Nhân vật phản diện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) loại hình nhân vật truyện nôm bác học và truyện nôm bình dân dưới cái nhìn so sánh (Trang 56 - 69)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Nhân vật phản diện

Trong xã hội lúc bấy giờ, đời sống nhân dân không được yên ổn bởi những thế lực phong kiến, bởi những định kiến xã hội, bởi sự chi phối của ma lực đồng tiền. Bên cạnh những giá trị chân thiện mỹ vẫn còn tồn tại bao phạm trù thuộc cái xấu, cái hèn. Ngoài việc khắc họa cái đẹp, những tác giả thời đại lúc bấy giờ còn lên tiếng phản ánh và phê phán những gì xấu xa, bất công đang hiện diện ngoài xã hội. Để làm được điều đó một cách thành công nhất, các tác giả đã xây dựng nhân vật, coi hình tượng nhân vật là một phương diện phản ánh thực tại. Các nhân vật trong truyện Nôm bấy giờ không đồng nhất với nhau mà được chia thành nhiều loại hình nhân vật khác nhau, góp phần dễ dàng tái hiện các khía cạnh cuộc sống từ những góc khuất đen tối đến những cảnh đời thực mà ta có thể dễ dàng thấy được. Truyện Nôm bình dân hay bác học, dù hệ thống nhân vật bị giới hạn hay được mở rộng thì các nhân vật trong tác phẩm truyện Nôm đều được chia thành hai loại hình nhân vật trái ngược nhau. Nếu các nhân vật chính diện là đại diện cho cái tốt, cái đẹp thì nhân vật phản diện là tất cả những gì ngược lại. Loại hình nhân vật này là sự hội tụ của những phạm trong trù thuộc cái xấu, cái ác, đôi khi có cả cái hài. Những nhân vật phản diện được xây dựng để bày tỏ cách nhìn của tác giả về một loại người nào trong xã hội - người xấu. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng nhân vật như một phương tiện phản ánh và tố cáo thực tại và trả lời câu hỏi về xã hội lúc bấy giờ.

Ở các tác phẩm truyện Nôm bác học, những nhân vật phản diện xuất hiện như yếu tố quan trọng góp phần thể hiện tư tưởng của tác giả. Những nhân vật phản diện cũng được miêu tả kĩ lưỡng và hiện lên một cách sinh động không kém những nhân vật chính diện. Loại hình nhân vật này cũng được miêu tả ngoại hình, ngôn ngữ và

hành động một cách tỉ mỉ có chủ ý. Trong Truyện Kiều, với ngòi bút sắc sảo của mình,

Nguyễn Du đã miêu tả bộ mặt xã hội với những nhân vật điển hình, có diện mạo và bản chất riêng. Bên cạnh những nhân vật có sức sống mãnh liệt là những hình tượng có sức tố cáo mạnh mẽ, có chiều sâu và tính thời sự qua bao thời đại. Điều này thể

hiện rõ nhất qua loại hình nhân vật phản diện. Trong bộ máy nhà nước giai cấp phong kiến lúc bấy giờ, bộ mặt quan lại kết bè lũ áp bức, đẩy nhân dân tới bờ vực khốn cùng. Trong tập đại thành của đại thi hào dân tộc, Hồ Tôn Hiến có quyền thế đứng đầu một tỉnh, được vua tin dùng điều ra trận:

“Có quan tổng đốc trọng thần,

Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài. Đẩy xe vâng chỉ đặc sai,

Tiện nghi bát tiễu việc ngoài đổng nhung.”

Tuy nhiên hắn ta lại là một kẻ bỉ ổi, hèn nhát, không dám đương đầu với Từ Hải mà phải dùng chính sách “chiêu an” làm lung lay lòng Thúy Kiều hòng đánh ngã Từ Hải. Đúng như kế hoạch của hắn ta, Từ Hải nghe lời khuyên của Thúy Kiều mà mắc mưu ra hàng triều đình để bị phục kích, bị bao vây và chết trận. Hắn ta không những thiếu liêm sỉ lừa Từ Hải mà còn dối trá, lừa bịp người con gái yếu đuối không hiểu chuyện như Thúy Kiều. Họ Hồ khuyên răn nàng Kiều “giúp công cũng có lời nàng mới nên” và hứa trả ơn nhưng rất tiếc, đó chỉ là lời hứa suông của kẻ tiểu nhân. Hồ Tôn Hiến trở về mở tiệc ăn mừng và bắt nàng Kiều hầu rượu, đánh đàn:

“Bắt nàng thị yến dưới màn, Dở say lại ép cung đàn nhặt thâu.”

Có thể nói để mua vui cho mình, họ Hồ sẵn sàng hạ thấp giá trị và làm nhục nàng trước mặt bao nhiêu người. Nhưng “nghe càng đắm, ngắm càng say/ Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”, Hồ Tôn Hiến say mê nàng muốn cưới nàng làm vợ lẽ nhưng bị Kiều mắng xéo trước mặt các quan văn võ dưới quyền nên sợ “quan trên trông xuống, người ta trông vào” mà ban Thúy Kiều cho viên thổ quan.

Hồ Tôn Hiến trong tác phẩm được xây dựng đại diện cho bọn quan lại của xã hội đương thời. Có quyền to, chức lớn nhưng lại có tính tàn bạo, lại bỉ ổi, hèn nhát, hoang dâm vô độ. Trong khi Từ Hải vùng vẫy vì khát khao tự do, không màng danh lợi thì Hồ Tôn Hiến là một viên quan ỷ quyền to chức lớn mà đàn áp dân đen. Trái ngược với hành động chuộc thân cho Kiều, giúp nàng trả ân báo oán, cho nàng cuộc sống tự do tốt đẹp của Từ Hải, Hồ Tôn Hiến lại trắng trợn lừa dối bằng những thứ giả tạo, đẩy Thúy Kiều vào cuộc sống tủi nhục. Nguyễn Du miêu tả nhân vật Hồ Tôn Hiến

và Từ Hải không chỉ đối lập với Từ Hải về lý tưởng, hành động mà về cả nhân phẩm lẫn trí tuệ. Ngay từ đầu, Nguyễn Du giới thiệu với độc giả viên quan họ hồ là người có tài cầm binh, tuy nhiên khi đối đầu với Từ Hải, hắn ta liền ra lệnh “đóng quân làm chước chiêu binh.” Chưa đánh đã dùng kế sách dụ dỗ hậu phương, lung lay Từ Hải. Vì vậy có thể biết rằng, họ Hồ chỉ được danh tài ba trí tuệ mà thực không biết cách dùng quân, chỉ biết dùng kế hèn mà chiến thắng.

Hình ảnh bọn quan lại thời đại bấy giờ còn phải kể đến bọn sai nha ham tiền mà

bất chấp trắng đen. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du thấy cái xấu xa của bọn quan lại

thông qua hành động mà bộc lộ rõ bản chất của chúng. Nguyễn Du khái quát về bọn sai nha bằng hai câu thơ:

“Một ngày lại thói sai nha

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.”

Thằng bán tơ vu oan cho gia đình Kiều - một nhân vật phản diện được Nguyễn Du nhắc thoáng qua, nhưng lại là nguồn cơn đẩy cuộc đời của Thúy Kiều vào một chuỗi những khổ đau và tủi nhục. Không ai biết sự thể đầu đuôi, cũng không thấy có sự điều tra, thẩm vấn, chỉ biết sau vụ oan ấy “sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao”, rồi “người nách thước, kẻ tay đao”, một lũ đầu trâu mặt ngựa xông vào bắt trói, đánh đập cha, em Thúy Kiều hết sức dã man, rồi phá tan hoang nhà cửa, và cuối cùng:

“Đồ tế nhuyễn, của riêng tây, Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”

Khi có cái cớ bày ra trước mắt, bọn chúng được nước làm tới, cứ thế bắt trói mà đánh đập người dân. Và bọn quan trên cũng chả khác là bao. Đến cửa quan, Vương ông và Vương Quan lại bị tra khảo nặng nề hơn:

“Rường cao rút ngược dây oan Dẫu là đá cũng nát gan lọ người.”

Cuối cùng, bản chất tham lam của bọn chúng cũng được bộc lộ thêm qua hành động “có ba trăm lạng việc này mới xong”. Bọn chúng giả nhân giả nghĩa ra tay cứu giúp Kiều khi có ba trăm lạng để cha và em nàng không bị xử tử. Thật bất nhân! Chính hành động của chúng đã đẩy nàng vào thế cùng, buộc phải bán mình để có tiền chuộc cha và em. Tiếp theo là hành động của viên quan xử án khi Kiều gặp Hoạn Thư và Thúc Sinh. Có đơn kiện ở cửa công, quan mới xuống đòi bên nguyên, bên bị đến công

đường xét xử. Quan có lập phiên tòa và khi ra trước tòa, “trông lên mặt sắt đen sì” và nghe thấy cả tiếng đằng hắng lấy giọng của quan trước lúc xét xử:

“Phép công chiếu án luận vào, Có hai đường ấy muốn sao mặc mình.

Một là cứ phép gia hình, Hai là lại cứ lầu xanh phó về.”

“Phép công chiếu án luận vào” vậy mà lại phán Thúy Kiều một là chịu đánh đòn, hai là phải trở về nhà chứa. Mặc dù Thúy Kiều bị đánh nhưng viên quan này lại có thể động lòng với tiếng khóc sụt sùi của Thúc Sinh mà chẳng động lòng một chút nào trước cảnh đánh đập Thúy Kiều tàn nhẫn. Khi biết Thúy Kiều có tài thơ, quên hết công lý, hắn lại bắt Thúy Kiều làm thơ “mộc già hãy thử một phen trình nghề” và cuối cùng dựa vào một bài thơ của Thúy Kiều để xử án. Có thể nói, mỗi tên quan xuất hiện trong tác phẩm ở mỗi thời điểm khác nhau, thứ bậc khác nhau, mỗi tên có một vẻ riêng khác biệt nhưng đều chung một bản chất, đều xô đẩy Thúy Kiều đến với con đường đầy tủi nhục.

Bộ mặt đen tối xã hội thời phong kiến trong tác phẩm Truyện Kiều hiện lên qua

ngòi bút của Nguyễn Du không chỉ qua nhân vật Hồ Tôn Hiến, bọn sai nha, thằng bán tơ hay viên quan xử án mà phải kể đến phường buôn thịt bán người như Mã giám Sinh, mụ Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh và người phụ nữ độc ác hay ghen: Hoạn Thư. Khi Kiều gặp gia biến, quyết định bán mình chuộc cha thì Mã Giám Sinh xuất hiện:

“Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh,

Hỏi quê, rằng: Huyện Thanh Lâm cũng gần.”

Hắn ta tự giới thiệu mình là kẻ sĩ, song chỉ dám giới thiệu họ mà không nói tên, nói quê thì chỉ nôm na mà không cụ thể. Nhân vật hiện lên với vẻ mơ hồ nhưng lại có thái độ kiêu kỳ, hợm hĩnh và thô kệch của kẻ vô học mang danh kẻ sĩ. Thực chất đây chỉ là sự khoe mẽ để họ Mã có thể lừa gạt, khoe khoang thiên hạ và dùng nó đội lốt kẻ buôn người một cách trắng trợn. Chân dung Mã Giám Sinh được Nguyễn Du khắc họa:

“Quá niên trạc ngoại tứ tuần, Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.”

Sự đối lập giữa vẻ ngoài với độ tuổi đã làm con người họ Mã trở nên giả dối, khoa trương. Lại thêm hành động “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, Mã Giám Sinh đã bộc lộ bản chất của một con người thiếu lịch sự, không phân biệt được chủ khách tại gia đình Thúy Kiều. Ngôn ngữ của nhân vật lại càng tố cáo bản chất của một con buôn, hắn ta dùng những lời hoa mỹ, bóng bẩy nhưng thực chất chỉ là lời hỏi giá:

“Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường.”

Vốn là kẻ “quen mối lại kiếm ăn miền nguyệt hoa” nên khi gặp Thúy Kiều, hắn ta “đắn đo cân sức cân tài”, xem Kiều như một món hàng để cân đo đong đếm, suy nghĩ thiệt hơn rồi cuối cùng lại hành động:

“Cò kè bớt một thêm hai,

Giờ lâu ngã giá, vàng ngoài bốn trăm.”

Nhân vật phản diện này không chỉ đại diện cho những gì thuộc phạm trù cái xấu mà còn thuộc về cái hài. Hài ở đây chính là sự xuất hiện của Mã Giám Sinh. Hắn ta xuất hiện như một tên hề, một kẻ vô lại, tiểu nhân đội danh người có học thức. Qua ngòi bút miêu tả của mình, Nguyễn Du đã bóc trần vẻ giả tạo và bản chất con buôn của Mã Giám Sinh.

Nhân vật phản diện trong Truyện Kiều xuất hiện khá nhiều. Những nhân vật này

góp phần tạo nên mặt tối của bức tranh xã hội lúc bấy giờ: nơi đồng tiền cai trị, nơi mà bọn buôn người hoành hành. Nhắc đến bọn buôn thịt bán người, ngoài Mã Giám Sinh còn có Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh và kẻ buôn phấn bán hương trá hình - Sở Khanh. Dáng vẻ của Tú Bà được Nguyễn Du mô tả:

“Thoắt trông nhờn nhợt màu da, Ăn gì cao lớn, đẫy đà làm sao?”

Cái màu da “nhờn nhợt” của mụ vừa gợi lên màu da tạo cảm giác ghê tởm, vừa gợi lại quá khứ giang hồ một thời. Thực chất mụ là người phụ nữ hoạt động chốn thanh lâu. Phải chăng vì lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm mà màu da trở nên “nhờn nhợt” ghê tởm đến như vậy? Khi mua Kiều, mụ nhẹ nhàng dụ dỗ bao nhiêu thì lúc Kiều về tay, mụ lại trở mặt hăm dọa, răn đe bấy nhiêu:

“Con kia đã bán cho ta,

Mụ là người điêu ngoa, xảo quyệt, khi thấy Kiều toan tự tử thì lại mềm mỏng dỗ dành, rồi lại nghĩ cách đưa nàng vào bẫy tiện đà dễ dàng dạy bảo theo ý mụ.

Chính lúc này, Sở Khanh xuất hiện, cùng mụ Tú Bà đưa nàng Kiều vào bẫy. Sở Khanh được khắc họa:

“Một chàng vừa tuổi thanh xuân Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng.

Nghĩ rằng cũng mạch thư hương, Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.”

Sở Khanh xuất hiện giữ vai trò lừa gạt, bịp bợm, hợp tác với mụ Tú Bà để đưa Thúy Kiều vào bẫy. Gặp nàng Kiều, hắn than thở, tỏ ra thương hoa tiếc ngọc rồi thể hiện mình là người anh hùng hào kiệt, đảm bảo ra tay cứu giúp nàng Kiều khỏi chốn thanh lâu nhưng sau đó cuối cùng lại bỏ mặc nàng một mình trên đường hẹn gặp.

“Rằng ta có ngựa truy phong

Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì.”

Trong Truyện Kiều, Mã Giám Sinh, mụ Tú Bà, Sở Khanh là những nhân vật

được Nguyễn Du xây dựng theo nét riêng. Tuy nhiên bản chất của chúng đều giống nhau. Đều là những kẻ tiểu nhân, thuộc phường buôn người bán thịt, hay kết cấu với nhau làm chuyện xấu. Cũng như những nhân vật chính diện trong truyện, những nhân vật phản diện cũng được miêu tả qua hành động, ngoại hình lẫn ngôn ngữ. Tuy nhiên, thay vì dùng bút pháp ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du lại dùng bút pháp tả chân để bóc trần bản chất, chân tướng bất nhân, bất nghĩa, hèn hạ, tiểu nhân.

Nếu những nhân vật trên đại diện cho bọn buôn người thì Hoạn Thư được xem là hình tượng đại diện cho cái ghen, lắm mưu nhiều kế, sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm của người khác để trả mối tư thù. Hoạn Thư không được miêu tả ngoại hình một cách trực tiếp ngay từ đầu như những nhân vật khác, hình ảnh của Hoạn Thư được nhìn qua ánh mắt của Thúy Kiều với “bề ngoài thơn thớt nói cười”. Tuy nhiên, bên trong Hoạn Thư đã biết tất cả mọi chuyện giữa Kiều và Thúc Sinh. Nàng ta mưu tính thâm kế để trả mối thù cướp chồng. Sẵn sàng bắt Thúy Kiều đánh đàn hầu rượu, mua vui cho hai vợ chồng nàng.

“Vợ chồng chén bạc chén thù Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.

Bắt khoan bắt nhặt đến lời, Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận nơi.”

Cũng chính vì quyền thế nhà họ Hoạn quá lớn, đến nỗi khiến nhà chùa không thể chứa chấp Thúy Kiều, làm nàng phải lưu lạc rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh. Tóm

lại, loại hình nhân vật phản diện trong Truyện Kiều xuất hiện khá nhiều và quy tụ

thành một hệ thống: Hồ Tôn Hiến bất tài, bỉ ổi và đê hèn; mụ Tú Bà độc ác và xảo quyệt; một tên ma cô dắt gái Mã Giám Sinh giả dối và khoa trương; một Sở Khanh hèn hạ, đốn mạt; một Hoạn Thư ghen tuông và tàn độc,… Mỗi nhân vật đều được xây dựng rất gần gũi với đời thực qua ngòi bút tả chân đã góp phần bộc lộ bản chất giai cấp của chúng.

Nhân vật phản diện là loại hình nhân vật xuất hiện và đóng vai trò quan trọng, đẩy cốt truyện trở nên kịch tính, hấp dẫn hơn. Hành động của nhân vật phản diện chính là yếu tố cốt lõi thực hiện nhiệm vụ trên. Trong đó, hành động của bọn quan lại có chức quyền, lấy thế hà hiếp dân lành là chủ đề không thể thiếu mà hầu hết các tác

phẩm đều nói đến. Với tác phẩm Sơ kính tân trang, Phạm Thái nói đến câu chuyện

tình yêu nơi lầu son gác tía của Phạm Kim - Quỳnh Thư nhưng vẫn không quên miêu tả bộ mặt xã hội thối nát lúc bấy giờ. Có thể làm được điều ấy là nhờ một phần vào hình ảnh nhân vật phản diện trong tác phẩm. Viên Đô đốc chốn Kinh kỳ, tên quan lại quyền thế ngập trời đã ép hôn Quỳnh Thư dù biết nàng đã có hôn ước với Phạm Kim.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) loại hình nhân vật truyện nôm bác học và truyện nôm bình dân dưới cái nhìn so sánh (Trang 56 - 69)