vào rừng. Cấm mang vũ khí, các chất cháy nổ, chất độc hại vào Vườn. Các hoạt động thăm quan, du lịch, vui chơi trong Vườn phải được phép của Vườn và có cán bộ của Vườn hướng dẫn.

+ Tại phân khu phục hồi sinh thái: Bảo vệ toàn bộ rừng tự nhiên hiện có, rừng trồng mới (ngoại trừ những diện tích quy hoạch chuyển sang xây dựng CSHT và DVDL). Cho phép các dịch vụ thăm quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cắm trại trong những diện tích mà Vườn đã quy định. Thực hiện trồng rừng bằng các loài cây bản địa, cây quý hiếm bảo tồn gen, tăng độ che phủ và cảnh quan môi trường.

- Xây dựng mạng lưới quản lý và tuần tra bảo vệ rừng: Tổ chức mạng lưới quản lý bảo vệ sâu rộng hơn tới cộng đồng dân cư, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thúc đẩy việc thành lập các tổ bảo vệ rừng thôn/xóm. Động viên, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, xây dựng và phát triển

rừng. Các cán bộ Đội chuyên trách của Vườn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tài nguyên trên toàn địa phận Vườn và các tuyến đường. Phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý các vụ vi phạm lâm luật.

- Tổ chức tuyên truyền giáo dục bảo vệ rừng: Phổ biến về ý nghĩa, lợi ích, nội quy bảo vệ rừng Quốc gia tới từng thôn xóm kết hợp với vận động Già làng, Trưởng bản tuyên truyền sâu rộng tới người dân để cùng có trách nhiệm tham gia bảo vệ và khôi phục rừng.

- Thực hiện khen thưởng đối với những công dân có tinh thần trách nhiệm tốt về bảo vệ rừng Quốc gia. Đồng thời, xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm quy chế bảo vệ rừng Quốc gia.

4.4.2.2. Phòng cháy chữa cháy rừng

- Tổ chức quản lý: Thành lập ban chỉ đạo và các tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng.

- Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng cho cán bộ Vườn và Chính quyền địa phương thông qua các lớp tập huấn và diễn tập

- Bố trí và sử dụng có hiệu quả các công trình và trang thiết bị phục vụ cho phòng cháy chữa cháy rừng. Đặt biệt phát huy hệ thống quản lý theo dõi rừng và đất rừng qua ảnh vệ tinh.

- Phối hợp cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn của vùng, khu vực cập nhật thông tin và diễn biến thời tiết.

- Chủ động nguồn vốn phục vụ công tác chữa cháy rừng.

4.4.3.Giải pháp ứng dụng công nghệ

- Đánh giá giá trị tài nguyên và đa dạng sinh học của Vườn làm cơ sở xây dựng kế hoạch hàng năm phục vụ cho quá trình thực hiện việc bảo tồn và phát triển rừng tại Vườn quốc gia Xuân Sơn.

- Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học, chọn lọc và bảo quản giống như: công nghệ tạo giống, trồng, bảo tồn các loài thực vật đặc hữu, quý, hiếm, công nghệ nuôi cấy mô...

- Sử dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý cơ sở dữ liệu và quảng bá hình ảnh của Vườn như công nghệ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng từ ảnh vệ tinh, công nghệ kỹ thuật số, công nghệ xử lý, cập nhật thông tin...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu bảo tồn một số loài thực vật quý hiếm tại vườn quốc gia xuân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 82 - 85)