3. Ý nghĩa khoa học
1.2.2. Dịch tễ học của bệnh cầu trùng thỏ
* Động vật mắc bệnh:
Theo Phạm Sỹ Lăng và cs (2006) [16], các giống thỏ nuôi đều bị nhiễm bệnh cầu trùng và phát bệnh cầu trùng. Tuy nhiên, thỏ nhập ngoại bị bệnh cầu trùng với tỷ lệ cao hơn ở các giống thỏ nội. Khi xét nghiệm mẫu phân của 380 thỏ nội, và 490 thỏ New Zealand, kết quả cho thấy; thỏ New Zealand có tỷ lệ nhiễm cao hơn (68,16%) so với thỏ nội (60,79%).
* Mùa vụ: Tùy theo điều kiện ẩm độ và nhiệt độ bên ngoài, thường thấy bệnh phát vào mùa ấm và có mưa nhiều (mùa xuân hè và đầu thu). Nhưng nếu trong chuồng thỏ nhiệt độ luôn lớn hơn 100C thì bệnh thường xảy ra, tỷ lệ nhiễm lên tới 55 -75% (Nguyễn Thị Kim Lan và cs, 1999)[13]
Theo Nguyễn Chu Chương (2007) [3], bệnh cầu trùng phát triển vào mùa xuân và đầu mùa hè. Lúc có gió mùa đông bắc, có mưa phùn, nhiệt độ thay đổi đột ngột, gió nồm ẩm ướt dễ làm cho các loại thỏ mắc bệnh và chết nhiều hơn trong các mùa khô hanh.
* Tuổi:
Theo Lê Văn Năm (2006) [24], thỏ ở mọi lứa tuổi đều bị bệnh cầu trùng nhưng dễ bị nhất là thỏ ở lứa tuổi lúc trước và sau cai sữa.
Thỏ con dưới 2 tuần tuổi không cảm nhiễm bệnh. Thỏ từ 1 - 3 tháng tuổi thường mắc bệnh nặng nhất (Nguyễn Ngọc Nam và cs, 1983 [20]).
Theo Nguyễn Văn Hoàn (1981) [9], thỏ sơ sinh, thỏ mới tách mẹ, thỏ choai từ 4 tháng tuổi trở xuống khi mắc bệnh cầu trùng rất dễ chết, thỏ từ 5 tháng tuổi trở lên rất ít khi bị chết vì bệnh này.
Điều kiện vệ sinh thú y:
Tình trạng vệ sinh thú y là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nhiễm cầu trùng của thỏ.
Theo Nguyễn Thị Kim Lan và cs (1999) [13], lồng thỏ cũng có tác dụng trong gieo truyền bệnh: Ở đáy lồng thỏ luôn có noãn nang của cầu trùng. Vì vậy, lồng thỏ là một yếu tố quan trọng trong việc gieo truyền bệnh cầu trùng. Qua kiểm tra người ta thấy, 39% số lồng thỏ bị nhiễm cầu trùng. Do đó, khi làm chuồng nuôi thỏ phải chú ý làm đáy chuồng dễ thoát phân.
Những nơi dự trữ mầm bệnh cầu trùng là nguồn nhiễm cho thỏ con là chuồng, lồng, thức ăn, nước uống, các dụng cụ chăm sóc, sân chơi bị nhiễm nang trứng. Noãn nang cầu trùng có thể vào chuồng thỏ qua giầy dép của người, chổi lau quét, xẻng cuốc, đồng thời qua cả động vật gặm nhấm (chuột), chim, côn trùng
* Các yếu tố stress:
Yếu tố stress có hại như chuồng chật chội, thức ăn kém dinh dưỡng, thiếu sữa, nhiệt độ môi trường thay đổi, thỏ con đang mắc các bệnh ký sinh trùng khác thì bệnh xảy ra nặng hơn. Nguyễn Quang Sức (1994) [28] đã đề cập đến sự phát triển bệnh cầu trùng cho biết, trong phần lớn các trường hợp, bệnh xảy ra hay không phụ thuộc vào điều kiện chăn nuôi, nếu điều kiện này tốt thì tỷ lệ thỏ ỉa chảy và chết thấp, ngược lại thì tỷ lệ chết hàng tháng của thỏ phổ biến từ 10 -15%. Tác giả còn cho biết, vai trò chính trong việc nổ ra bệnh cầu trùng là các yếu tố stress (nguyên nhân không đặc hiệu) làm thỏ yếu đi từ đó cầu trùng phát triển.