4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
3.1.1. Cơ sở lý luận
Thuật ngữ “xã hội hóa” hiện nay được sử dụng khá phổ biến, hầu như vấn đề gì cần huy động các nguồn lực xã hội thì người ta gọi đó là xã hội hóa. Theo các nhà khoa học thì “xã hội hóa” được sử dụng để chỉ việc tăng cường sự quan tâm, tham gia rộng rãi của xã hội về cả vật chất và tinh thần vào một số hoạt động mà trước đó chỉ được một đơn vị, một bộ phận hay một ngành chức năng nhất định thực hiện. Từ khi thực hiện chính sách đổi mới, với chủ trương phát huy nội lực, kêu gọi các thành phần kinh tế, cá nhân, tổ chức tham gia vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thì cụm từ “xã hội hóa” xuất hiện và được nhắc đến trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo nghĩa chung và phổ biến nhất thì “Xã hội hóa là việc huy động nguồn vốn, nguồn lực từ mọi cá nhân, tổ chức để thực hiện hoặc tham gia thực hiện một số dịch vụ công cộng trên cơ sở có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước”. Như vậy, xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ là việc huy động nguồn vốn, nguồn lực từ mọi cá nhân, tổ chức để đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ trên cơ sở có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Nhà nước nhằm nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, ổn định sản xuất và sinh hoạt của nhân dân và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước
Theo Luật Thuỷ lợi, xã hội hoá công tác thủy lợi là sự tham gia và đóng góp nguồn lực của tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước vào hoạt động về thủy lợi. Đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và bảo vệ CTTL là một trong những nội dung chính của hoạt động
Thực tế, trong một số trường hợp, khái niệm “xã hội hóa” được sử dụng tại Việt Nam có ý nghĩa tương tự với khái niệm “đối tác tác công tư” hay “hợp tác công tư”. Hay nói cách khác đối tác công tư là một hình thức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.
Đối tác công tư (PPP) là mối quan hệ đối tác nhà nước - tư nhân có thể thực hiện theo các cơ cấu và hình thức hợp đồng khác nhau.
- Khu vực công: Khu vực công trong đối tác PPP đầu tư xây dựng, đầu tư xây dựng và quản lý hoặc quản lý khai thác hồ đập nhỏ là chính quyền hoặc các cơ quan được chính quyền cấp tỉnh, huyện ủy quyền.
- Khu vực tư: bao gồm tất cả các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động vì mục đích lợi nhuận không thuộc sở hữu hoặc điều hành của nhà nước. Các tổ chức từ thiện, tổ chức cộng đồng và các tổ chức phi lợi nhuận không thuộc sở hữu hoặc điều hành của nhà nước cũng được xem là một phần thuộc khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, PPP chỉ có thể áp dụng thích hợp cho các công trình hồ đập vừa và lớn, mà khó áp dụng cho các công trình hồ đập nhỏ
Đối với quản lý khai thác công trình thủy lợi, XHH quản lý khai thác CTTL nhỏ thường đồng nghĩa với việc thực hiện quản lý tưới có sự tham gia của người dân (PIM). Đây là một hình thức xã hội hóa công tác thủy lợi nhỏ phổ biến phục vụ sản xuất nông nghiệp. PIM cũng là hình thức XHH phổ biến hiện nay đối với hồ đập nhỏ ở miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, vốn đầu tư xây dựng thường rất lớn nên xã hội hóa nếu bao gồm cả xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là ở miền núi phía Bắc.