6. Kết cấu đề tài
2.1. Giai đoạn 1985-1995
Có thể nói vào cuối nhiệm kì Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, yêu cầu đổi mới đất nước được đặt ra cấp thiết. Đáp ứng yêu cầu đó, tháng 12/1986, Đại hội VI của Đảng được triệu tập. Chủ trương Đổi mới toàn diện đất nước đã được đề ra từ Đại hội này. Trước hết là đổi mới tư duy kinh tế nhằm phát huy những năng lực và giải phóng những tiềm năng sẵn có, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong toàn xã hội nói chung và trong hoạt động công đoàn nói riêng.
Trong bối cảnh đó, KCN Sông Công được thành lập. Những ngày đầu thành lập, công đoàn KCN chưa là một tổ chức chính thức nhưng đã có những hoạt động góp phần nâng cao chất lượng và bảo vệ lợi ích hợp pháp của giai cấp công nhân, người lao động. Công đoàn luôn cố gắng tập hợp quần chúng, công nhân, viên chức lao động, thu hút sự tham gia đông đảo của công nhân viên chức, người lao động, không phân biệt giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, giữ vai trò quan trọng góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Một trong những nội dung quan trọng mà Ban quản lý KCN thực hiện được là chức năng giáo dục, giúp người lao động nhận thức đầy đủ về lợi ích cá nhân phải gắn liền với kết quả sản xuất- kinh doanh của đơn vị. Từ đó, củng cố kỷ luật lao động, học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn, nghiêp vụ, xây dựng ý thức tự nguyện, tự giác trong lao động công tác. Năm 1991, công đoàn đã triển khai học tập Nghị quyết Công đoàn cho các cán bộ Công đoàn chủ chốt, đoàn viên công đoàn. Tổ chức các buổi sinh hoạt tại cơ sở
hoặc thông qua các kỳ hội nghị, họp định kỳ của công đoàn để tuyên truyền giáo dục cho công nhân, viên chức, lao động. Ngoài ra, để nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, viên chức, lao động, công đoàn còn tổ chức ít nhất một đến hai lớp tập huấn mỗi năm.
Bảng 2.1. Thống kê số lớp và số lượt người tham gia tập huấn (1991 -1995) Năm Số lớp tập huấn Lượt người tham gia tập huấn
1991 01 5
1992 01 7
1993 01 11
1994 02 15
1995 01 22
Nguồn: Công đoàn KCN Sông Công
Nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục trong công nhân, viên chức và lao động, tổ chức công đoàn không ngừng giáo dục về vấn đề truyền thông, tư vấn về dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, … Đồng thời, mỗi năm công đoàn đều tổ chức kỷ niệm chào mừng các ngày lễ lớn như kỷ niệm ngày 8/3, 20/10 (thể hiện sự quan tâm chu đáo tới các nữ công nhân), kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và ngày thành lập công đoàn 28/7 để tuyên truyền về truyền thống, lịch sử đất nước trong công nhân, viên chức, lao động. Hoạt động này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động của công đoàn mà còn góp phần nâng cao hiểu biết về tổ chức công đoàn cho người lao động và doanh nghiệp. Công đoàn luôn luôn tuyên truyền, giáo dục công nhân viên chức và lao động vững tin vào đường lối, chính sách của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới; luôn tỉnh táo cảnh giác và đấu tranh với những khuynh hướng sai lầm, tư tưởng tiểu tư sản, ảo tưởng, mơ hồ, mị dân, cơ hội làm sai lệch mục tiêu chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, công đoàn luôn bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và lao động, tạo điều kiện làm việc cho công nhân, lao động,
tham gia vào chế độ tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, ký hợp đồng lao động, giải quyết tranh chấp lao động, … Kết quả cho thấy, công đoàn đã hỗ trợ và giải quyết việc làm cho 8.705 người lao động (1990 -1995), giúp họ cải thiện đời sống ngày càng tốt hơn.
Bảng 2.2. Thống kê giải quyết việc làm cho người lao động của tổ chức công đoàn (1990 -1995)
Năm Số người được giải quyết việc làm Số người được hỗ trợ giải quyết việc làm
1990 611 80 1991 730 112 1992 1200 146 1993 1450 179 1994 1700 198 1995 2000 299
Nguồn: Công đoàn KCN Sông Công
Đặc biệt, công tác bảo hộ lao động cũng được tổ chức công đoàn chú trọng, quan tâm. Cụ thể là các đơn vị, công ty, nhà máy xí nghiệp đều tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền như gắn áp phích, bảng nội quy, quy định tại nơi làm việc, treo băng zôn, khẩu hiệu nhằm tuyên truyền sâu rộng trong công nhân, viên chức, lao động. Bên cạnh đó, công đoàn luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động xã hội từ thiện, tích cực tham gia ủng hộ nhiều loại quỹ như “Qũy vì người nghèo”, “Quỹ ủng hộ trẻ em tàn tật, mồ côi”, …
Như vậy, hoạt động của công đoàn trong giai đoạn 1985-1995 luôn gắn liền với lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Lợi ích của người lao động không chỉ thuần túy là cơm ăn, áo mặc mà cao hơn là lợi ích kinh tế, lợi ích văn hóa, lợi ích tinh thần, lợi ích trước mắt, hàng ngày, lâu dài, lợi ích cá nhân, tập thể. Hoạt động của tổ chức công đoàn trong KCN giai đoạn này giúp người lao động thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong đơn vị, thực hiện tốt chế độ đóng góp và thụ thưởng, đấu tranh chống lại các thói hư tật xấu của một số người, nhóm người, đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ cơ sở vật chất, bảo vệ quyền lợi cho giới chủ, cho doanh nghiệp.
Công đoàn cùng tham gia công tác quản lý với các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp theo đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Để thực hiện tốt chức năng này, công đoàn tổ chức phong trào thi đua lao động giỏi trong công nhân, viên chức và lao động – biện pháp tổng hợp nhất để công nhân, viên chức và lao động trực tiếp tham gia quản lý. Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng KHKT vào sản xuất. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp còn phát động phong trào thi đua kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, phong trào học tập và rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng công việc được giao tại các công đoàn cơ sở. Từ đó, các công ty, doanh nghiệp lựa chọn được một số đoàn viên công đoàn có đủ điều kiện để theo học các lớp đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho công việc chuyên môn tại doanh nghiệp, công ty, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, tăng thu nhập cho công nhân, viên chức, lao động, đem lại lợi nhuận cao hơn và đẩy mạnh sự phát triển của doanh ngiệp.
Bảng 2.3. Thống kê số lớp và số lượt công đoàn viên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức công đoàn (1992-1995)
Năm Số lớp bồi dưỡng Lượt đoàn viên tham gia
1992 01 3
1993 01 4
1994 01 6
1995 02 7
Nguồn: Công đoàn KCN Sông Công
Đặc biệt, công đoàn thường xuyên tổ chức phong trào Xanh – Sạch – Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và vệ sinh môi trường như trồng cây xanh, quét dọn xung quanh công ty, doanh nghiệp, tổ chức trồng cây xanh mới nhân ngày Môi trường thế giới 5/6. Trong 5 năm (1990 -1994), công đoàn đã trồng được 11.504 cây xanh với tổng số tiền là 35 triệu, trồng và chăm sóc bồn hoa tại các khu vực đất trống trong đơn vị tạo cảnh quan môi trường, vệ sinh xanh - sạch – đẹp góp phần cải thiên môi trường làm việc.
Bảng 2.4. Thống kê số cây xanh được trồng của tổ chức công đoàn (1990-1994)
Năm Số cây xanh được trồng Số tiền (triệu đồng)
1990 1.135 5
1991 1.779 6
1992 1.899 7
1993 2.991 7
1994 3.700 10
Nguồn: Công đoàn KCN Sông Công
Công đoàn luôn chú trọng đến việc phát triển tiềm năng lao động, phát huy sáng kiến, cùng doanh nghiệp tìm nguồn vốn, thị trường mở rộng sản xuất – kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền chống quan liêu, tham nhũng.