Thạch Sanh, Thoại Khan h Châu Tuấn, Tống Trâ n Cúc Hoa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) loại hình nhân vật truyện nôm bác học và truyện nôm bình dân dưới cái nhìn so sánh (Trang 36 - 40)

7. Cấu trúc của luận văn

1.5.2. Thạch Sanh, Thoại Khan h Châu Tuấn, Tống Trâ n Cúc Hoa

1.5.2.1. Thạch Sanh

Truyện Nôm Thạch Sanh có nguồn gốc diễn ca từ truyện cổ tích cùng tên, viết

dưới dạng lục bát, cốt truyện đã dung nạp nhiều mô típ khác nhau. Hiện nay, có nhiều bản kể về truyện anh hùng Thạch Sanh, trong đó phổ biến ba bản tiêu biểu: Bản A,

xuất bản năm 1907 tại Sài Gòn, nhan đề Thạch Sanh - Lí Thông. Bản B xuất bản năm

1916 tại Hà Nội, nhan đề Thạch Sanh truyện. Bản C xuất bản năm 1912 tại Hà Nội, nhan đề Thạch Sanh tân truyện. Văn bản chúng tôi sử dụng để so sánh dưới đây là Truyện Thạch Sanh do các tác giả Huỳnh Lí, Nguyễn Xuân Lân giới thiệu, hiệu đính, chú thích, nhà xuất bản Văn học ấn hành tại Hà Nội năm 1971, gồm 1812 dòng kể, viết bằng thể lục bát.

Truyện xoay quanh hai nhân vật chính, một đại diện cho chính nghĩa là Thạch Sanh, một đại diện phi nghĩa là Lí Thông. Vài nhân vật chính nghĩa hoặc phi nghĩa phụ khác như bố mẹ Thạch Sanh, công chúa, trăn tinh, xà tinh, thái tử mười tám nước chư hầu cũng chỉ như cái phông, bè đệm để tạo hoàn cảnh nổi bật tài năng đức độ của Thạch Sanh, và tạo điều kiện phơi bày bản chất xấu xa, đểu cáng của Lí Thông. Cốt truyện Truyện Thạch Sanh khá đơn giản, dễ hiểu. Kết cấu truyện có thể chia làm 3 phần, gồm 24 tình tiết, sự kiện chính:

Phần 1: Lai lịch siêu nhiên của Thạch Sanh. Thạch Sanh vốn là Thái tử xuống đầu thai vào gia đình hiếm muộn. Cha mẹ mất, Thạch Sanh sống ở gốc đa. Hằng ngày, chàng kiếm củi nuôi thân, sau được tiên ông dạy phép.

Phần 2: Kết bạn với Lí Thông, diệt mãng xà, diệt đại bàng, cứu công chúa. Thạch Sanh và Lí Thông kết nghĩa anh em. Lí Thông lập mưu đổi mạng. Thạch Sanh chém xà tinh. Lí Thông lừa bịp cướp công. Công chúa kén chồng, bị đại bàng cắp đi. Thạch Sanh giương cung bắn, đại bàng bị thương. Thạch Sanh cứu công chúa, giết xà tinh, cứu hoàng tử chốn Thủy cung, diệt Hồ tinh.

Phần 3: Kết hôn, chiến thắng quân chư hầu, lên ngôi. Thạch Sanh kết duyên cùng công chúa. Quan quân 18 nước chư hầu tiến đánh, nhờ tiếng đàn thần và niêu

cơm thần kì, chúng khuất phục, lui binh. Thạch Sanh thay vua trị nước. Lí Thông bị Thiên lôi trị tội.

Giá trị nội dung của truyện Nôm Thạch Sanh là đã xây dựng lên thế giới mơ

ước và khát vọng của nhân dân về điều thiện, điều tốt đẹp trong cuộc sống. Các nhân vật trong truyện là đại diện cho cái ác, cái xấu nhưng đều dẫn đến chân lý của nhân

dân chính là cái thiện dành chiến thắng. Nhân vật trong truyện Nôm Thạch Sanh

nhân vật loại hình mang đậm tính chất lý tưởng hóa. Các chi tiết đắt như niêu cơm, cây

đàn, làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, ấn tượng.

1.5.2.2. Thoại Khanh - Châu Tuấn

Truyện Nôm Thoại Khanh - Châu Tuấn kể về Thoại Khanh, một người phụ nữ

xinh đẹp, có tài văn chương, tiết nghĩa là người vợ hiền, dâu thảo. Năm nọ, chồng nàng là Châu Tuấn do khước từ hôn ý Công chúa mà bị đày đi sứ 17 năm, phải chịu cảnh “hôn nhân ép buộc” với công chúa lữ quốc. Ngày đêm, nơi cung điện nhưng lại chịu cảnh “cầm giam”, hằng mong thương nhớ nơi quê nhà.

Thương nhớ Châu Tuấn, Thoại Khanh và mẹ chồng lên đường đi tìm Châu Tuấn, băng qua những rừng sâu, nước độc. Trên đường lưu lạc, đói rách, nhưng con dâu vẫn chăm chút, “nhường cơm sẻ áo” cho mẹ chồng. Khi mẹ tuổi già, sức lực kiệt quệ vì đói, Thoại Khanh đã quyết định “lóc thịt” trên cánh tay mình cho mẹ chồng ăn nơi rừng thẳm. Đây là hành động cảm động nhất câu chuyện, thể hiện tấm lòng hiếu thảo, quên đi sinh mạng của Thoại Khanh.

Châu Tuấn thi đỗ Trạng nguyên, hai lần được hai vua Tống vương và Tề vương gả con gái, nhưng chàng đều khước từ, không phụ người vợ thuở hàn vi. Phẩm chất của Thoại Khanh, Châu Tuấn đã cảm hoá cả hai vị vua và hai nàng công chúa. Châu Tuấn được lên ngôi vua, sống sung sướng cùng Thoại Khanh và hai người vợ thứ con Tề vương và Tống vương. Truyện có giá trị tố cáo hiện thực, đồng thời mang màu sắc lí tưởng, tuyệt đối hoá nhân vật chính diện và có ít nhiều yếu tố kì ảo tiếp thu của cổ tích.

1.5.2.3. Tống Trân - Cúc Hoa

Truyện Nôm Tống Trân - Cúc Hoa dài 1680 câu lục bát, hiện chưa rõ năm sáng

tác. Tác phẩm có nguồn gốc từ truyện dân gian Việt Nam, được nhân dân yêu thích và truyền tụng.

Về văn bản, truyện Tống Trân - Cúc Hoa được viết chữ Nôm do Quan Văn Đường khắc in năm Duy Tân Nhâm Tý (1912) và hiện được lưu trữ tại Thư viện

Nghiên cứu Hán Nôm có kí hiệu AB.217 với tên Tống Trân tân truyện.

Về phiên dịch chữ Quốc ngữ, Tống Trân tân truyện đã được Nhà xuất bản Phổ

thông Hà Nội in từ năm 1960 và đặt tên là Tống Trân - Cúc Hoa. Chúng tôi chọn văn

bản này để khảo sát.

Về nội dung, truyện kể theo kết cấu xâu chuỗi xoay quanh cốt truyện gặp gỡ, chia li và đoàn tụ với ba nhân vật chính: Tống Trân, nàng Cúc Hoa và cha nàng Cúc Hoa. Truyện có 23 tình tiết sự kiện tạm chia làm 3 phần chính:

Phần 1: Nguồn gốc của Tống Trân, gặp gỡ Cúc Hoa, bước đột khởi của nhân vật (đỗ trạng, đi sứ). Hai vợ chồng ông lão đến tuổi sáu mươi mới sinh được một con trai, đặt tên là Tống Trân. Mới ba tuổi, cha đã qua đời, gia cảnh trở nên sa sút, Tống Trân phải dắt mẹ đi ăn xin. Một lần, đến xin ăn nhà Trưởng giả, con gái út của hắn ta là Cúc Hoa thương cảm, đem gạo ra cho, rồi xin lấy Tống Trân làm chồng. Cúc Hoa chăm mẹ chồng, nuôi chồng ăn học. Tống Trân thi đỗ Trạng nguyên. Công chúa muốn lấy Tống Trân làm chồng, bị cự tuyệt, liền xin vua cha đầy Trạng đi sứ.

Phần 2: Cúc Hoa bị cha ép gả. Tống Trân được phong Lưỡng quốc trạng nguyên, kết duyên cùng công chúa Bạch Hoa. Tại nước Tần, Tống Trân vượt qua mọi cuộc thử tài như đi qua thảm chông, xử án thông minh, giỏi giang. Vua Tần khen ngợi, gả công chúa Bạch Hoa cho chàng. Ở quê nhà, Trưởng giả vì tiền bạc, ép con gái Cúc Hoa tái giá nhưng nàng cự tuyệt.

Phần 3: Tống Trân giải thoát Cúc Hoa, cả nhà đoàn tụ. Nhận được tin báo, Tống Trân xin vua về nước, giả làm ăn mày, giải cứu cho vợ và mẹ kh i tai ương. Nàng Bạch Hoa nhớ chồng tìm đường sang nước Nam. Trên đường đi, tàu nàng bị bão đánh chìm. Nàng thoát chết, dạt vào đảo Đơn Hồng. Vua sai Trạng đến đảo Đơn Hồng săn nai. Tống Trân đưa Bạch Hoa về. Cả gia đình đoàn tụ vui vẻ.

Truyện Nôm Tống Trân - Cúc Hoa lên án những thế lực tàn bạo đã ngăn cản,

chà đạp lên tình yêu; đồng thời ngợi ca tấm lòng son sắt kiên trinh, ý chí phấn đấu vì hạnh phúc, vì tình yêu của những con người biết chống lại những thế lực vừa nêu và

những lễ tục khắc nghiệt. Bên cạnh đó, Tống Trân - Cúc Hoa còn là câu chuyện đi sứ,

cũng đã xây dựng tương đối thành công một số mẫu người Việt Nam truyền thống, đặc biệt là người phụ nữ.

Về mặt nghệ thuật, Tống Trân - Cúc Hoa là câu chuyện thuần túy Việt Nam.

Khác với nhiều truyện Nôm khác, “truyện Nôm này hầu như không sử dụng điển cố

hoặc từ Hán Việt, nhưng lại sử dụng khá nhiều "môtíp" của truyện dân gian Việt Nam. Ngôn ngữ trong truyện cũng rất giản dị, rất gần lời ăn tiếng nói của con người bình dân. Thế nhưng, mạch đi của truyện còn rườm rà, do kết cấu chưa thật chặt chẽ, ngôn ngữ quá đơn giản, thiếu trau chuốt, chưa phải là thứ ngôn ngữ giàu nhạc điệu, hình ảnh. Mặc dù vậy, truyện vẫn được quần chúng lúc bấy giờ yêu thích và phổ biến rộng rãi” [3, tr.1761].

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1, chúng tôi đã tìm hiểu một số vấn đề chung như khái quát về truyện Nôm, về nhân vật trong tác phẩm văn học cũng như các tác phẩm truyện Nôm

trong phạm vi nghiên cứu của luận văn.Chúng tôi nhận thấy, truyện Nôm là một thành

tố có vị thế quan trọng trong nền văn học Việt Nam. Là loại hình tự sự bằng thơ dùng văn tự Nôm, truyện Nôm có nhiều nguồn gốc cốt truyện khác nhau: một số tác phẩm sử dụng cốt truyện dân gian hay lấy cốt truyện từ văn học viết Trung Quốc. Một số khác lại lấy cốt truyện từ chính cuộc đời tác giả và thực tiễn đời sống. Trong quá trình tìm hiểu, ta thấy rằng nhân vật là phương diện đáng chú ý và có sức ảnh hưởng lớn đến giá trị tác phẩm. Chính vì vậy mà việc phân loại nhân vật theo tư duy nhân vật loại hình của văn học dân gian giúp ta nhận ra nét tương đồng và dị biệt trong các tác phẩm truyện Nôm bình dân và bác học. Truyện Nôm bác học đã có những đóng góp lớn lao, đánh dấu bước phát triển của văn học quốc âm nói riêng và văn học trung đại nói

chung với những tác phẩm có giá trị như: “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Sơ Kính tân

trang” của Phạm Thái, “Hoa tiên kí” của Nguyễn Huy Tự. Còn truyện Nôm bình dân

lại khá phổ biến trong dân gian với những tác phẩm như: “Thạch sanh”, “Tống Trân -

Cúc Hoa”, “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. Có thể nối đây là những tiền đề quan trọng để chúng tôi làm cơ sở triển khai các vấn đề nghiên cứu trong chương 2 và chương 3 của luận văn.

Chương 2

NHÂN VẬT TRUYỆN NÔM BÁC HỌC

VÀ TRUYỆN NÔM BÌNH DÂN - NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG

Có thể nói, khi tiếp cận các tác phẩm truyện Nôm bác học và truyện Nôm bình dân, điểm dễ nhìn thấy ở hai loại truyện này đó chính là sự tương đồng cơ bản về loại hình nhân vật. Đó là các tác phẩm có sự phân loại nhân vật theo tư duy nhân vật loại hình của văn học dân gian. Tư duy này được thể hiện ở việc các tác giả phân chia nhân vật thành hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện với những đặc điểm về hình thức, phẩm chất và kết thúc của nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) loại hình nhân vật truyện nôm bác học và truyện nôm bình dân dưới cái nhìn so sánh (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)