3.2.3. Đánh giá về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, nhân văn tại địa bànnghiên cứu nghiên cứu
* Điểm mạnh
- Nhiệt độ và độ ẩm thuộc khu vực nghiên cứu khá cao, tổng tích nhiệt hàng năm lớn là điều kiện thuận tiện cho sự nảy mầm của hạt giống và tái sinh của cây rừng. Lượng mưa lớn tập trung vào một số tháng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trồng rừng.
- Phần lớn đất đai thuộc quy hoạch lâm nghiệp chủ yếu là đất Feralit, còn mang tính chất đất rừng, thích nghi với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật rừng, thuận lợi cho công tác trồng và phát triển vốn rừng.
- Diện tích, trữ lượng rừng (chủ yếu là rừng tự nhiên) đảm bảo cho mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh lợi dụng tài nguyên rừng bền vững lâu dài. Thông qua các chỉ tiêu về diện tích, loại rừng, kết cấu, trữ lượng.
- Sự đa dạng về cấu trúc tổ thành của các loài động thực vật thuộc địa bàn nghiên cứu tạo ra những hệ sinh thái rừng bền vững, đây là yếu tố thuận lợi cho kinh doanh rừng bền vững trên địa bàn nghiên cứu với việc cung cấp nguồn lâm sản cho nhu cầu xã hội đa dạng với các loại lâm sản gỗ và ngoài gỗ. Tính đa dạng sinh học của rừng mưa nhiệt đới trong khu vực nghiên cứu rất cao với nhiều loài động thực vật có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn sinh học, là nơi giao lưu với vùng đệm phía Đông Bắc của Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân.
- Khu vực có nguồn lao động dồi dào, người dân có đức tính cần cù, chịu khó và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông, lâm nghiệp đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
- Sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn đã có nhiều tiến bộ, các hoạt động lâm sinh được chú trọng, khai thác đảm bảo vốn rừng. Thu nhập lao động của ngành lâm nghiệp ở mức trung bình.
- Điều kiện vật chất cơ sở hạ tầng trong khu vực nghiên cứu phát triển đầy đủ, tạo điều kiện tốt cho mọi sinh hoạt của người lao động. Đây là động lực cơ bản thúc đẩy sự tiến bộ xã hội của khu vực hiện nay và trong tương lai.
* Điểm yếu
- Khu vực nghiên cứu có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe suối và núi dốc ảnh hưởng rất lớn đến công tác khai thác, trồng rừng, chăm sóc rừng, cũng như công tác quản lý bảo vệ rừng. Độ dốc lớn kết hợp với lượng mưa lớn dễ gây ra hiện tượng xói mòn, rửa trôi mạnh và lũ lụt lớn.
- Do điều kiện thời tiết phân mùa rõ rệt nên sản xuất kinh doanh rừng còn phụ thuộc vào thiên nhiên, sản xuất không chủ động, gây khó khăn cho việc đề xuất kế hoạch hoạt động hàng năm của BQL rừng phòng hộ Lang Chánh.
- Trong khu vực nghiên cứu có nhiều loài động thực vật rừng quí hiếm đây là đối tượng dễ bị con người khai thác trái phép, nguy cơ làm giảm tính đa dạng sinh học ngày càng tăng.
- Thu nhập của người dân trong địa bàn rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của đời sống vật chất, bên cạnh đó nhận thức về vai trò lợi ích về rừng của người dân vẫn còn hạn chế dẫn đến những hành động xâm hại tài nguyên rừng như săn bắt, khai thác gỗ trái phép để tăng thêm thu nhập. Đây là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên rừng, đến công tác quản lý rừng bền vững.
- Mật độ dân số cao, diện tích đất sản xuất ít không phù hợp và thuận tiện cho hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của người dân trong khu vực.
- Vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm do người dân làm ra chưa được quan tâm đúng mức, vấn đề khuyến nông, cung cấp giống mới và chuyển giao khoa học công nghệ đến với người dân trong khu vực còn thiếu và yếu về quy mô cũng như
phương pháp thực hiện, vì vậy phương thức canh tác vẫn mang tính truyền thống lạc hậu, chậm thay đổi.
- Người dân sống trong khu vực chủ yếu là đồng bào dân tộc vùng cao, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, khả năng tiếp nhận và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế dẫn đến tình trạng đất đai bị khai thác cạn kiệt, bạc màu và suy thoái nhanh chóng.
- Một bộ phận dân cư sống giáp ranh với địa bàn BQL chuyên sống bằng nghề khai thác hoặc săn bắt động thực vật rừng trái phép, là nhân tố gây bất ổn cao nhất đối với công tác quản lý rừng bền vững trên địa bàn.
* Cơ hội
- Rừng phòng hộ Lang Chánh nằm trên vị trí có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nước cho các con sông chính trong địa bàn và trong khu vực. Vì vậy đây là cơ hội để kêu gọi các dự án đầu tư trong nước, các nguồn vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế và các tổ chức khác để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vốn rừng trên địa bàn.
- Quỹ đất lớn cùng với sự phong phú đa dạng về thổ nhưỡng là cơ hội để phát triển nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao.
- Phát triển kinh tế xã hội khu vực miền núi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng cao, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và bình đẳng xã hội là mục tiêu của Đảng và Chính phủ. Nhà nước thường xuyên điều chỉnh, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với điều kiện thực tiển khách quan như : Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời đáp ứng được tình hình thực tế của các địa phương và khu vực.
* Thách thức
- Tiềm năng đa dạng sinh học của khu vực nghiên cứu là mục tiêu để các đối tượng săn bắt, khai thác lâm sản trái phép hoạt động. Đòi hỏi BQL rừng phòng hộ Lang Chánh phải có những biện pháp thích hợp nhằm bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên này.
- Theo cách tính chỉ số khô hạn của Thái Văn Trừng, trong năm có 3 tháng dễ xảy ra cháy rừng là tháng 12 tháng 1 và tháng 2, đòi hỏi BQL cần có những kế hoạch ứng phó linh hoạt, kịp thời để phòng chống cháy rừng trong khoảng thời gian này.
- Diện tích quản lý bị chia cắt thành 3 khu vực chính xen kẽ là các khu dân cư của các xã, dân cư trong địa bàn sống rải rác trong 4 cụm (4 trạm bảo vệ rừng và 4 làng), do đó công tác quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn và phức tạp.
- Mật độ dân số trong khu vực cao, sự gia tăng dân số do tỷ lệ sinh cao cùng với sự di cư tự do của người dân từ nơi khác đến làm tăng nhu cầu đất canh tác. Đây là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tình trạng lấn chiếm rừng và đất rừng trong khu vực.
- Diện tích đất nông nghiệp do canh tác không hợp lý nên dẫn hiện tượng đất bị suy thoái, đòi hỏi phải có các biện pháp kỹ thuật cấp bách, kịp thời để phục hồi tính chất và nâng cao độ phì đất.
- Mặc dù có nguồn lao động phong phú song hầu hết lao động trong khu vực là lao động thuần nông, làm việc theo kinh nghiệm chứ không được đào tạo tay nghề, vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn để đào tạo một cách cơ bản.